Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội vàng để doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa hàng hóa vào châu Âu

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thời điểm hiện nay được xem là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đưa các sản phẩm thân thiện với môi trường và có chất lượng tốt vào thị trường châu Âu. Trong đó, các sản phẩm thời trang như quần áo, túi xách, giày dép... đang được nhiều khách hàng "để ý".

Thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo dệt may cải tiến hậu Covid-19 diễn ra vào ngày 22-7 tại TPHCM.

Bà Mandy Chau (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ thông tin về nhu cầu tìm nhà sản xuất sản phẩm thời trang ở Việt Nam và ông Dave Quach (giữa) thảo luận tại sự kiện . Ảnh Lê Hoàng

Tại sự kiện, bà Mandy Chau, Giám đốc Công ty TNHH Telileo Việt Nam, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp châu Âu với doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, cho biết hiện có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở châu Âu muốn công ty bà kết nối và tìm đối tác ở Việt Nam để đặt hàng sản xuất.

"Thực tế nhu cầu này diễn ra khi doanh nghiệp sản xuất của các nước tại Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển hoặc mở rộng ra các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam", bà Chau nói.

Bà cho rằng xu hướng dịch chuyển này ngày càng nhiều hơn kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8-2020. Các doanh nghiệp EU kỳ vọng sẽ nhận được ưu đãi thuế quan khi nhập hàng hóa từ Việt Nam.

Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 xảy ra làm cho chuỗi cung ứng nhiều nước bị đứt gãy lại càng thôi thúc doanh nghiệp ở khu vực này tìm đến Việt Nam đặt hàng sản xuất nhiều hơn.

"Phải nói là cơ hội làm ăn đã đến ngay trước cửa nhà. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng đầu tư và thay đổi nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường châu Âu đặt ra hay chưa mà thôi", bà Chau nói.

Theo đó, bà đã làm việc với nhiều doanh nhân ở Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và thấy nhiều người đã mua hàng từ các nhà máy có năng lực ở Việt Nam. So với các nhà cung cấp ở các nước khác, Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất, được các nhà mua hàng quốc tế đánh giá cao.

"Đã có một sự gia tăng đột biến các doanh nghiệp khu vực châu Âu dịch chuyển đơn hàng sản xuất từ Trung Quốc, Thái Lan... đến Việt Nam hiện nay", bà nói.

Cũng theo bà Chau, người tiêu dùng EU có yêu cầu nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo tính bền vững, sản xuất "xanh" cũng như tính minh bạch cao như nguồn gốc, sản xuất phân hủy, tác động môi trường, lao động của doanh nghiệp...

Tại sự kiện, các diễn giả tham gia chia sẻ ý kiến mang tới những góc nhìn đa chiều cũng như vấn đề cấp thiết của từng mắt xích trong chuỗi cung ứng đối với xu hướng phát triển xanh bền vững.

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu các sản phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, da giày... thân thiện môi trường trong khuôn khổ hội thảo được tổ chức tại TPHCM.

Nội dung hội thảo xoay quanh những vấn đề trọng yếu đang cản trở sự phát triển bền vững của ngành dệt may và xác định hướng đi để các sản phẩm "Made in Viet Nam" không những đáp ứng được yêu cầu cao về kiểu dáng mà còn có khả năng tích hợp thêm các yếu tố bảo vệ sức khỏe và trách nhiệm với môi trường sống.

Các doanh nghiệp, chuyên gia khẳng định “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Theo ông Dave Quach, người sáng lập Công ty Vải sợi Bảo Lân, công ty có sản phẩm vải Eco có khả năng chống tia UV với UPF, kháng côn trùng, chống bụi mịn… được nhiều hãng thời trang ưa dùng, cho biết khách hàng tại nhiều nước trên thế giới và cả thị trường Việt Nam đang có nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Đây là động lực để doanh nghiệp đầu tư và thay đổi.

Tại sự kiện, một số ý kiến còn cho rằng thị trường EU đề cao phong cách riêng và các xu hướng mới liên tục thay đổi. Do đó, để khai thác được thị trường này, doanh nghiệp phải thường xuyên cải tiến chất lượng cũng như mẫu mã và tính năng sản phẩm.

Bên cạnh đó, với những yêu cầu nghiêm ngặt như các tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo tính bền vững, nguồn gốc, sự tác động môi trường của sản phẩm, doanh nghiệp phải chứng minh bằng các chứng nhận, chứng chỉ của các cơ quan, tổ chức có uy tín.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, khu vực EU nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt khoảng 2,13 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới