Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung tâm nông sản tại Cần Thơ sẽ là đầu mối các ‘chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ’ vùng ĐBSCL

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ được lập ra với kỳ vọng đến năm 2050 sẽ trở thành đầu mối của các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh toàn vùng. Trong đó, ở chuỗi liên kết này, có khoảng 50% đến 70% các quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh.

Sơ đồ trung tâm liên kết, sản xuất và tiêu thụ nông sản ĐBSCL tại Cần Thơ. Ảnh chụp màn hình: Trung Chánh

Đó là nội dung của đề án thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ĐBSCL tại TP Cần Thơ (trung tâm) dự kiến sẽ lấy ý kiến của các bộ, ngành và đơn vị liên quan vào ngày 19-5.

Theo đó, mục tiêu chung của việc hình thành trung tâm nêu trên là nhằm đóng góp, xây dựng TP Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp toàn vùng, hướng đến theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 45 của Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ có hiệu lực từ năm 2022 và được thực hiện trong 5 năm (đến 2027).

Trong khi đó, về ngắn hạn đến năm 2025, đề án cũng nhấn mạnh hình thành trung tâm với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”; thu hút đầu tư cho chế biến sâu các sản phẩm thủy sản, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó, chú trọng sản phẩm giá trị gia tăng để tăng giá trị xuất khẩu.

Song song đó, sẽ phát triển công nghệ chế biến, bảo quản của các nhà máy để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp gắn với vùng chuyên canh và các trung tâm dịch vụ hậu cần để kết nối ra thị trường (bao bì, nhãn mác, đóng gói, vận chuyển, thanh toán, tài chính...); nghiên cứu ứng dụng các công nghệ bảo quản, phát triển chuỗi lạnh, đầu tư hệ thống vận chuyển, hậu cần nhanh chóng và thuận tiện; xây dựng các trung tâm một cửa kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng hài hòa và được công nhận tương đương với các nước nhập khẩu.

Đồng thời, hoàn thành các hạng mục cơ bản phục vụ xuất khẩu nông sản vùng ĐBSCL qua các cửa khẩu Cần Thơ, bao gồm hệ thống các kho lạnh, kho ngoại quan, ICD, hệ thống logistics phục vụ xuất khẩu qua đường hàng không và đường biển.

Đến năm 2025, trung tâm cũng đề ra mục tiêu là thu hút các nhà đầu tư nắm giữ công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến sâu cho những sản phẩm nông sản, thủy sản quan trọng nhất của ĐBSCL; các nhà đầu tư nắm giữ công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số vào giới thiệu, xây dựng mô hình mẫu và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp trong vùng, trong đó, trước tiên là cho các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp Cần Thơ.

Hình thành những phân khu hạt nhân của trung tâm như phân khu sản xuất, phân khu chế biến, phân khu tiêu thụ- xuất khẩu và khu phi thuế quan.

Mục tiêu đến năm 2030, trung tâm trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL; thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL với vai trò dẫn dắt (về công nghệ, đào tạo, chuyển giao giải pháp…), thúc đẩy (kiến tạo các chuỗi liên kết, thu hút các nguồn lực) và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng (nâng cao giá trị gia tăng, tiêu thụ, xuất khẩu…); hoàn chỉnh tất cả các phân khu chức năng của trung tâm trên diện tích mở rộng theo quy hoạch (3.300 héc ta- PV).

Còn tầm nhìn đến năm 2050, trung tâm sẽ trở thành hạt nhân của đô thị sân bay với công nghệ thông minh và là đầu mối của chuỗi các trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh toàn vùng. Trong chuỗi liên kết này, có khoảng 50% đến 70% các quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh…

Lộ trình và tầm nhìn phát triển trung tâm sẽ thực hiện theo giai đoạn, trong đó, ở giai đoạn 2022-2027 (giai đoạn 1- PV) thì năm 2022 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trung tâm; lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng và triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng; xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động trung tâm theo Nghị quyết 45/2022/QH15 như cơ chế bù giá do miễn giảm tiền thuê đất; cơ chế tài chính đối với khu phi thuế quan…

Năm 2023, sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, chất thải khác có liên quan và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đưa trung tâm hoạt động. Đồng thời, trong quá trình này sẽ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong trung tâm; có thể tiến hành các hoạt động xây dựng nhà xưởng, lắp ráp máy móc, trang thiết bị để sẵn sàng đưa vào hoạt động cùng lúc với các hoạt động khác của trung tâm.

Năm 2024, tiếp tục các hoạt động đầu tư vào trung tâm và hoạt động của các doanh nghiệp trong trung tâm; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và báo cáo Quốc hội theo quy định.

Năm 2025, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh trong trung tâm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, mở rộng thị trường, đồng thời cập nhật các công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.

Năm 2026, sẽ là năm then chốt để xác định, đánh giá hiệu quả hoạt động của trung tâm cũng như hiệu quả của chính sách đặc thù đối với thành phố. Đồng thời, đây cũng là năm đầu nhiệm kỳ mới (2026-2030) nên phảỉ tập trung đẩy nhanh công suất, hiệu quả toàn bộ các hoạt động của trung tâm lên mức cao nhất.

Năm 2027, tiếp tục phát huy những giá trị đạt được từ năm 2026 để sản xuất ổn định, chuẩn bị cho thời kỳ tiếp theo sau khi tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động toàn bộ trung tâm cũng như Nghị quyết 45/2022/QH15.

Ở giai đoạn sau năm 2027 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ tiếp tục các cơ chế chính sách đối với các dự án đầu tư tại trung tâm được tiếp tục hưởng các ưu đãi đã được quyết định trước đây, trừ trường hợp có chính sách ưu đãi mới ban hành thuận lợi hơn thì việc áp dụng do Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định.

Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ có quy mô theo tầm nhìn đến năm 2050 là 3.300 héc ta. Trong đó, giai đoạn đầu tiên có quy mô khoảng 450 héc ta, tập trung cho sản xuất, chế biến tinh, hệ thống kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới