Chủ Nhật, 28/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tiện cho mình trước, hại người… tính sau!

Pha Lập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đầu tháng 6 này, ở tỉnh Bắc Giang, một người nhậu xong lái xe hơi, tông chết ba người. Đây không phải là lần đầu tiên vụ án uống rượu bia rồi lái xe hơi tông chết nhiều người xảy ra mà năm nào  trên các báo cũng đăng tin tương tự.

Câu hỏi đặt ra là tại sao khi đã uống rượu bia rồi, những người lái xe ấy không gửi xe lại, bắt taxi hoặc xe công nghệ đi về, mà cứ cố cầm lái làm chi để dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là gây ra án mạng?

Có nhiều kiểu phân bua, giải thích (khi hậu quả chưa xảy ra), trong đó có lý do là lái xe của mình luôn cho tiện, chứ gởi xe để mai quay lại mất công, tốn thời giờ.

Lối xử sự tiện/ lợi/ sướng cho mình trước đã, chết người tính sau như nói trên đang diễn ra ở nhiều người, với nhiều loại hành vi khác nhau. Nào là hát karaoke loa kẹo kéo tra tấn hàng xóm; nào là thả chó chạy rông, không bịt mõm; nào là cơi nới thùng xe tải… (xem bảng bên dưới)

Nhiều người đang yêu cầu xử phạt nặng hơn để ngăn chặn những hành vi tiện mình, chết người như uống rượu nhiều rồi lái xe hơi, giống như trường hợp ở Bắc Giang vừa kể. Tuy nhiên, theo người viết, xử phạt hành chính hay xử phạt hình sự nặng hơn không thể là giải pháp duy nhất mà cần kết hợp với các giải pháp khác, nhất là với giáo dục, truyền thông.

Thông điệp chính mà nhà trường từ tiểu học đến đại học, cũng như các phương tiện truyền thông đưa ra liên tục là làm những việc trái quy định chung để tiện/ lợi/ sướng cho mình coi chừng sẽ có lúc gây ra hậu quả nghiêm trọng, đau đớn nhất là khi làm chết người.

Thiết nghĩ, việc cảnh báo này là việc lâu dài, với lối truyền thông điệp như nói với bạn bè, chứ không nói với giọng dạy đời phải thế này, nên thế kia.

Một số hành vi tiện mình, hại người

HÀNH VI HẬU QUẢ
Bẫy điện giết chuột, ngăn trộm Năm nào cũng có hàng xóm, người qua đường chết vì những cái bẫy này. Gần đây nhất là vụ bẫy điện diệt chuột làm chết một người hồi tháng 1 năm nay, ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang (tuoitre.vn, ngày 1-4-2022)
Chó thả rông, không bịt mõm Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua. Trung bình mỗi năm có khoảng 400.000  người bị chó, mèo cắn phải chích ngừa dại (nhandan.vn, ngày 25-9-2020).
Hát karaoke quá to Năm nào cũng xảy ra án mạng từ tiếng ồn chết chóc này. Gần đây nhất, Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố kẻ đâm chết hàng xóm vì bị nhắc nhở hát karaoke ồn ào tại đám cưới (vov.vn, ngày 28-4-2022).
Không cảnh báo, rào chắn công trình đang thi công Năm nào cũng có người chết vì nhà thầu thi công quên cảnh báo, rào chắn. Gần đây nhất, một bà 70 tuổi đã chết đuối trong công trình xây dựng Quảng trường trung tâm TP. Phổ Yên, Thái Nguyên (laodong.vn, ngày 10-6-2022)
Uống nhiều rượu bia rồi lái xe hơi Năm nào tệ nạn này cũng làm chết nhiều người. Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang kiến nghị cơ quan hữu quan  hướng dẫn phạt tù lái xe say rượu theo điều 260 Bộ luật Hình sự (vnexpress.net, ngày 4-6-2022)
Vượt đèn đỏ Năm nào cũng tông chết nhiều người khác hoặc chính người vượt đèn đỏ tử nạn. Vụ gần đây là một phụ nữ ở Quảng Ninh chết tại chỗ vì bị ô tô vượt đèn đỏ đâm vào (atgt.vn, ngày 12-3-2022)
Xe cơi thùng để chở quá tải Tình trạng cơi nới thùng xe diễn ra khắp cả nước. Công an nhiều lần ra quân xử lý tệ nạn này nhưng vẫn chưa chấm dứt. Ngày 4-6-2022, ở tỉnh Hòa Bình, một xe tải cơi thùng chở đất lật đè chết 3 người trong ô tô (vietnamplus.vn, ngày 5-6-2022)

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi nghĩ càng kết hợp thêm hình phạt lao động công ích, hay bị phạt cầm bảng thừa nhận tội ở các ngã tư đường để họ xấu hổ mà sợ. Dân Việt Nam gì chứ sĩ lắm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới