Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính sách quản lý vàng không còn phù hợp?

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại phiên chất vấn ở nghị trường Quốc hội vào cuối tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề về chính sách quản lý độc quyền vàng miếng SJC trong thời gian qua.

Các vấn đề được nêu lên là giá vàng miếng SJC chênh lệch quá cao so với vàng trang sức SJC cùng hàm lượng, chênh lệch lớn với các thương hiệu vàng miếng khác trong nước và cả giá vàng thế giới.

Giá vàng miếng SJC trong nước ngày càng tăng mạnh, kéo dài khoảng chênh lệch với các giá vàng các loại khác.

Nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề việc độc quyền của Nhà nước trong quản lý vàng đã khiến cho giá vàng SJC đắt “phi lý” như thế. Câu chuyện quản lý vàng cũng ảnh hưởng đến niềm tin của người dân nói chung, thắc mắc về góc khuất của việc kinh doanh vàng tại Việt Nam, và đặt dấu hỏi về liệu có sự bắt tay thao túng vàng miếng SJC hay không?

Chính sách quản lý vàng hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định 24 Chính phủ ban hành năm 2012, ở thời điểm bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng có nhiều điểm khác biệt so với hiện nay. Thị trường vàng khi đó biến động rất mạnh, tồn tại những hạn chế gây bất ổn kinh tế vĩ mô nên chủ trương của Chính phủ là “chống vàng hóa”.

Từ khi nghị định này đi vào thực tế, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng chính sách quản lý nhà nước được thực hiện hiệu quả, giúp ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Trong Nghị định 24 này có chính sách Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, nên thuê SJC gia công. SJC được lựa chọn vì tại thời điểm đó, thương hiệu này chiếm 90% trên thị trường, quen thuộc với người dân.

Ghi nhận vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết sẽ rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Còn với mức giá quá cao của SJC hiện nay, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp thị trường khi giá quá cao nhưng là "trong trường hợp cần thiết". Người đứng đầu NHNN bổ sung thêm rằng qua tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng cho thấy người dân không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều.

Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012 quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Trong nhiều năm qua, cơ quan quản lý không can thiệp khi giá vàng SJC tăng và tăng liên tục. Mức chênh lệch giá vàng ngày càng cao so với vàng trong nước và cả vàng thế giới.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng lập đỉnh 74 triệu đồng/lượng hồi tháng 3 khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine bắt đầu. Mức giá quy đổi chênh lệch với giá thế giới lên đến hơn 18 triệu đồng/lượng.

Hiện nay giá SJC rao bán mức gần 70 triệu đồng/lượng, nhưng bất ngờ giảm mạnh hơn 1,1 triệu đồng trong ngày 13-6. Trong sáng ngày 14-6, giá vàng SJC tiếp tục giảm thêm khoảng 350.000 đồng mỗi lượng, niêm yết giá ở chiều bán ra là 68,3 triệu đồng/lượng, chiều mua vào là 67,5 triệu đồng/lượng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu nói người dân không có nhu cầu mua vàng lá là ngụy biện chủ quan vì tập quán người Việt Nam xưa nay thường giữ vàng để phòng lúc khó khăn, nhà nước không nên can thiệp thì hơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới