(KTSG Online) - Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc giảm về mức thấp nhất trong 17 tháng khi dịch Covid-19 lan đến thủ đô Bắc Kinh, làm dấy lên lo ngại giới chức trách sẽ sớm triển khai lệnh phong tỏa nghiêm ngặt giống như ở Thượng Hải, khiến nền kinh tế bị tác động nặng nề hơn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã phải ra tay can thiệp bằng cách hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối ở các ngân hàng để bơm thêm đô la ra thị trường.
Hôm qua, tỷ giá NDT ở thị trường nước ngoài có lúc giảm 1,3%, về mức 6,6092 ăn 1 đô la Mỹ, thấp chưa từng thấy kể từ tháng 11-2020. NDT đã trải qua mức giảm trong ngày hơn 1% qua hai phiên giao dịch liên tiếp. Tỷ giá NDT ở trong nước cũng giảm gần 1% về mức 6,5658 ăn 1 đô la Mỹ. Chênh lệch tỷ giá NDT ở thị trường trong nước và nước ngoài đang ở sát mức cao nhất trong 10 tháng. Trước khi thị trường mở cửa, PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT ở mức 6,4909 ăn 1 đô la Mỹ, thấp nhất kể từ tháng 8-2021.
Đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến tồi tệ hơn ở Trung Quốc, kích loạt làn sóng bán tháo khắp các thị trường, với NDT giảm hơn 2% vào tuần trước, mức giảm mạnh nhất theo tuần kể từ tháng 8-2015. Một đợt bùng phát dịch mới đã xuất hiện ở thủ đô Bắc Kinh vào ngày 22-4 và cho đến nay, giới chức trách đã phát hiện tổng cộng 70 ca nhiễm.
Hôm qua, chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh xét nghiệm bắt buộc đối với toàn bộ người dân ở quận Triều Dương và phong tỏa một số khu vực ở thủ đô, một dấu hiệu cho thấy lệnh phong tỏa nghiêm ngặt giống như ở Thượng Hải có thể sớm được áp đặt, và động thái này sẽ làm gia tăng các lo ngại về nền kinh tế. Hôm 26-4, chính quyền thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm hàng loạt ở 10 quận nữa và Khu phát triển công nghệ kinh tế Bắc Kinh.
Trước đà giảm mạnh và kéo dài của NDT, PBoC thông báo hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc ở các ngân hàng thương mại để tăng nguồn cung đô la trên thị trường. Theo đó, kể từ ngày 15-5, các ngân hàng chỉ cần dự trữ 8% tổng giá trị ngoại hối của họ, giảm so với mức 9% hiện nay. PBoC cho biết động thái này nhằm tăng khả năng sử dụng quỹ ngoại hối của các ngân hàng và giúp quản lý thanh khoản.
Trước thông báo nói trên, giới chức trách Trung Quốc dường như xem nhẹ các lo ngại về xu hướng dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc và đà giảm giá nhanh chóng của NDT. Cuối tuần trước, Wang Chunying, người phát ngôn Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE), nói rằng các diễn biến gần đây của NDT dựa trên các yếu tố của thị trường và các kỳ vọng về NDT cơ bản là “ổn định”.
Fiona Lim, nhà chiến lược ngoại hối cao cấp ở Ngân hàng Maybank, nhận định với việc theo đuổi chính sách “zero-Covid” nghiêm ngặt, Trung Quốc cần cho phép NDT hấp thụ cú sốc để tạo lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu hàng hóa.
Quyết định hạ dữ trự ngoại hối ở các ngân hàng cho thấy PBoC không còn yên tâm với tốc độ giảm giá của NDT, theo nhận định của Erik Nelson, nhà chiến lược tiền tệ ở Ngân hàng Wells Fargo.
Tuy nhiên, ông cho rằng với quy mô hạ dự trữ ngoại hối tương đối nhỏ, PBoC rõ ràng không muốn đảo ngược xu thế giảm giá của NDT. “Họ (PBoC) cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa nỗ lực kiểm soát thị trường ngoại hối và hỗ trợ tăng trưởng”, Nelson nói và dự báo NDT có thể tiếp tục suy yếu nhưng với tốc độ chậm hơn.
Với 728 tỉ đô la trị giá ngoại tệ đang được gửi ở các ngân hàng của Trung Quốc, mức hạ tỷ lệ ngoại hối nói trên chỉ giúp tăng nguồn cung đô la cho thị trường thêm khoảng 7 tỉ đô la, một con số tương đối nhỏ so với dòng chảy 27 tỉ đô la trung bình mỗi tháng vào Trung Quốc thông qua hoạt động ngoại thương trong năm qua, theo Ngân hàng Goldman Sachs.
Guan Tao, cựu quan chức của SAFE và hiện nay là nhà kinh tế trưởng toàn cầu ở Ngân hàng BOC International, nói: ‘Động thái trên của PBoC có thể nhằm cải thiện thanh khoản ngoại hối trong nước, từ đó giúp ổn định thị trường ngoại hối. Đây là một tín hiệu rõ ràng nhằm ổn định tỷ giá của NDT”.
GDP của Trung Quốc tăng 4,8% trong quý 1, nhưng các nhà phân tích cảnh báo các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh, cuộc xung đột Nga-Ukraine và động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc trong quý 2.
Họ cho rằng mục tiêu tăng trưởng 5,5% của Trung Quốc trong năm nay đang trở nên khó khả thi. Kết quả khảo sát mới nhất của CNBC với các chuyên gia kinh tế ở 9 ngân hàng lớn trên toàn cầu cho thấy mức trung bình dự báo của họ đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 là 4,5%, với Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) bi quan nhất khi nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 3,9% trong năm nay.
Theo Bloomberg