Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng trung ương hối hả tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình hình lạm phát căng thẳng khiến các ngân hàng trung ương trong những ngày qua sốt sắng tăng lãi suất với một số mức tăng mạnh hơn dự kiến. Họ lo ngại nếu không hành động mạnh mẽ, giá cả tiêu dùng sẽ còn duy trì ở mức cao trong thời gian dài, gây tổn thương lớn hơn cho nền kinh tế và việc làm.

Trụ sở của Ngân hàng trung ương Canada (BoC) ở Ottawa, Canada.

 Chạy đua tăng lãi suất

Hôm 13-7, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) bất ngờ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm trong một nỗ lực kiềm chế lạm phát. Trong 5 tháng đầu năm nay, lạm phát ở Canada tăng 7,7%, cao gần gấp bốn lần mức lạm phạt mục tiêu hàng năm của BoC và đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1983. Thống đốc BoC, Tiff Macklem giải thích rằng mức tăng lãi suất cao hơn dự kiến phản ánh mối lo ngại tình trạng lạm phát cao sẽ kéo dài. Cùng ngày, để đẩy lùi lạm phát đang ở mức cao nhất trong 23 năm, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, mức tăng cao nhất kể khi BoK thiết lập chính sách tiền tệ hiện tại vào năm 1999.  Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này tăng 6%, mức cao nhất kể từ tháng 11-1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra. Tháng 6 là tháng thứ 15 liên tiếp, CPI vượt mức mục tiêu 2% của BoK. Cả BoC và BoK đều tăng lãi suất mạnh hơn gấp đôi so với những đợt tăng gần đây nhất của họ.

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) cũng tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, nâng chi phí vay lên mức 2,5%, cao chưa từng thấy kể từ tháng 3-2016. Đây là lần tăng chi phí vay thứ 6 liên tiếp của RBNZ. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của New Zealand buộc phải hành động trong bối cảnh lạm phát của nước này trong quý 1 tăng lên mức 6,9%, cao nhất trong 3 thập niên.

Tại Đông Nam Á, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) gây bất ngờ với quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm hôm 14-7. Thống đốc BSP , Felipe Medalla, cho biết bằng cách hành động khẩn cấp, ủy ban quản lý tiền tệ của BSP muốn kiềm chế rủi ro gia tăng đối với triển vọng lạm phát. Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng ở Philippines tăng lên mức cao nhất trong gần 4 năm và dự kiến có thể vẫn ở mức cao trong những tháng tới trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng leo thang.

Tại Mỹ, sau khi ghi nhận lạm phát lập đỉnh mới trong hơn 40 năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ tăng lãi suất đến 1 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách sắp tới sau khi đã tăng 0,75 điểm phần trăm trong tháng 6.  Các nhà đầu tư nhận định trong cuộc họp sắp tới, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có thể tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, gấp đôi tốc độ tăng trước đó.

Chủ quan với giá cả tiêu dùng duy trì ở mức trong hai thập niên, các ngân hàng trung ương đã đánh giá rằng áp lực chi phí nổi lên vào năm 2021 sẽ sớm tan biến. Nhưng thực tế cho thấy giá cả không hạ nhiệt vì những ách tắc trong chuỗi cung kéo dài hơn dự kiến . Và giờ đây, giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt sau khi Nga phát động cuộc tấn công ở Ukraine, khiến các ngân hàng trung ương phải từ bỏ chiến lược tăng lãi suất từ từ để chống lạm phát.

Các ngân hàng trung ương hy vọng rằng việc tăng lãi suất nhanh hơn có thể đảm bảo rằng lạm phát cao sẽ không kéo dài. Nhưng tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng có thể sẽ gây ra một cú sốc tăng trưởng, làm tăng nguy cơ suy thoái. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đã nói rõ vào tháng trước rằng việc không kiểm soát được lạm phát sẽ là một sai lầm lớn hơn việc thắt chặt tiền tệ quá mức, một quan điểm được những người đồng cấp ở Anh và khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) chia sẻ.

“Chúng tôi tiếp tục tin rằng các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng chấp nhận suy thoái kinh tế ở một mức độ nào đó mà họ thấy là điều cần thiết để giảm đường cong nhu cầu và kìm hãm lạm phát”, hai nhà chiến lược gia lãi suất Richard McGuire và Lyn Graham-Taylor của Ngân hàng Rabobank viết trong một báo cáo hôm 13-7.

Chậm tăng lãi suất sẽ khiến lạm phát tồi tệ hơn

Trong một thế giới mà nhiều ngân hàng trung ương đang chạy đua tăng lãi suất, những ngân hàng chậm hành động sẽ bị trừng phạt bởi tỷ giá hối đoái yếu hơn, làm lạm phát tồi tệ hơn vì chi phí hàng nhập khẩu sẽ tốn kém hơn.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn chưa bắt đầu tăng lãi suất và hôm 13-7, đồng euro giảm xuống dưới mức ngang giá với đô la lần đầu tiên kể từ năm 2002. Đồng euro giảm giá sâu hơn sau khi báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng lên 9,1% trong tháng 6, mức cao mới trong hơn 40 năm.  Mức tăng sốc của lạm phát tại Mỹ  thúc đẩy giới đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ tăng ít nhất 0,75 điểm phần trăm, thậm chí 1 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách vào ngày 26 và 26-7 tới.

Đồng euro sau đó tăng trở lại sau khi người phát ngôn của ECB cho biết ECB đang chú ý đến tác động của tỷ giá hối đoái lên lạm phát. Đó là một dấu hiệu cho thấy cho áp lực cạnh tranh tăng lãi suất mà một số chuyên gia gọi là “chiến tranh tiền tệ đảo ngược”  (tìm cách tăng giá tiền tệ để kìm hãm chi phí nhập khẩu, thay vì giảm giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu).

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn không đi theo xu hướng tăng lãi suất, và Thống đốc Haruhiko Kuroda cho rằng lạm phát ở nước ông chủ yếu được thúc đẩy bởi giá cả hàng hóa, không phải là kiểu tăng giá ổn định khiến ông lo lắng.

Đồng yên đã phản ánh khoảng cách trong hành động BOJ với các ngân hàng trung ương khác. Đồng yen giảm 16% so với đồng đô la cho đến nay trong năm 2022, gây ra mối lo ngại trong chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida.

Tại Mỹ, ông Powell và các đồng nghiệp của ông ở Fed liên tục phải hủy bỏ những kế hoạch “bình thường hóa” chính sách được khởi động từ năm ngoái và giờ đây, chuyển sang chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên.

Nhận thấy quan điểm xem lạm phát chỉ tăng thời là sai lầm, Fed vào cuối năm ngoái đã đưa ra quyết định chấm dứt nới lỏng định lượng. Fed đã bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn dự đoán, sau đó vào tháng 5 đã tăng gấp đôi tốc độ thắt chặt tiền tệ lên 0,5 điểm phần trăm. Vào tháng trước, các nhà hoạch định chính sách của Fed kết luận rằng họ cần phải hành động nhanh hơn nữa, với quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần đầu tiên kể từ năm 1994.

Giới đầu tư hiện đánh giá xác suất Fed tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm trong tháng này là 50-50 .

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới