Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tốc độ tăng trưởng chậm lại, ‘đầu tàu’ phía Nam cần cơ chế điều phối đặc thù

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ trong những năm gần đây có xu hướng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Một trong những điểm nghẽn lớn của vùng là kết nối hạ tầng giao thông còn yếu; việc hợp tác, liên kết và phân bổ vùng chưa hợp lý... Vùng Đông Nam bộ và TPHCM cần cơ chế chính sách đặc thù mới ổn định để có thể phát triển.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTBC TPHCM

Những thông tin trên được ghi nhận tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của TPHCM được tổ chức ngày 12-7.

Tăng trưởng chậm lại

Báo cáo tại Hội nghị, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết giai đoạn 2016-2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5,65%/năm, vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng 5,51%/năm, trong khi cả nước tăng 5,99%/năm.

Điều này làm giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước, trong đó khu vực công nghiệp giảm từ 64,81% năm 2015 xuống còn 57,11% vào năm 2020. Ngoài ra, vai trò đầu mối xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước cũng giảm dần, cả tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu so với cả nước.

Theo bà Mai, sự hình thành các trung tâm công nghiệp mới ở khu vực phía Bắc gắn với xuất khẩu sản phẩm điện tử của các tập đoàn nước ngoài trong thời gian qua đã làm thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như cơ cấu xuất nhập khẩu theo vùng.

Một thời gian dài vùng chủ yếu phát triển theo chiều rộng, việc sử dụng các nguồn lực cho phát triển chưa hiệu quả. Việc chuyển sang phát triển theo chiều sâu đã được các địa phương trong vùng thực hiện nhưng giá trị tạo ra chưa đủ lớn để tạo nên sự phát triển mang tính đột phá, bà Mai nói.

Mặt khác, các địa phương trong vùng còn có sự chênh lệch lớn về quy mô kinh tế. Trong khi TPHCM chiếm trên 50% GRDP của vùng thì một số địa phương khác lại chiếm tỷ trọng thấp. Theo bà Mai, tốc độ tăng trưởng chậm lại của TPHCM đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung của cả vùng.

Có cùng quan điểm nêu trên, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng "đầu tàu" TPHCM dường như đang chạy chậm lại, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cả vùng.

Vùng Đông Nam bộ bao gồm 6 tỉnh thành: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh vùng Đông Nam cùng với tỉnh Long An và Tiền Giang (2 tỉnh này về mặt địa lý thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long).

Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng một trong những điểm nghẽn lớn của vùng Đông Nam bộ là về kết nối hạ tầng giao thông; đồng thời tính liên kết giữa các địa phương của vùng còn yếu kém.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho rằng sự phối hợp, phát triển vùng dựa trên khai thác những tiềm năng và lợi thế của từng địa phương trong thời gian qua còn nhiều bất cập, phân bổ vốn không hợp lý để vùng tiếp tục phát triển.

Hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương trong vùng, giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển thời gian qua chưa được đầu tư đồng bộ, quá tải, dẫn đến sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả, ảnh hưởng đến phát triển của vùng.

Đáng chú ý, các quy hoạch vùng được lập trong thời gian qua chưa góp phần thúc đẩy phát triển các địa phương theo hướng khai thác những tiềm năng và lợi thế của từng địa phương. Nguồn nhân lực cho phát triển vùng chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Cần cơ chế đặc thù và mang tính đột phá

Để TPHCM trở thành đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững, các đại biểu kiến nghị cần mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng, nâng cao tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của địa phương trong một số lĩnh vực quản lý đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và ngân sách.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTBC TPHCM

Đáng chú ý, cần phân chia cụ thể các vùng hợp lý trên nguyên tắc một địa phương chỉ là thành viên một vùng; tập trung phân cấp mạnh hơn về quản lý và quản lý ngân sách để các địa phương trong vùng có điều kiện và nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư để tạo động lực phát triển.

Cùng với đó, nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Phạm Bình An, trong giai đoạn tới TPHCM vừa phải tập trung giải quyết các điểm nghẽn, vừa phải phát huy năng động, sáng tạo, tận dụng lợi thế vốn có để phát triển đúng mức.

Và để phát triển đột phá, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thành phố cần có cơ chế đột phá, phù hợp, không thí điểm mà cần sự ổn định.

Còn đối với vùng Đông Nam bộ, theo ông An, khu vực có nhiều lợi thế, nhưng chưa thể phát triển đúng định hướng. Theo ông, muốn các địa phương gắn kết, cần sử dụng công cụ tài chính, ngân sách thay cho mệnh lệnh hành chính.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo về phát triển vùng tại sự kiện. Ảnh: TTBC TPHCM

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng cho rằng, thời gian qua các địa phương của vùng Đông Nam bộ chưa có sự liên kết tốt nên xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm. Do vậy, ông kiến nghị cần thành lập lại hội đồng vùng với bộ máy và ngân sách riêng, hội đồng vùng có chức năng theo dõi giám sát việc thực hiện tiến độ các dự án.

Người đứng đầu chính quyền thành phố kiến nghị cần phân cấp, phân quyền nhiều và rõ ràng hơn nữa để các địa phương có cơ sở thực hiện...

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là bệ đỡ cho các vùng chung quanh phát triển. Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cũng như những thách thức mới, từ đó cần đưa ra định hướng phát triển thành phố, vùng Đông Nam bộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, TPHCM và vùng Đông Nam bộ phải định hình lại cơ hội phát triển, phải có những cơ chế, chính sách mới đặc thù, vượt trội, cạnh tranh với quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới