Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không nhất thiết phải có cánh đồng lớn?

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào chiều 7-6, các bộ trưởng cho biết Chính phủ đang tìm cách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao không nhất thiết phải có cánh đồng lớn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời trước Quốc hội ngày 7-6. Ảnh: Quốc hội

Liên quan vấn đề tập trung đất đai để phát triển nền sản xuất nông nghiệp lớn, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết ông chỉ dùng từ "tập trung", bởi nếu hiểu tích tụ đó là chuyển quyền sử dụng đất thì đây là một vấn đề phải tính toán rất lớn đến quá trình chuyển đổi lực lượng sản xuất, liên quan đến an ninh, chính trị, trật tự và đặc biệt là công ăn việc làm đối với người nông dân. Tập trung về đất đai thì có rất nhiều hình thức đã thành công trong nước - đó là thông qua việc dồn điền, đổi thửa, hình thức các hợp tác xã liên kết, liên doanh, hình thức cho thuê.

“Thực tiễn thế giới chứng minh rằng phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả không có nghĩa phải cánh đồng lớn mới phát triển được và thực tế nhiều nước đã chứng minh”, ông Hà nói.

Ông Hà cho hay Việt Nam đã tính toán quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao và loại đất này đang nằm trong quỹ đất đang sử dụng cho đất nông nghiệp. Hiện nay mới có khoảng 4.710 hecta đã được quy hoạch khu công nghệ cao.

“Trên thực tế để đưa ra mô hình công nghệ cao, sản xuất quy mô công nghệ, các vấn đề liên quan đến toàn diện đầu tư như là giống, các vấn đề liên quan đến tiêu thụ... chưa được quan tâm nhiều. Khu công nghệ cao cũng có cơ chế giống như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện nay”, ông Hà Nói.

Hiện nay tiếp nhận đất hạn mức đối với các doanh nghiệp thì không hạn chế quỹ đất. Nên sắp tới sửa Luật Đất đai sẽ tính thêm đối với vấn đề hộ gia đình và các điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp có thể tham gia vào trong mối quan hệ là nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và doanh nhân, để làm sao tạo ra những giá trị cao và đưa khoa học công nghệ vào đây.

Ông Dương Khắc Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, cho rằng hiện cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ông Mai hỏi giải pháp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu cho Chính phủ trong thời gian sắp tới về cơ chế, chính sách là như thế nào.

Trả lời câu hỏi trên, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay thời gian vừa qua có 2 nhóm doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhóm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào sản xuất và nhóm thứ hai là đầu tư vào lĩnh vực chế biến.

“Chúng ta cũng có nghị định để thu hút chung cho các doanh nghiệp và trong đó có các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang sửa Nghị định 57. Chúng ta làm sao cho các doanh nghiệp tiếp cận vấn đề này”, ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng cho biết trong quá trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định 57 thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia và sẽ tiếp cận với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao để tìm hiểu thêm những điểm nghẽn để họ tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng không phải chỉ dừng lại ở chỗ cơ chế, chính sách nhà nước mà cần sự sẵn lòng, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và các địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu lan tỏa.

“Nếu một một doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mà đóng khung lại 1.000 hecta, 2.000 hecta để tạo ra vùng nguyên liệu thì cá nhân tôi không khuyến khích mô hình đó. Làm sao một doanh nghiệp có thể từ lõi nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao từ công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ... mà để lan tỏa cho người nông dân ở xung quanh đó, đó là hướng mà chúng ta tìm kiếm”, ông Hoan nói.

2 BÌNH LUẬN

  1. Đất đai dành cho nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là bài toán pháp lý, trật tự quản lý, và cả bài toán hiệu quả. Hiện nay một loạt các nông trường quốc doanh kiểu cũ đang để hoang hóa, lãng phí hàng ngàn hecta, vẫn chưa được quy hoạch sử dụng. Đất nông nghiệp có nơi phát huy tốt, có nơi không hiệu quả, có nơi đang nằm trong tầm nhắm phân lô bán nền… Giống như một ma trận vậy. Nếu muốn VN là cường quốc nông nghiệp (khẳng định lại, cường quốc hàng đầu thế giới chứ không phải là cường quốc theo kiểu khẩu hiệu) thì phải dành nguồn lực đất đai hợp lý và đầy đủ cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Phải nhanh chóng sắp xếp lại trật tự đất đai, trong đó đất đai dành cho nông nghiệp công nghệ cao phải là chủ đạo. Các vị quản lý nhà nước, xin đừng để rơi vào chủ quan duy ý chí khi nói rằng không cần nhiều đất đai vẫn có cường quốc nông nghiệp công nghệ cao ?

  2. Với lĩnh vực khác thì chưa yên tâm. Nhưng với lĩnh vực nông nghiệp, thiên thời địa lợi nhân hòa. Sẽ không viển vông và có tính hiện thực cao khi khẳng định VN sẽ là cường quốc hàng đầu về nông sản. Trên thị trường thế giới, ta đã có tên tuổi, nhưng chưa phải là đối thủ cạnh tranh xứng tầm với thiên hạ. Nông dân là chủ thể nhưng phần lớn còn nghèo khổ quá. Thương hiệu nông sản vẫn chưa có gì xuất sắc, nhất là nông sản công nghệ cao, vừa ngon vừa lành. Còn rất nhiều việc phải làm để vươn lên tầm là cường quốc, trong đó tái bố trí và bảo vệ nguồn lực đất đai là nhiệm vụ quan trọng nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới