Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhà Trắng bất đồng về việc dỡ bỏ thuế với Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khi tình hình lạm phát căng thẳng bào mòn điểm số tín nhiệm của Tổng thống Mỹ, Joe Biden, chính quyền của ông buộc phải cân nhắc dỡ bỏ một số thuế đối với hàng hóa Trung Quốc được triển khai từ thời kỳ cầm quyền của người tiền nhiệm. Donald Trump. Thế nhưng nội bộ Nhà Trắng vẫn đang chia rẽ về vấn đề này vì lo ngại đó là một bước đi chính trị nguy hiểm có thể gây tác động bất lợi cho Đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen (trái) ủng hộ dỡ bỏ một số thuế đối với hàng hóa Trung Quốc để giúp giảm lạm phát nhưnbg Đại diện Thương mại Mỹ, Katherine Tai, lo ngại điều này sẽ làm giảm lợi thế của Washington trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai với Trung Quốc. Ảnh: AFP

Sau khi nhậm chức, ông Biden đã gợi ý rằng ông không cần vội vàng xóa bỏ các thuế quan mà ông Trump đã áp lên hơn 300 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc mỗi năm trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tốc độ tăng lạm phát hàng năm đã lên mức 8,6%, Nhà Trắng bắt đầu tranh luận liệu việc dỡ bỏ một số thuế quan có giúp hạ nhiệt giá cả và gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng hay không.

Dù nhiệm vụ kiềm chế lạm phát là vấn đề cấp thiết, các quan chức và chuyên gia nắm rõ cuộc tranh luận này tiết lộ đã có sự chia rẽ sâu sắc trong chính quyền, một phần là do tính nhạy cảm chính trị trong các vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Một nhóm, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, lập luận rằng việc loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ giúp giảm lạm phát. Nhưng một nhóm khác, bao gồm Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, lo ngại việc cắt giảm thuế quan sẽ làm giảm lợi thế của Washington trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Trung Quốc để chấn chỉnh các hành vi thương mại bất công của nước này.

Trong tháng này, bà Yellen phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng có lý do xác đáng để cắt giảm một số thuế đang áp vào hàng hóa Trung Quốc vì chúng không mang tính chiến lược và khiến  “người Mỹ gánh chịu chi phí chứ không phải người Trung Quốc”. Nhưng bà Katherine Tai nói với các nghị sĩ rằng có một vấn đề rộng lớn hơn cần xem xét.

“Thuế áp vào hàng hóa Trung Quốc là một đòn bẩy quan trọng mà một nhà đàm phán thương mại sẽ không bao giờ từ bỏ”, bà nói.

Các nguồn tin cho biết Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, do dự hơn trong việc ủng hộ cắt giảm thuế quan, nhưng các quan chức khác, bao gồm cả Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, đã thể hiện thái độ ủng hộ.

Dù đang nỗ lực xoay sở mọi cách để giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân Mỹ, ông Tổng thống Joe Biden cũng muốn tránh phản ứng bất lợi từ các nhà lập pháp, những người coi việc cắt giảm thuế quan sẽ khiến Mỹ trở nên yếu thế truuớc Trung Quốc, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp đến.

“Các thông điệp về thuế quan rất lộn xộn vì nhiều quan chức chính quyền nói những điều khá khác nhau”, Emily Kilcrease, cựu quan chức của Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) và giờ đây là Giám đốc Chương trình Năng lượng, kinh tế và an ninh ở Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), nói.

Một câu hỏi quan trọng xoay quanh việc cắt giảm thuế quan là nó sẽ  tác động như thế nào đến lạm phát. Tháng trước, Sullivan cho biết Tổng thống Biden đã yêu cầu nhóm của ông xem xét vấn đề này để đưa ra nhận định.

Một số quan chức ủng hộ việc cắt giảm thuế quan trích dẫn nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson chỉ ra rằng một động thái như vậy sẽ giúp các hộ gia đình Mỹ tiết kiệm trung bình 797 đô la mỗi năm và giúp giảm lạm phát. Nhưng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai chỉ trích nghiên cứu này như là "một cái gì đó mang tính hư cấu hoặc một bài tập học thuật thú vị". Các nhà kinh tế khác nhận định việc cắt giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc không giải quyết được vấn đề lạm phát trong dài hạn, vốn đòi hỏi phải tăng nguồn cung hoặc hạn chế nhu cầu.

Một số quan chức khác cho hay ông Biden không có ý định loại bỏ tất cả các loại thuế quan nhằm vào Trung Quốc.

Gerard DiPippo, cựu chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Cục Tình báo liên bang Mỹ (CIA), cho biết không có "lý do thuyết phục" nào để duy trì thuế đối với Trung Quốc ngoài mong muốn tránh phản ứng bất lợi về chính trị. Tuy nhiên, ông lưu ý tác động giảm phát của việc cắt giảm thuế sẽ nhỏ và người tiêu dùng sẽ khó nhận thấy sự khác biệt trong giá hàng hóa nhập khẩu.

Một đề xuất đang được xem xét là Mỹ sẽ dỡ bỏ hoặc giảm thuế đối với một số mặt hàng tiêu dùng từ Trung Quốc, nhưng sẽ bổ sung hoặc tăng thuế đối với các sản phẩm khác. Nhà Trắng hy vọng rằng cách tiếp cận kép này sẽ vừa giúp hạ nhiệt giá cả vừa phần nào giúp Đảng Dân chủ tránh được các tác động chính trị không mong muốn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ không cảm thấy lạc quan quá mức trước triển vọng cắt giảm thuế với hàng hóa Trung Quốc. Myron Brilliant, người đứng đầu bộ phận chính sách quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ, nhận định việc cắt giảm thuế quan có thể giúp ích cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ đang bị tổn thương vì lạm phát. Ông nói: “Chúng tôi thấy có dấu hiệu chính quyền sẽ thực hiện các bước để giảm một số thuế quan, nhưng liệu nó có đủ lớn và đủ sâu?”

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới