Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Liệu các công ty có đang nhầm lẫn giữa CSR và thiện nguyện?

LIN Center

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hậu quả của các thảm họa môi trường như ô nhiễm biển ở bốn tỉnh miền Trung do công ty Formosa, ô nhiễm sông Thị Vải do công ty Vedan và vụ cháy nhà máy hóa chất Rạng Đông thải ra một lượng lớn chất độc hại vào không khí đã khiến người tiêu dùng đi đến một nhận thức chung rằng trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp phải được quan tâm nghiêm túc hơn trong các chiến lược phát triển kinh doanh.

Ảnh minh họa là sự kiện Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Ban Thanh niên Quân đội phối hợp với Tỉnh đoàn Tiền Giang, UBND huyện Gò Công Đông tổ chức Lễ ra quân chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, hưởng ứng trồng 1 tỉ cây xanh tại bãi biển Tân Thành, Tiền Giang. Ảnh: TTXVN

Một nghiên cứu gần đây của Ethical Corporation có trụ sở tại Anh đã chỉ ra rằng 90% các tập đoàn ở Châu Á coi trọng việc thực hiện Trách Nhiệm Xã Hội Của Doanh Nghiệp (CSR) trong các hoạt động kinh doanh. Một cuộc khảo sát tương tự của Nielsen cũng cho thấy 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm và dịch vụ cam kết phát triển bền vững. Điều này cho thấy CSR thực sự mang lại lợi thế cho các công ty, tạo ra những động lực thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi nhân viên của công ty bắt tay vào thực hiện chiến dịch CSR, họ lại tập trung nhiều vào các sáng kiến thiện nguyện (hoặc hoạt động thiện nguyện của công ty). Đây là cách mà CSR và hoạt động thiện nguyện của công ty đã bị đánh đồng trong những năm qua. Nhưng nếu chúng ta mổ xẻ hai khái niệm này, liệu các doanh nghiệp, hay các nhân viên của doanh nghiệp, có đang thực sự hiểu đúng về hai khái niệm?

Định nghĩa của CSR và thiện nguyện doanh nghiệp

Theo Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), CSR được coi là các quyết định và hoạt động của một tổ chức phản ánh trách nhiệm của tổ chức đó đối với xã hội và môi trường, được thể hiện thông qua các hành vi đạo đức và tính minh bạch vì sự phát triển bền vững và phúc lợi chung của xã hội. Về cơ bản, nó phù hợp với pháp luật hiện hành, cộng hưởng với các hành vi mang tính chuẩn mực quốc tế, chúng được kết hợp chặt chẽ trong thực tiễn cũng như cách ứng xử từ bên trong đến bên ngoài của tổ chức.

Mặt khác, chúng ta có thuật ngữ “thiện nguyện” - có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “Philanthropos”, dịch ra là “tình yêu dành cho nhân loại”. Hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp được bao hàm trong các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi kinh doanh. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật nhất của thiện nguyện khiến nó trở nên khác biệt là bản chất tự nguyện của nó. Vì vậy, hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp có thể được hiểu là việc các công ty tham gia thúc đẩy phúc lợi cộng đồng qua hoạt động quyên góp từ thiện về tiền của hoặc thời gian.

Hoạt động thiện nguyện có thể là một phần trong chiến lược CSR của doanh nghiệp

Nghiên cứu của Archie Carroll và việc ông đưa ra định nghĩa về kim tự tháp CSR (1991) ảnh hưởng rất lớn đến sự hiểu biết của chúng ta về CSR trong xã hội hiện đại. Bốn cấp độ trách nhiệm (kinh tế, pháp lý, đạo đức và thiện nguyện) tạo nên nền móng giúp xác định các khái niệm và định hình khuôn khổ hoặc mô tả bản chất trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội mà doanh nghiệp đang là một phần. Trong khi các trách nhiệm về kinh tế, luật pháp và đạo đức của hoạt động kinh doanh mang tính bắt buộc, được xã hội yêu cầu, trách nhiệm thiện nguyện không được mong đợi theo nghĩa này. Trách nhiệm thiện nguyện mang ý nghĩa tùy ý hoặc tự nguyện từ phía doanh nghiệp. Do đó, hoạt động thiện nguyện có thể được xem xét như một trong bốn trách nhiệm của CSR.

Ở Việt Nam và các quốc gia đang phát triển, văn hóa làm thiện nguyện đã ăn sâu trong xã hội nên hoạt động thiện nguyện lại trở thành tiêu chuẩn được mong đợi cao nhất - đây được coi là việc làm đúng đắn mà doanh nghiệp cần thực hiện. Ngày nay, khi xem xét mối tương quan giữa doanh nghiệp và xã hội, không khó để nhận thấy công chúng mong đợi doanh nghiệp sẽ trở thành những “công dân” tốt giống như các cá nhân trong xã hội. Và hoạt động thiện nguyện được nhìn nhận là cách thức trực tiếp nhất giúp doanh nghiệp đạt được điều này, đồng thời mở rộng triển vọng phát triển trong tương lai và tăng cường danh tiếng của mình. Điều này dẫn đến một thực tế là các doanh nghiệp đang ưu tiên thực hiện trách nhiệm thiện nguyện trong các chương trình CSR hiện tại. Nhiều công ty nói chung vẫn đang ở giai đoạn đầu của chiến lược phát triển CSR, đôi khi đánh đồng CSR và hoạt động thiện nguyện hơn là các phương pháp tiếp cận chuyên sâu.

CSR không chỉ là hình thức thiện nguyện đơn lẻ

Hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp thường được xác định dựa trên cơ sở kết quả bằng cách cải thiện phúc lợi con người hoặc lợi ích chung. Đồng thời, CSR thường được nhắc đến như các kỳ vọng của xã hội về các khía cạnh ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong các quyết định và hoạt động quản lý của doanh nghiệp. Vì khái niệm phát triển bền vững bao hàm những kỳ vọng của xã hội về các khía cạnh của ESG, nên CSR trở thành sự đóng góp của doanh nghiệp vào sự phát triển bền vững đó.

Hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp có phạm vi hẹp hơn và hạn chế hơn so với CSR. Các hoạt động thiện nguyện của công ty có thể kết nối với các tổ chức phi lợi nhuận hoặc tổ chức từ thiện cụ thể. Công chúng nói chung và các khách hàng nội bộ lẫn bên ngoài của công ty có thể không tham gia hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những nỗ lực này. Hoạt động thiện nguyện không đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi phương thức kinh doanh.

Ngược lại, một chương trình CSR có thể yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi một số phương thức kinh doanh quan trọng để tiến tới mô hình kinh doanh có trách nhiệm. Bao gồm thái độ tổng thể của một doanh nghiệp đối với nhân viên, khách hàng, môi trường, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung, nên CSR có phạm vi lớn hơn nhiều.

CSR cần đến sự nỗ lực lớn và thường xuyên của doanh nghiệp. Mọi bộ phận và mọi nhân viên đều cần hiểu chiến lược CSR của công ty, vai trò của họ trong chiến lược đó là gì và họ nên đóng góp như thế nào vào thành công của CSR. Đối tượng mục tiêu của CSR cũng có phạm vi rộng hơn so với đối tượng mà hoạt động thiện nguyện của công ty hướng đến.

Áp lực mang tính quy chuẩn đối về CSR đang ngày càng tăng lên. Ngày nay, khi nhiều nhà đầu tư xem xét kỹ lưỡng tính hiệu suất từ ESG của công ty, thậm chí một số quỹ hỗ tương chỉ đầu tư vào những công ty có điểm đánh giá ESG cao, khiến càng có nhiều công ty phải đưa ra các dẫn chứng về thành tích nổi bật của họ trong chiến lược CSR và Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). So với CSR, vì chưa có mức độ áp lực tương tự, hoạt động thiện nguyện của một công ty vẫn mang tính chất tự nguyện.

Việc chưa nắm rõ sự khác biệt giữa hoạt động thiện nguyện và trách nhiệm xã hội có thể khiến các doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị và sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan - nhất là khi áp lực yêu cầu doanh nghiệp quản lý tốt hơn tác động đến xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh đang ngày càng tăng.

Mời quý độc giả đọc bài viết tiếng Anh tại đây: 

https://english.thesaigontimes.vn/are-corporations-confused-over-csr-with-philanthropy/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới