(KTSG) - Ngân hàng Nhà nước đang đưa dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) ra lấy ý kiến của người dân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tình hình mới. Luật Phòng, chống rửa tiền hiện nay được Quốc hội khóa XIII thông qua vào năm 2012 và bắt đầu có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2013. Từ đó đến nay đã có nhiều hoạt động mới phát sinh chưa được luật bao quát như hoạt động liên quan đến tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ... cần bổ sung vào luật sửa đổi.
Tuy nhiên, dù dự thảo đã nhắc đến các tài sản ảo nhưng vẫn còn chung chung và nhất là chưa đề cập đến các loại hình tài sản nhưng núp dưới danh nghĩa tiền mã hóa. Các loại tiền mã hóa như bitcoin, Ethereum, các loại tiền neo giá, có giá trị neo chặt với một ngoại tệ nào đó và nói chung các sàn giao dịch cung cấp dịch vụ mua bán, chuyển đổi giữa các loại tiền này và tiền pháp định là những công cụ rửa tiền được bọn tội phạm ưa chuộng.
Chẳng hạn gần đây hãng Reuters đưa tin sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance đã trở thành nơi bọn tội phạm gồm các nhóm tin tặc, lừa đảo đầu tư và buôn bán ma túy trung chuyển ít nhất 2,35 tỉ đô la Mỹ tiền bất chính để rửa sạch. Cho dù có thể Binance không biết các hoạt động này, nhưng điều này cho thấy sàn Binance có những lỗ hổng bị các nhóm tội phạm tận dụng để rửa tiền.
Bên cạnh sàn Binance, hiện nay ở Việt Nam người ta có thể truy cập và sử dụng nhiều dịch vụ của các sàn giao dịch tiền mã hóa khác, nhiều sàn cung cấp cả dịch vụ bằng tiếng Việt và giao dịch bằng tiền đồng. Thử hỏi có gì ngăn cản một người có nguồn tiền bất chính sử dụng các dịch vụ này để rửa tiền?
Hiện nay việc sử dụng các đồng tiền mã hóa như bitcoin làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận, nhưng việc mua đi bán lại các đồng tiền loại này như một tài sản thì pháp luật cũng không cấm hẳn. Vì thế việc các sàn như Binance thoải mái cung cấp dịch vụ chuyển đổi từ tiền đồng trong tài khoản ngân hàng, hay từ thẻ tín dụng sang các đồng tiền mã hóa, chính là khe hở cho các hoạt động chuyển ngân trái phép và nhất là hoạt động rửa tiền mà luật pháp phải lường đến và có quy định.
Thiết nghĩ Nhà nước nên có chủ trương rõ ràng và nhất quán về các đồng tiền mã hóa; hoặc cấm hẳn như một số nước hoặc đưa ra những quy định quản lý như một số nước khác. Chỉ sau khi đã hình thành những chủ trương xuyên suốt về các loại tài sản này, chúng ta mới có thể đặt ra những quy định chống rửa tiền để áp dụng cho các hoạt động liên quan.
Lấy ví dụ ở nhiều nước, bọn lừa đảo thường dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin đầu tư vào tiền mã hóa để hưởng các lãi suất cao kỷ lục. Một khi họ đã chuyển tiền vào ví của kẻ gian trên sàn giao dịch là xem như tiền sẽ một đi không trở lại. Từ đó có thể đặt ra những quy định các tài khoản giao dịch tiền mã hóa phải được xác minh bằng nhiều phương tiện nhận dạng để khi cần có thể truy xuất nguồn gốc. Thậm chí việc mở các tài khoản ngân hàng trong nước cũng cần được quy định chặt chẽ hơn để tránh việc kẻ gian dùng giấy tờ giả để mở tài khoản dùng vào mục đích xấu. Mục đích cuối cùng là mọi tài khoản đều phải có người chính chủ chịu trách nhiệm để khóa hết các ngóc ngách mà kẻ xấu thường lợi dụng rửa tiền bẩn thành tiền sạch.