Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán và công ty kiểm toán

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Gần đây cơ quan quản lý nhà nước đã đình chỉ tư cách kiểm toán một số công ty kiểm toán trong nỗ lực lành mạnh hóa thị trường tài chính, chứng khoán.

Sức ép lên chất lượng kiểm toán, chất lượng báo cáo tài chính sẽ khiến cho các công ty đại chúng phải bảo thủ (conservatism) hơn, các dự báo lợi nhuận và MD&A (Management Discussion and Analysis) trong báo cáo hàng năm bớt lạc quan hơn. Và như vậy, rủi ro giá chứng khoán giảm mạnh đột ngột đối với nhà đầu tư sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Trách nhiệm pháp lý của công ty kiểm toán

Như một số ngành nghề khác trong xã hội, nghề kiểm toán cũng phải chịu các trách nhiệm pháp lý, đặc biệt là trách nhiệm dân sự. Ở nhiều thị trường trên thế giới, nhà đầu tư có thể kiện công ty kiểm toán ra tòa nếu như lợi ích của họ bị xâm phạm do lỗi của công ty kiểm toán gây ra. Phổ biến nhất là việc tiếp tay, đồng lõa với doanh nghiệp phát hành chứng khoán nhằm che giấu những thông tin bất lợi đối với nhà đầu tư.

Khi trách nhiệm pháp lý của công ty kiểm toán càng cao, thì những áp lực này sẽ được chuyển giao một phần cho các công ty là khách hàng. Chẳng hạn nếu như quy định của pháp luật có cả xử lý vi phạm hành chính, dân sự, và hình sự nghiêm khắc thì buộc các công ty kiểm toán phải hết sức thận trọng và chú ý đến chất lượng kiểm toán của mình.

Dưới áp lực trách nhiệm pháp lý, công ty kiểm toán sẽ phải có cách để khách hàng của mình áp dụng các thực hành kế toán (accounting practices) bảo thủ hơn, bớt thổi phồng lợi nhuận và phần MD&A cũng bớt lạc quan hơn. Còn nếu không, công ty kiểm toán và khách hàng sẵn sàng nộp phạt để vi phạm khi nào lợi ích còn lớn hơn chi phí.

Như quy định hiện nay về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập ở Việt Nam theo Nghị định 41/2018/NĐ-CP thì mức răn đe còn quá thấp. Nếu sự vi phạm đem lại lợi ích hàng tỉ đồng thì số tiền phạt không có ý nghĩa gì nữa.

Nâng cao chất lượng kiểm toán

Để nâng cao chất lượng kiểm toán cũng như chất lượng của các báo cáo tài chính, một trong những cách hiệu quả nhất là đặt nặng trách nhiệm pháp lý của các công ty kiểm toán. Ở những thị trường tài chính mới nổi như Việt Nam, một số nghiên cứu cho thấy giải pháp này hiệu quả hơn hẳn ở những thị trường đã phát triển, những nơi mà hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn, có tính thực thi cao hơn.

Để các công ty kiểm toán nâng cao chất lượng hoạt động của mình cũng như chất lượng của các báo cáo tài chính thì phải gắn chặt hoạt động của những công ty này với trách nhiệm pháp lý.

Việc tạo áp lực trách nhiệm pháp lý chủ yếu hiệu quả đối với các công ty kiểm toán nhỏ và vừa, bởi vì các công ty kiểm toán lớn rất quan tâm đến uy tín của mình. Thực tế cho thấy các công ty kiểm toán lớn còn hoạt động trên phạm vi quốc tế, trong khi các công ty kiểm toán nhỏ và vừa chỉ hoạt động ở phạm vi địa phương hoặc trong nước.

Một trong những nền kinh tế đang phát triển có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam và chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của họ đó là Trung Quốc.

Từ năm 2010, cơ quan quản lý của nước này đã khuyến khích các công ty kiểm toán chuyển từ mô hình pháp nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) sang công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn (LLP). Đến cuối năm 2013, quy định này trở thành bắt buộc nếu công ty kiểm toán muốn nhận khách hàng là công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Với việc nâng cao trách nhiệm pháp lý của công ty kiểm toán qua hình thức pháp nhân là LLP, kết quả đạt được là các công ty được kiểm toán đã áp dụng các thực hành kế toán bảo thủ hơn, các dự báo lợi nhuận và MD&A trong các báo cáo hàng năm cũng sát với thực tế hơn.

Còn về phía các công ty kiểm toán, từ khi chuyển sang LLP thì họ ban hành nhiều hơn các yêu cầu điều chỉnh sửa đổi (modified audit opinions) cũng như các ý kiến quan ngại (going-concern opinions). Bên cạnh đó, các công ty kiểm toán cũng giám sát chặt hơn báo cáo cũng như dự báo lợi nhuận của khách hàng, và dĩ nhiên chi phí kiểm toán cũng phải tăng theo.

Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030

Ngày 23-5-2022, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 với mục tiêu là hoàn thiện hệ thống quy định nhằm đảm bảo chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ hệ thống chuẩn mực kế toán - kiểm toán theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

Trong các mục tiêu quan trọng, đáng chú ý nhất là việc nâng cao chất lượng thông tin kinh tế - tài chính thông qua sự công khai, minh bạch và sự trung thực của các thông tin, số liệu. Vai trò của các công ty kiểm toán là rất lớn trong việc đạt được mục tiêu đề ra.

Để các công ty kiểm toán nâng cao chất lượng hoạt động của mình cũng như chất lượng của các báo cáo tài chính thì phải gắn chặt hoạt động của những công ty này với trách nhiệm pháp lý. Điều này còn có ý nghĩa hơn ở những nền kinh tế mà chất lượng thể chế còn hạn chế, và sự can thiệp của Chính phủ còn nặng nề. Lấy ví dụ như sự khác biệt trong kiểm toán của doanh nghiệp niêm yết có phần vốn nhà nước chi phối so với doanh nghiệp niêm yết hoàn toàn tư nhân là một thực tế khó chối bỏ.

Tuy vậy, các công ty kiểm toán cũng cần có cơ chế để bảo vệ mình. Đó là việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cũng như một số ngành nghề thuộc diện bắt buộc khác như luật sư, môi giới bảo hiểm, công chứng, khám chữa bệnh, nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, và thẩm định giá.

Cùng với đó, xu hướng tách bạch hoạt động kiểm toán và tư vấn của công ty kiểm toán phải được thực hiện mạnh mẽ hơn, xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân công ty kiểm toán cũng như từ yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới