(KTSG Online) - Thị trường xuất khẩu cà phê trở nên lắng dịu khi bước vào tháng 5. Một số yếu tố có thể chi phối hoạt động giao dịch và giá cà phê trong những ngày tới mà nhà kinh doanh nên thấy trước để chuẩn bị cho giai đoạn mới với nhiều thách thức.
Tâm lý lo ngại lãi suất đồng đô la Mỹ tăng
Ảnh hưởng tâm lý thị trường trực tiếp và lớn nhất trong tuần này chính là phiên họp của Fed quyết định tăng lãi suất điều hành đồng đô la Mỹ (USD). Thật ra, giới kinh doanh tài chính đã cấy yếu tố này vào giá từ mấy tháng nay, nên đã hạn chế rất nhiều sức bung của giá cà phê trên hai sàn phái sinh cà phê ngay từ đầu năm. Hiệu suất đầu tư trong 4 tháng đầu của 2 sàn này nói lên điều đó.
Hai sàn cà phê cũng có một tháng dao động mạnh với hiệu suất đầu tư tại sàn robusta giảm 0,38% (2.107-2.115) nhưng tính bốn tháng đầu năm giảm 184 USD/tấn hay 8,03% (2.107-2.291); ngược lại giá arabica cả tháng 4 lấy được 2,92% tăng 6,30 cts/lb (222,10-215,80 cts/lb) nhưng tính từ đầu năm vẫn còn giảm 3,15 cts/lb hay 1,40%.
Chuỗi cung ứng tiếp tục khó khăn
Về giao thương, biện pháp phong tỏa dịch Covid-19 của Thượng Hải (Trung Quốc) đến nay còn làm chừng 15% số tàu neo đậu ngoài khơi chưa thể cập bến dỡ hàng. Đây là điều đáng ngại cho chuỗi cung ứng hàng hóa trong đó có cà phê những ngày trước mắt.
Trong khi đó, ban quản lý hai cảng Los Angeles và Long Beach của Mỹ (chịu trách nhiệm đến 42% khối lượng hàng hóa chuyên chở bằng container vào ra của cả nước Mỹ) cho biết vẫn còn lúng túng. Lượng tàu biển container nằm đợi trên 5 ngày trong tháng 3 tăng lên 38,7% so với 34,3% của tháng 2.
Tại các cảng biển ở châu Âu tình hình còn tệ hơn do chiến tranh Nga - Ukraine. Một công ty có trụ sở ở Thụy Sĩ đã lập nên một chỉ báo lượng hóa tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng có tên gọi là Seaexplorer. Ước đến cuối tháng 2 có chừng 17 triệu container phải nằm chờ đợi nhiều ngày. Nhưng cách nay hai hay ba tuần con số này xuống còn 6 triệu thùng và đến tuần kết thúc tháng 4 tăng lên lại 7,5 triệu container.
Cái nhìn trước về thị trường cà phê
Như vậy, người kinh doanh cà phê cần chuẩn bị trước tâm thế cho một giai đoạn khó khăn về thị trường, có lẽ không hề ngắn. Từ nay đến cuối năm, Fed còn đến năm hay sáu lần tăng lãi suất từ 0,25 điểm phần trăm trở lên, khi có điều kiện, họ không ngần ngại tăng 0,50 điểm hay 0,75 điểm lãi suất điều hành đồng đô la Mỹ. Cuộc chiến tại Ukraine càng lúc càng phức tạp và có thể còn kéo dài, ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng và hệ quả là giá cước còn tăng.
Nếu như chỉ số DXY mạnh, sẽ đẩy giá trị đồng nội tệ Brazil là Brl về 1 USD ăn trên 5 Brl. Đồng Brl mất giá khiến nông dân Brazil bán mạnh giữa một năm được mùa cà phê, ước không dưới 60 triệu bao, trong đó robusta ước trong khu vực 20-25 triệu bao.
Giá trị đồng đô la Mỹ tăng mạnh lên mức cao nhất tính từ hai chục năm nay khi gần chạm 104 điểm. Chỉ số DXY trong rổ các đồng tiền các nước phát triển gồm đồng euro, yen, đô la Canada và bảng Anh tỏ ra vượt trội. Thật vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị đồng đô la Mỹ tăng 7%, và trở thành nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư. Một số nhà phân tích cho rằng đồng đô la Mỹ tiếp tục mạnh chừng nào mà nhiều nước không tăng lãi suất đồng nội tệ của mình.
Chỉ số DXY tăng sẽ là một trở lực cho thị trường cà phê vốn rất nhạy cảm với yếu tố tiền tệ.
Tiền ký quỹ ban đầu của sàn robusta ICE EU nay đã giảm từ 1.900 USD/hợp đồng còn 1.595 USD. Sàn đang “hạ giá” để kích lực mua khống?
Như vậy, hai yếu tố cơ bản (fundamentals) và dòng tiền (funds) đang chỏi nhau. Chọn cho ra một hướng kinh doanh đúng đắn xem ra rất khó. Cách kinh doanh may rủi dễ hơn nhưng thường dành cho người kinh doanh tài chính.
Giá cà phê xuất khẩu loại chất lượng trung bình được một số nhà xuất khẩu trả quanh mức 42,5 triệu đồng/tấn tương đương với 1.850 đô la Mỹ/tấn, cách biệt âm dưới giá niêm yết cơ sở giao dịch sàn London tháng 7-2022 là gần 260 đô la/tấn. Giá chào bán xuất khẩu cùng loại chừng -200 đô la/tấn. Tuy nhiên các nhà nhập khẩu đang khá ngần ngại do tình hình không mấy ổn của thị trường cà phê trên thế giới.