Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cách nào để hàng nông, lâm, thuỷ sản Việt vào EU đạt 8 tỉ đô la Mỹ?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mục tiêu của đề án xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) là đạt 5-5,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 và nâng lên 7,5-8 tỉ đô la Mỹ ở năm 2030. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, đầu tiên cần cải thiện hơn nữa về chất lượng sản phẩm.

Lô xoài của tỉnh Đồng Tháp bán vào EU. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin trên được đưa ra trong hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đi châu Âu” diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào hôm nay (1-7)

Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, khó khăn cốt lõi với nông, thuỷ sản của ĐBSCL là ở sản phẩm đầu vào, tức nguyên liệu.

ĐBSCL đang chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn, thiên tai không những làm làm mất mùa mà còn gây nên sâu rầy, dịch bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nông sản.

Thêm vào đó, khâu phối hợp, kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân chưa hiệu quả. Việc doanh nghiệp và nông dân chưa kết nối chặt chẽ hay nói cách khác “nông dân đứng trên góc độ quyền lợi của nông dân, doanh nghiệp đứng trên góc độ quyền lợi của doanh nghiệp” là rào cản rất lớn trong nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo bà, trong giai đoạn hiện nay, để tận dụng được lợi thế mang lại từ EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU) nhằm đưa hàng vào châu Âu thì doanh nghiệp và nông dân phải thật sự hiểu nhau.

“Như vậy, họ sẽ thành một chuỗi gắn kết với nhau để cung đẩy mạnh sản phẩm thế mạnh của ĐBSCL là trái cây và thuỷ sản”, bà Linh nói.

Bà Linh đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên bổ sung phần kết nối, tham gia giữa các bộ ngành và địa phương. Trong đó, trọng tâm là cần thay đổi nhận thức, thói quen canh tác của bà con nông dân.

Bà cũng lưu ý về việc cần hoàn thiện hạ tầng về sản xuất nông nghiệp, nuôi, chế biến thuỷ sản vì đây là một trong những tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm vào EU. “Về hạ tầng về nuôi và chế biến, chúng ta sử dụng hệ thống thuỷ lợi của tưới tiêu nông nghiệp nên ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng sản phẩm”, bà Linh cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây đề nghị cần tập trung nghiên cứu công nghệ bảo quản để sản phẩm nông nghiệp được lưu giữ lâu hơn. Như với trái cây, hiện thời gian bảo quản được cỡ 2 tuần, mua về có thời gian sử dụng ít nhất 3 ngày nhưng hàng hoá xuất khẩu đưa lên quầy kệ chỉ sau 2-3 ngày là đã hư. Đây là một khó khăn rất lớn với doanh nghiệp.

“Sống còn là phải có công nghệ bảo quản, bởi hàng hoá phải đủ tươi, đẹp khi tới người tiêu dùng, thì họ mới mua”, ông nói.

Về việc tiếp thị, ông Tùng cho rằng, doanh nghiệp không thể tự làm mà cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng. “Táo Washington của Mỹ vào Việt Nam năm đầu tiên chỉ 5.000 thùng nhưng đến thời điểm hiện tại đã lên đến 5-6 triệu thùng. Họ có cả văn phòng phụ trách ở quận 7, TPHCM”, ông dẫn chứng.

Theo ông Tùng, doanh nghiệp không thể quảng bá thương hiệu quốc gia và cũng không thể quảng bá thương hiệu trái cây của riêng doanh nghiệp. “Bởi, trái cây là của quốc gia như táo Washington của Mỹ hay Kiwi của New Zealand chứ đâu ai nói nhãn của Vina T&T, xoài của Vina T&T đâu”, ông nói.

Tại hội thảo này, ông Nguyễn Trung Kiên đến từ Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, EU chi khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ cho thực phẩm và đồ uống. Trong đó, nhập khẩu khoảng 300 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của thị trường EU hiện đã bão hoà. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Với mặt hàng rau quả, các đối thủ cạnh tranh lớn là Nam Mỹ, Tây Phi, Nam Phi, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc...

Với sản phẩm cà phê, tiêu và điều, Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh rất lớn bởi Indonesia, Ấn Độ, Brazil, Bờ Biển Ngà, Mozambique; hàng thuỷ sản thì phải cạnh tranh với Na Uy, Trung Quốc, Ecuador, Maroc.

Theo ông Kiên, EU hiện cũng đã định hình được các đối tác làm ăn lâu dài nên xuất khẩu của Việt Nam sang đây chững lại. Muốn khai thác thị trường EU thì phải tăng chất lượng sản phẩm.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới