(KTSG Online) - Theo báo cáo của UBND TPHCM, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố được HĐND thông qua vào tháng 12-2021 với tổng số vốn là gần 45.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 25-5, thành phố chỉ mới giải ngân được hơn 4.300 tỉ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 210.000 tỉ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 57.200 tỉ đồng, đạt 49,10% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 39.509 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM rất thấp. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố được HĐND TP thông qua tại Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 9-12-2021 với tổng số vốn là 44.987,640 tỉ đồng. Căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước Thành phố cung cấp, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố đã giải ngân đến ngày 25-5-2022 là 4.322,653 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 13,5% tổng kế hoạch vốn được giao.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng tại cuộc họp ngày 2-6-2022 nhìn nhận, tỷ lệ này rất thấp và không có sự chuyển biến trong thời gian qua.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM cho biết, qua theo dõi toàn TP thì khối lượng nghiệm thu thực tế trên các công trường chậm. Trong đó nguyên nhân là do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự Ukraina, giá xăng dầu tăng mà cụ thể mà giá xăng trong nước tăng 11 lần (tăng hơn 30%); từ đó ảnh hưởng đến tất cả loại giá vật liệu đầu vào của ngành xây dựng.
Theo ông Hải, các nhà thầu trúng thầu theo hợp đồng có quan ngại nếu tiếp tục “càng làm thì càng lỗ” nên có tâm lý làm cầm chừng, chờ có chính sách giá điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và điều chỉnh giá hợp đồng vì hiện họ làm càng nhanh thì càng lỗ.
Bên cạnh đó, đặc thù của các công trình xây dựng cơ bản là đến những tháng đầu năm 2022 mới được giao kế hoạch vốn; do đó đến tháng 4, tháng 5-2022, các kế hoạch như mời thầu, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thẩu… mới được triển khai nên giá trị giải ngân thấp.
Ngoài ra, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, tỉ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ do chủ yếu là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021, việc tái khởi động thi công các dự án các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian TP thực hiện ứng phó với tình hình dịch; chi phí đầu vào tăng cao.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM thông tin, một trong những khó khăn của TP trong năm tháng đầu năm 2022 là thị trường bất động sản sụt giảm mạnh trong khi đây là lĩnh vực kinh tế có sự tác động lớn đến các lĩnh vực khác như xây dựng, đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng.
“Thực tế cho thấy nền kinh tế đang khủng hoảng về bất động sản và chứng khoán do những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây”, ông Hoàng cho biết, và đề xuất TP cần có nhiều giải pháp về kiểm soát tín dụng liên quan đến bất động sản. Theo ông, việc kiểm soát này là cần thiết nhưng cần đúng đối tượng.