Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khám phá âm nhạc cổ điển

An An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Giữa ngày mưa hạ, tôi mở toang cửa sổ, hít thật sâu “mùi của mưa”, pha cho mình một tách trà thơm, và bật bản nhạc “Raindrops Prelude” (tạm dịch: Khúc dạo của giọt mưa) của Chopin.

Chỉ trong khoảng hai mươi giây mở đầu, bản nhạc vang lên từng nốt nhẹ nhàng, thánh thót như giọt mưa rón rén gõ lên mái nhà, trên nền một vài nốt trầm gợi hình ảnh những giọt mưa lớn đáp từ mái hiên xuống thềm nhà. Đoạn cao trào của tác phẩm là khi các nốt nhạc được dằn mạnh đầy kịch tính như thể mô tả một cơn dông khiến cây cối vần vũ, rồi dần trở lại nét dịu dàng như khi cơn mưa ngớt hạt.

Quả là dòng nhạc cổ điển có khả năng khơi gợi trí tưởng tượng phong phú tuyệt vời và chạm đến những cảm xúc sâu xa khó diễn tả bằng lời.

Thể loại nhạc được gắn nhiều “nhãn”

Đôi khi, nhạc cổ điển được gọi là dòng nhạc bác học, và được gắn cái “nhãn” khó thưởng thức. Bởi lẽ đa số tác phẩm nhạc cổ điển không có lời hát, trừ các bản opera. Các bản giao hưởng thường chia thành nhiều chương và kéo dài, việc phải dành ra nửa giờ đồng hồ hoặc hơn để nghe một bản nhạc lê thê và phải đoán ý đồ của nhà soạn nhạc có thể là một rào cản khiến một số người trì hoãn tìm hiểu thế giới nhạc cổ điển.

Nhạc cổ điển được hình thành từ nhiều thế kỷ trước và chứa đựng một số lượng khổng lồ các công trình sáng tạo phi thường của nhân loại, lẽ tất nhiên là có những tác phẩm không dễ cảm thụ. Tuy vậy, vẫn có những bản nhạc không hề khó thưởng thức như định kiến, thậm chí còn khơi dậy những cảm xúc tích cực, vui vẻ, trong đó có cả những tác phẩm của các nhà soạn nhạc vĩ đại, quen thuộc.

Dù được gắn nhãn gì, nhạc cổ điển vẫn là âm nhạc, để thưởng thức, để hòa mình vào cảm xúc mà nó mang đến. Một người hoàn toàn có thể nghe nhạc cổ điển mà chưa cần biết lịch sử âm nhạc cũng như các khái niệm hàn lâm, và cũng có thể chọn một đoạn nhạc ưa thích để nghe chứ không nhất thiết phải đi xuyên suốt tác phẩm. Tựa như khi một chàng trai bắt gặp ánh nhìn của một cô gái và cảm thấy trái tim rộn ràng, rồi từ đó, anh ta mới bằng mọi cách tìm hiểu tường tận về cô ấy.

Từ sắc thái tươi vui

Mozart có lẽ là cái tên quen thuộc ngay cả với những người không thường xuyên nghe nhạc cổ điển. Các tác phẩm của Mozart thể hiện bút pháp âm nhạc đẹp đẽ hiếm có: sắc sảo, tinh tế và cũng vô cùng mượt mà, hòa quyện mềm mại, tạo nên những tuyệt tác về âm thanh. Ngoài các bản symphony (giao hưởng) và concerto (dành cho nhạc cụ biểu diễn cùng dàn nhạc) hùng vĩ, các bản march (hành khúc) sôi nổi, các sáng tác opera, sonata (dành cho nhạc cụ độc tấu, song tấu…) nhẹ nhàng và sâu sắc, Mozart còn biên soạn một số tác phẩm divertimento - thể loại âm nhạc tươi sáng, nhẹ nhàng nhằm tạo không khí thư giãn, giải trí.

Như chương III (chương cuối) của tác phẩm “Divertimento in F Major, K.138” (Divertimento cung Fa trưởng, K.138) hoàn toàn có thể được thưởng thức như một khúc nhạc độc lập. Khúc nhạc này có nhịp điệu nhanh, sinh động và cuốn hút, có thể khiến ngay cả ngày âm u nhất cũng trở nên bừng sáng.

Một số tác phẩm khác của Mozart mang màu sắc vui vẻ như thể ông đang chơi đùa cùng các nốt nhạc. Như chương I (Allegro con spirit) của Sonata for Two Pianos in D Major, K.448 (Sonata soạn cho hai piano cung Rê trưởng, K.448) có nhịp điệu nhanh, sống động, cũng có thể thưởng thức như một bản nhạc độc lập. Dòng âm thanh lúc bổng lúc trầm, lúc tung hứng, lúc quấn quít vào nhau, luân chuyển trạng thái từ nhẹ nhàng, thánh thót sang mãnh liệt, tinh nghịch, như một đoạn đối thoại khi tự sự, khi nô đùa. Có lẽ ít ai có thể ngăn mình mỉm cười hay nhắm mắt thả hồn vào những đoạn cao trào mà Mozart khéo léo đan xen xuyên suốt tác phẩm.

…đến màu sắc hoàng gia

Nói đến âm nhạc mang màu sắc hoàng gia thì Handel là một trong những cái tên nổi bật. Năm 1749, hoàng đế George đệ nhị của Vương quốc Anh có hợp đồng với nhà soạn nhạc Handel, sáng tác nhạc cho buổi trình diễn pháo hoa tại London. Tổ khúc mang tên “Music for the Royal Fireworks” đã ra đời mà Khúc mở màn (Suite HWV 351: I. Ouverture) có thể được thưởng thức một cách độc lập.

Tác phẩm được biên soạn cho một dàn lớn với các loại nhạc khí thổi khác nhau và trống timpani, làm trỗi lên thứ âm nhạc hoành tráng, hùng vĩ, có thể gây liên tưởng tới hình ảnh các tòa lâu đài cổ kính hiện lên trong trí tưởng tượng của người nghe. Khúc mở đầu mang màu sắc oai nghi mô tả quang cảnh một buổi trình diễn pháo hoa tráng lệ, huy hoàng, hân hoan đầy tự hào của vương triều. Dòng sông âm thanh trầm bổng, dồn dập, uy nghi này đủ sức khơi dậy những cảm xúc mà chỉ âm nhạc có thể mang lại.

Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới Johann Sebastien Bach. Nhà soạn nhạc Richard Wagner từng thốt lên: “(Âm nhạc của Bach) là phép màu kỳ diệu nhất trong toàn thế giới âm nhạc!”. Bach biên soạn hàng ngàn tác phẩm thuộc nhiều thể loại, và đa số là khá thử thách cho các nhạc công biểu diễn. Trong đó, Brandenburg Concerto No. 3 in G Major BWV 1048 (Bản concerto Brandenburg Số 3 cung Sol trưởng BWV 1048) tuy không được biên soạn cho hoàng gia, nhưng cũng mang vẻ đẹp uy nghi, sang trọng không kém các tác phẩm được viết riêng cho các vương triều.

Chương I của tác phẩm này cũng có thể được thưởng thức độc lập (hoặc được tiếp tục nghe toàn bộ tác phẩm theo ý thích). Bản nhạc được biên soạn cho đàn harpsichord và dàn dây, trỗi lên dòng âm thanh nồng nhiệt mà tinh tế, vừa sôi sục lại vừa lôi cuốn, quyến rũ. Vào nửa cuối của chương I, Bach đã tài tình tạo ra một dải âm nhạc bắt đầu từ dòng suối âm thanh réo rắt của violin, chảy ra dòng sông cùng bè trầm từ viola, rồi đổ ra sông với âm trầm lớn dần từ đàn cello, và cuộn trào nhanh dần thành dòng thác âm nhạc đầy tính thôi thúc nhờ âm thanh trầm hùng, dứt khoát, và lớn dần, với cello và contrabass. Rồi như một chiếc hồ dưới chân dòng thác, những nốt nhạc ở đầu chương được lặp lại và kết thúc nhẹ nhàng như dòng nước dịu dàng trôi về phía xa.

…và trữ tình, thơ mộng

Không chỉ có những khối âm thanh vững chãi như tường thành do dàn nhạc nhiều nhạc cụ tạo nên, kho tàng nhạc cổ điển có rất nhiều tác phẩm ngắn viết cho nhạc cụ đơn lẻ, mà phổ biến nhất là cho piano và violin. Chopin là một cái tên của thời kỳ âm nhạc lãng mạn với rất nhiều tác phẩm trữ tình, dịu dàng, mềm mại.

Ngoài “Khúc dạo cho giọt mưa” (nêu ở đầu bài viết), Chopin sáng tác nhiều bản nocturne (dạ khúc) mang sắc thái khoan thai, êm dịu, phù hợp thưởng thức lúc đêm muộn. Như bản Nocturne in D-Flat Major, Op. 27 No. 2 (Dạ khúc cung Rê-giáng Trưởng, Opus 27 Số 2) mở đầu bằng một nốt trầm nhẹ nhàng và nối tiếp bằng chuỗi âm thanh thong thả, lãng mạn, trầm tư. Đoạn giữa là một chút dằn vặt, ưu tư thể hiện qua những tiếng gõ mạnh trên phím đàn piano. Và rồi như được xoa dịu bởi màn đêm thanh bình, những ưu tư dần tan biến, chuỗi âm thanh lại trở nên trầm tĩnh, điềm đạm và trôi đi như những suy nghĩ vu vơ.

Hoặc khi nghe June (Tháng Sáu) còn được gọi là “Barcarolle” (Khúc đưa đò) thuộc tác phẩm Bốn mùa của Tchaikovsky. (Tác phẩm Bốn mùa có 12 bản nhạc, mỗi bản mang tên một tháng trong năm). Ngay từ đầu nghe Khúc đưa đò đã thấy vương vấn một cảm xúc hoang hoải, vô định, rồi bản tình ca trôi đi một cách dung dị, chất chứa nhiều tâm sự tha thiết. Khúc nhạc giữa, nhịp độ, âm thanh và quãng bất ngờ tăng nhanh và mạnh như thể cảm xúc trào dâng, vần vũ trong lòng, nhưng cảm xúc đó trôi qua rất nhanh, nhường lại cho giai điệu trữ tình, hiền hòa chủ đạo của bản nhạc, gây xao xuyến cho người nghe.

Kết

Vương quốc âm nhạc cổ điển bao la và phi thường, là một trong những điều rực rỡ nhất về trải nghiệm tinh thần của nhân loại. Vài nét nhạc giới thiệu trên đây, đó có thể là những hạt giống ươm mầm tình yêu âm nhạc cổ điển cho những ai muốn thử thưởng thức dòng nhạc này, để nhạc cổ điển có thể đến gần hơn với ai đó, ở đâu đó, được khám phá một cách sâu sắc hơn, và chạm tới những tâm tư, những cảm xúc sâu lắng nhất trong trái tim con người vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới