Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lốp xe Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng mạnh

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sản phẩm lốp xe ở Việt Nam xuất đi hơn 140 quốc gia trên thế giới nhưng riêng thị trường Mỹ chiếm đến gần 60% và xu hướng cho thấy Mỹ tiếp tục tăng nhập mặt hàng này từ Việt Nam.

Thông tin này được ghi nhận tại buổi họp báo công bố tổ chức các triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su và nhựa vào ngày 16-7 tại TPHCM.

Sản phẩm lốp xe ở Việt Nam đang xuất đi hơn 140 quốc gia trên thế giới, trong đó Mỹ chiếm gần 60%. Ảnh minh họa: TL

Tại cuộc họp, theo ông Võ Hoàng An, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, tiếp nối kết quả xuất khẩu đạt giá trị cao nhất trong vòng 10 năm qua với giá trị đạt 9,5 tỉ đô la Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ngành cao su tiếp tục duy trì đà tăng cao.

Xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt hơn 787.000 tấn, với giá trị gần 1,4 tỉ đô la, tăng 10,3% về lượng và 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đa số các sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 2,2 tỉ đô la, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo ông An, trong những sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến cao su tại Việt Nam, lốp xe là ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Số liệu sơ bộ 6 tháng đầu năm cho thấy lốp xe xuất khẩu ước đạt hơn 1,1 tỉ đô la, chiếm 51,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su của Việt Nam, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, ông An cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu lốp xe sang hơn 140 quốc gia, trong đó Mỹ vẫn là thị trường chủ lực chiếm gần 60% với kim ngạch ước đạt gần 650 triệu đô la, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm lốp xe Việt Nam còn xuất khẩu vào nền kinh tế có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Đức.

Theo người đại diện của Hiệp hội Cao su Việt Nam, Việt Nam có hơn 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lốp xe. Phần lớn những doanh nghiệp thuộc tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM, những nhà đầu tư này đến từ các nước trong khu vực châu Á, trong đó có doanh nghiệp đến từ Trung Quốc nhằm né thuế do Mỹ đánh thuế cao mặt hàng nhập khẩu này từ Trung Quốc.

Trên thực tế, sản phẩm lốp xe Việt Nam trong những năm gần đây đã xuất khẩu tăng cao vào thị trường Mỹ sau khi nước này áp thuế cao lên lốp xe từ Trung Quốc khi căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra.

Sản phẩm lốp xe xuất khẩu Việt Nam từng bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mở cuộc điều tra nhằm xác định liệu lốp xe từ Việt Nam có bị bán với giá thấp hơn mức giá hợp lý, bên cạnh lốp xe nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan vào tháng 6-2020.

Và cuối tháng 5-2021, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, và Thái Lan.

Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam sang Mỹ) vẫn được xác định không bán phá giá (không bị áp thuế chống bán phá giá). Các doanh nghiệp còn lại bị áp mức thuế là 22,3%.

Đối với nội dung trợ cấp, mức thuế trợ cấp được xác định cho các doanh nghiệp Việt Nam từ 6,23% đến 7,89%, thấp nhất trong số các nước, vùng lãnh thổ bị điều tra trong vụ việc này.

Đây là một kết quả tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam tại thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất đối với ngành sản xuất lốp xe. Thêm vào đó, kết luận này cũng bảo vệ lợi ích của ngành cao su của Việt Nam khi khoảng 80% cao su tự nhiên khai thác tại Việt Nam được sử dụng để sản xuất lốp xe.

Cơ hội kết nối doanh nghiệp trong 4 ngành sơn, giấy, cao su và nhựaCác triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành giấy và bột giấy; sơn phủ và mực in; cao su và sản xuất săm lốp xe; công nghiệp nhựa tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5-8-2022 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM.Tại cuộc họp báo ngày 16-7, Ban tổ chức cho biết, đã có hơn 150 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia triển lãm nhằm tìm kiếm cơ hội giao thương và là cơ hội để kết nối, đẩy mạnh hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vừa qua.Các doanh nghiệp này đến từ Bỉ, Đức, Indonesia, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Pakistan...Trong đó, Ấn Độ có số lượng doanh nghiệp đăng ký đông đảo nhất với hơn 40 doanh nghiệp tham gia.

Nhiều thương hiệu Việt Nam tiêu biểu có gian hàng trưng bày tại các cuộc triển lãm năm nay: Giấy Đồng Tiến, Miza, Việt Ấn, Minh Thanh, Minh Long, Cao su Đà Nẵng, Hiển Long, Kiến Vương, Vượt Sóng, Quốc Thắng, Nhật Minh, Nguyễn Quỳnh Anh, Mạc Tích...

Ban tổ chức là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quảng cáo & Triển lãm Minh Vi (VEAS) cho biết, bên lề các cuộc triển lãm sẽ có các chuỗi hội thảo chuyên ngành. Trong đó gồm hội thảo về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xí nghiệp giấy ở Việt Nam; tái chế giấy thu hồi nói chung và hộp đựng chất lỏng; hội thảo về tổng quan ngành cao su, tiềm năng và cơ hội phát triển cao su kỹ thuật. Ban tổ chức cũng sắp xếp các cuộc gặp gỡ giao thương doanh nghiệp ngành sơn Việt Nam và các doanh nghiệp Ấn Độ, Hàn Quốc; gặp gỡ giao thương doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam và quốc tế…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới