(KTSG Online) - Trước diễn biến giá dầu thế giới tăng những ngày qua, dự báo giá các mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ có lần tăng thứ 2 liên tiếp trong kỳ điều hành vào ngày 4-5 tới.
Theo quy định hiện hành, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh vào ngày 1-5, nhưng do trùng vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên được lùi lịch điều hành. Dự kiến, ngày mai (4-5), liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu.
Cụ thể ở phiên giao dịch hôm 1-5, giá dầu Brent là 107 đô la Mỹ/thùng, dầu WTI là 104 dô la/thùng và dầu OPEC là 105 đô la/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 2-5, cả dầu Brent và WTI đều đã giảm hơn 2 đô la khi có thông tin rằng Ủy ban châu Âu (EC) có thể “miễn” cho Hungary và Slovakia khỏi lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga khi EC chuẩn bị hoàn tất gói trừng phạt tiếp theo đối với Nga.
Giá dầu sau đó đã nhanh chóng đảo chiều, dần ổn định sau một đợt phục hồi trên thị trường dầu diesel và lo ngại rằng nguồn cung có thể bị hạn chế bởi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô Nga.
Sau phiên giao dịch đầy biến động những ngày qua, giá Brent và WTI vào ngày 3-5 dịch chuyển nhẹ. Theo Theo oilprice, lúc 6 giờ 5 phút ngày 3-5 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 6 được giao dịch ở mức 105,3 đô la Mỹ/thùng, tăng 0,13 đô la, tương đương 0,12%. Cùng thời điểm, giá dầu Brent giao tháng 6 "neo" ở mức 107,6 đô la/thùng.
Với diễn biến giá dầu thế giới giao dịch trong những ngày qua, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá xăng bán lẻ trong nước vào ngày mai (4-5) có thể sẽ tăng ở mức từ 400-550 đồng/lít tùy loại. Trong khi đó, giá dầu tăng ở mức thấp hơn, khoảng gần 200 đồng/lít. Mức tăng giá xăng dầu còn phụ thuộc vào việc trích lập, chi quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan điều hành.
Theo Bộ Công Thương, giá xăng A95 nhập khẩu từ Singapore hiện đang chạm ngưỡng 132 đô la Mỹ/thùng. Mức giá này tương đương với kỳ điều chỉnh xăng trong nước ngày 21-4 vừa qua. Thời điểm này, giá xăng trong nước đã tăng hơn 600 đồng/lít. Do đó, rất khó kỳ vọng giá xăng sẽ giảm trừ khi các cơ quan quản lý nhà nước xả quỹ bình ổn để hỗ trợ thị trường xăng dầu.
Tại kỳ điều hành gần nhất vào ngày 21-4, giá xăng E5RON92 tăng 663 đồng/lít, có giá bán 27.134 đồng/lít; xăng RON95 có giá bán 27.992 đồng/lít sau khi tăng 675 đồng/lít. Tương tự, các mặt hàng dầu cũng tăng giá tại kỳ điều hành này. Theo đó, dầu diesel tăng 979 đồng/lít, có giá bán 25.359 đồng/lít; dầu hỏa tăng 808 đồng/lít, có giá 23.828 đồng/lít; dầu mazut tăng 871 đồng/kg, có giá bán lẻ 21.800 đồng/kg.
Nếu ngày 4-5 giá xăng dầu điều chỉnh tăng, thì đây là sẽ kỳ điều hành thứ 2 liên tiếp giá các mặt hàng này tăng.
Giá xăng dầu trong nước tăng mạnh ở những tháng đầu năm khi tiến sát mốc 30.000 đồng/lít với xăng RON95. Sau đó, giá mặt hàng này đã dần "hạ nhiệt" cùng với diễn biến trên thị trường thế giới.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ 1-4 đến hết năm 2022.
Thời điểm này tăng giá là bất hợp lý. Vì suốt tuần qua, xăng dầu thế giới đa phần là giảm. Có ngày đã xuống dưới 100 usd/thùng. Giá hiện nay đang dao động quanh 105 usd/thùng. Trong khi giá xăng dầu đợt trước điều chỉnh quanh mốc 110 usd/thùng. Đúng ra giá phải giảm chút ít, không thể tăng được. Tại sao trong lúc kinh tế khó khăn, các nhà điều hành vĩ mô lại chỉ muốn tăng thu thông qua thuế phí xăng dầu nhỉ? Có phải vì quá dễ thu?