Rắc rối tiếng Anh ngân hàng
Cách khoảng mươi ngày, một ngân hàng gửi đi một thông cáo báo chí về chuyện phát hành chứng chỉ tiền gửi nhưng hầu như không thấy báo nào đưa tin. Ấy có lẽ là vì ngân hàng này sử dụng tiếng Anh (phải mấy ngày sau mới có bản dịch tiếng Việt) và là loại tiếng Anh chuyên ngành khó hiểu đối với người ngoài ngành.
Thông tin chính của bản thông báo nằm ở câu: “The issue, which will help expand and develop Vietnam’s local long-term debt market, marks the debut [of] long-term negotiable certificates of deposit to be issued in Vietnamese dong”. Có lẽ người sử dụng các dịch vụ của ngân hàng hiện đã quen với công cụ “chứng chỉ tiền gửi” (certificate of deposit hay được gọi tắt là CD) - cũng là một cách gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn cụ thể. Negotiable trong câu này là một từ dễ gây hiểu nhầm vì nghĩa thường dùng của nó là “có thể thương lượng”. Thật ra, negotiable đối với các CD có nghĩa sau khi mua về có thể bán lại, hay nói cho văn vẻ là có thể giao dịch trên thị trường thứ cấp. Ít nhất, người mua có thể đem tới ngân hàng để bán lại trước khi đáo hạn, mà tiếng Việt thường gọi là chiết khấu.
Bản thông báo giải thích: “The coupon resets every six months and will pay at a specified spread over a benchmark rate set by the bank”. Đây chính là câu gây khó khăn nhiều nhất vì nó chứa nhiều từ khó. Chúng ta thường quen với từ interest rate (lãi suất) trong khi đối với trái phiếu, từ thường dùng là coupon. Ngày trước, tờ trái phiếu có kèm các coupon ghi rõ số tiền trả cho trái chủ và vì trái phiếu thường dài hạn nên một tờ trái phiếu có in kèm nhiều coupon để mỗi sáu tháng, chẳng hạn, trái chủ cắt và đi lãnh lãi. Thật ra với các CD, dùng interest rate cũng được.
Spread cũng là một từ hay vì nó được dùng trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ giá mua vàng là 13 triệu/lượng - giá bán là 13,2 triệu/lượng thì spread ở đây là 0,2 triệu. Khác biệt giữa giá mua, giá bán ngoại tệ cũng là spread. Còn spread trong câu trên ý nói lãi suất sẽ được thả nổi và sẽ bằng mức lãi suất liên ngân hàng (bản dịch tiếng Việt) cộng thêm một mức nào đó do ngân hàng ấn định sáu tháng một lần. Từ “benchmark rate” dùng trong câu này là lãi suất tham chiếu (còn gọi là reference rate), lãi suất liên ngân hàng thường được gọi là inter-bank rate.
Trước đó, bản thông báo cho biết: “The inaugural issue was a VND400bn (US$22m) floating rate issue with a tenor of two years and one day”. Để cho văn vẻ, người viết sử dụng khá nhiều từ để chỉ lần phát hành đầu tiên (inaugural issue, maiden issue, debut...). Kỳ hạn của chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu thường được gọi là term, hay tenor. Còn kỳ hạn hai năm cộng một ngày là vì lý do cho dễ tính (tròn hai năm).
Câu khó tiêu hóa nhất trong thông báo này là: “The CD can be sold back to XXX Hanoi branch on each coupon payment date after a certain holding period at the benchmark one-year government bond rate plus a certain spread but the issue when bought back cannot be less than the coupon rate for the previous fixing period”.
Xin đối chiếu với bản dịch của ngân hàng này mấy ngày sau: “Chứng chỉ tiền gửi này có thể chiết khấu tại XXX Hà Nội trong mỗi kỳ trả lãi sau một thời hạn nhất định, với lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn một năm cộng với một chênh lệch lãi suất nhất định, nhưng không quá lãi suất ấn định của kỳ lãi trước”.
Phần sau của bản dịch này có vấn đề vì tiếng Anh là “cannot be less than” tức là không thấp hơn trong khi tiếng Việt là “không quá” tức là phải thấp hơn. Không biết bản nào chính xác đây?
Ở trên là nói chuyện tiếng Anh. Bây giờ xin nói sơ qua nội dung. Bản dịch dùng cụm từ lãi suất liên ngân hàng (tiếng Anh: benchmark rate) có thể gây hiểu nhầm. Vì lãi suất liên ngân hàng là loại lãi suất các ngân hàng áp dụng cho nhau như khi cho vay qua đêm để bảo đảm tỷ lệ dự trữ hay trạng thái ngoại hối. Còn ở đây, thực chất người ta muốn nói đến lãi suất huy động tiền gửi bình quân của bốn ngân hàng thương mại quốc doanh; mức cộng thêm là 10 điểm (0,1%). Và sau khi kiểm chứng lại thì ở phần chiết khấu, đúng là sau khi giữ chứng chỉ tiền gửi một năm, người mua có thể bán lại cho ngân hàng này, khi đó lãi suất bằng lãi suất trái phiếu chính phủ loại một năm cộng 1 điểm phần trăm. Mức này không thấp hơn mức lãi suất đã được ấn định cho kỳ sáu tháng trước đó.
Nhân đây xin giới thiệu thêm một số từ liên quan đến “certificate of deposit”. Ở Mỹ có loại “jumbo CD” tức là các chứng chỉ trị giá lớn, mức tối thiểu cũng phải chừng 100.000 đô la. Callable CD là loại chứng chỉ mà ngân hàng phát hành có thể mua lại, nhằm phòng hờ trường hợp lãi suất trên thị trường thay đổi mạnh.
Nguyễn Vạn Phú