Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu cà phê hòa tan bùng nổ, Brazil hưởng lợi nhờ tăng sản lượng robusta

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khi lạm phát thúc đẩy giá cà phê toàn cầu tăng, loại cà phê robusta rẻ hơn chứng kiến nhu cầu tăng mạnh, và Brazil đang được hưởng lợi lớn nhờ mở rộng trồng loại cà phê này trong những năm gần đây.

Nông dân thu hoạch cà phê robusta ở Sao Gabriel da Palha, bang Espirito Santo, Brazil. Ảnh: Reuters

Dù nguồn cung robusta theo truyền thống chủ yếu đến từ Việt Nam, nước có sản lượng robusta lớn nhất thế giới nhưng nông dân địa phương đã không thể tăng sản lượng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh của người tiêu dùng.

Trong khi sản lượng cà phê robusta (cà phê vối) ở Việt Nam đã bão hòa, thì Brazil, nước trồng cà phê robusta lớn thứ hai thế giới đang tăng tốc. Sản lượng robusta của Brazil dự kiến ​​sẽ đạt mức cao nhất lịch sử trong năm nay. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng robusta của nước này sẽ tăng 5% trong năm 2022.

Fernando Maximiliano, nhà phân tích tại Công ty StoneX Financial ở Sao Paulo, Brazil, cho biết: “Brazil có nhiều dư địa để tăng sản lượng bằng cách chuyển đổi các đồng cỏ thành các trang trại cà phê vối. Việt Nam không còn dư địa để mở rộng sản lượng”.

Hạt cà phê robusta được sử dụng rộng rãi để làm cà phê hòa tan cho các nhãn hiệu cà phê uống liền như Nescafe của Nestle hoặc sử dụng để pha thêm vào cà phê espresso. Cà phê robusta từng được xem là sự thay thế kém chất lượng hơn cho các loại cà phê arabica cao cấp hơn, vốn được ưa chuộng bởi các chuỗi cửa hàng cà phê như Starbucks.

Nhưng hiện này, robusta đã dần được ưa chuộng, đặc biệt nhờ dễ trồng, dễ pha chế và cách mà nó giúp cải thiện hương vị. Người tiêu dùng trên toàn cầu vẫn uống nhiều đồ uống làm từ arabica hơn. Nhưng trong bối lạm phát tăng cao, ngày càng nhiều người mua cà phê robusta có giá mềm hơn và họ bắt đầu có cái nhìn khác dù loại cà phê này có vị đắng gắt hơn.

Các loại cà phê arabica bản địa (có nguồn gốc từ một khu vực nhất định) rất đắt, vì vậy, robusta thường được thêm vào đồ uống espresso pha chế ở nhà, góp phần làm tăng nhu cầu loại cà phê này. Tại Mỹ, tiêu thụ đồ uống espresso đã tăng 30% kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 3 của Hiệp hội Cà phê quốc gia Mỹ. Nhu cầu quốc tế về cà phê hòa tan hoặc hòa tan cũng ngày càng tăng, bao gồm cả ở châu Á và Đông Âu.

Khoảng cách về giá giữa arabica và robusta tăng lên trong những năm gần đây, phần lớn là do vấn đề mùa vụ. Năm ngoái, sản lượng cà phê arabica của Brazil đã sụt giảm do hạn hán và sương giá. Colombia, nước trồng cà phê arabica lớn thứ hai thế giới, đã mất khoảng 20% ​​sản lượng trong hai năm qua do thời tiết mưa nhiều.

Tình trạng tắc nghẽn vận tải biển càng đẩy tănh giá cà phê arabica.

Tuy nhiên, sản lượng robusta của Brazil lại đang tăng lên. Cây cà phê robusta có thân cứng hơn và to hơn cây cà phê arabica. Nó có thể phát triển ở những nơi khí hậu nóng hơn và có lượng caffeine gần gấp đôi so với arabica. Hoạt động sản xuất robusta ở Brazil đã trở nên chuyên nghiệp hơn, giúp sản lượng tăng lên và nông dân đang mở rộng sang trồng ở các khu vực mới.

Kể từ năm 2016, khi hạn hán làm giảm sản lượng robusta, nông dân Brazil đã đầu tư vào kỹ thuật tưới tiêu và thu hoạch, làm gia tăng kỳ vọng niên vụ cà phê robusta 2022-2023 sẽ mang lại một vụ mùa bội thu.

Vị đắng khiến robusta trở thành một loại cà phê dùng để pha trộn ở phương Tây nhưng điều này đang thay đổi, với một số sản phẩm dành cho những tín đồ cà phê  làm 100% bằng robusta.

Celirio Inacio, Giám đốc Hiệp hội cà phê Brazil ( ABIC), có trụ sở tại Sao Paulo, cho biết: “Hương vị đặc trưng của robusta đã thay đổi hoàn toàn nhờ công nghệ và kỹ thuật xử lý cây trồng mà nông dân đã áp dụng trong tất cả các khâu sản xuất”.

Theo Guilherme Morya, nhà phân tích của Ngân hàng Rabobank, diện tích trồng cà phê robusta ngày càng tăng ở các bang phía của Brazil như Rondonia và Mato Grosso, nhưng tiềm năng tăng trưởng thêm có thể bị cản trở bởi sự cạnh tranh đất đai của những người nông dân trồng ngũ cốc.

“Tiềm năng robusta của Brazil là rất lớn. Vấn đề duy nhất là robusta đang cạnh tranh với các loại ngũ cốc, vốn có tỷ lợi nhuận ấn tượng”, Morya nói.

Sản lượng robusta tăng lên ở Brazil sẽ giúp các công ty rang xay và người tiêu dùng giảm chi phí, đặc biệt là ở châu Âu, nơi cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên ngày càng tồi tệ và đẩy tăng lạm phát. Trong hai năm qua, giá cà phê arabica kỳ hạn tại thị trường New York tăng gấp đôi, trong khi giá cà phê robusta tăng 57% tại thị trường London.

Lão nông Farmer Bento Venturim, 74 tuổi, đã điều chỉnh các kỹ thuật chăm sóc và máy móc sử dụng ở cây cà phê arabica để thích hợp cho  cây cà phê robusta mà ông trồng ở bang Espirito Santo kể thập niên 1990. Venturim bán cà phê với thương hiệu riêng và đang cung cấp các cửa hàng cà phê cao cấp. Cà phê của ông đôi khi có giá cao hơn 130% so với cà phê robusta thông thường.

Ông nói: “Giống robusta không phải là kém chất lượng. Robusta sẽ trở nên đặc biệt khi bạn làm nhiều thứ để cải thiện nó”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới