(KTSG Online) – Việc tiếp cận nguồn vốn, kể cả vốn tín dụng còn hạn chế dẫn đến không khuyến khích hợp tác xã đầu tư phát triển. Điều này khiến các hợp tác xã nói chung và hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng chưa phát triển như kỳ vọng.
Tại diễn đàn trực tuyến “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác xã” diễn ra vào hôm nay, 28-7, ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết đến tháng 6-2022 cả nước có 18.795 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm khoảng 70% tổng số các loại hình hợp tác xã cả nước.
Theo ông Định, quy mô bình quân của 1 hợp tác xã khá nhỏ, chỉ khoảng 176 thành viên, và vốn bình quân trên mỗi hợp tác xã nông nghiệp chỉ 1,5 tỉ đồng. “Chính vì vậy, doanh thu và lợi nhuận của hợp tác xã đạt được rất khiếm tốn”, ông Định nói. Ông cho biết chỉ có khoảng 17,3% đạt loại tốt, 37,7% đạt loại khá, 36,6% đạt trung bình và còn lại là yếu kém.
Ông Định cho rằng hợp tác xã không tiếp cận được vốn dẫn đến cản trở phát triển của loại hình kinh tế này.
Cụ thể, thiếu vốn không khuyến khích các hợp tác xã đầu tư cho chế biến, mà chỉ tập trung thu gom nguyên liệu thô; năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, không khuyến khích nông dân vào hợp tác xã; phụ thuộc và tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong chuỗi liên kết. Bởi, khi liên kết với doanh nghiệp thì họ phải đầu tư vốn để sản xuất, rồi thu gom vận chuyển, khiến chuỗi liên kết bị hạn chế…
Thực tế, theo ông Định, những năm qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn rất hạn chế. “Ví dụ, 4 năm qua, ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 4.322 tỉ đồng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong đó, ngân sách trung ương chiếm khoảng 39%, ngân sách địa phương chiếm 49% và các nguồn khác chiếm 12%”, ông dẫn chứng.
Đối với nguồn tín dụng cho hợp tác xã, ông Định cho biết trong chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn thì tiếp cận vay vốn của hợp tác xã nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,18% trong tổng dư nợ được giải ngân. “Như vậy, có thể thấy vốn cho hợp tác xã rất thấp, kể của vốn đầu tư của Nhà nước lẫn vốn tín dụng”, ông nói.
Đối với loại hình huy động vốn góp của thành viên, bình quân 1 hợp tác xã chỉ huy động được 623 triệu đồng, tức mỗi thành viên góp khoảng 3,36 triệu đồng, thậm chí nhiều người là thành viên của hợp tác xã, nhưng không góp vốn.
Còn với nguồn huy động vốn nội bộ, hiện nay cả nước cũng chỉ có khoảng 1.200 hợp tác xã có hoạt động tín dụng nội bộ với số vốn trung bình đạt khoảng 600 triệu đồng.
Trong khi đó, về tình hình tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã, ông Định cho biết tổng dư nợ đến năm 2021 là khoảng 6.000 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn 2002-2021 chỉ có khoảng 7.000 hợp tác xã được hỗ trợ, tức có khoảng 700 hợp tác xã mỗi năm. “Nguồn vốn tiếp cận cũng rất thấp, trung bình chỉ 300 triệu đồng/hợp tác xã”, ông Định cho biết và nói rằng điều này khiến nguồn vốn trong hợp tác xã có thể đầu tư kinh doanh dù có cải thiện rất nhiều nhưng đến nay trung bình chỉ khoảng 1,5 tỉ đồng/hợp tác xã.
Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn được xác định do hợp tác xã không có tài sản thế chấp; hồ sơ, phương án kinh doanh không khả thi; sổ sách tài chính của hợp tác xã không rõ ràng và quan trọng là hiệu quả hoạt động của hợp tác xã hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã nông nghiệp Bình Thành (Đồng Tháp), thừa nhận năng lực của hợp tác xã để viết một dự án khả thi (một trong những điều kiện để ngân hàng xét duyệt cho vay) là rất hạn chế. “Do đó, cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã trong việc nâng cao năng lực lập phương án sản xuất kinh doanh”, ông Đời nói.
Trong khi đó, đối với góp vốn thành viên vào hợp tác xã, ông Định cho rằng, Luật Hợp tác xã năm 2012 thiếu các quy định thành viên bắt buộc phải đóng góp. “Ngược lại, Luật Hợp tác xã 2012 cũng quy định người góp vốn tối đa không được quá 20% tổng vốn, khiến những người có điều kiện muốn đóng góp vào cũng bị hạn chế”, ông cho biết và nói rằng hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, tham mưu để xây dựng Luật Hợp tác xã thì 2 vấn đề này cũng được đưa vào bàn thảo để tăng trần và bắt buộc thành viên phải góp vốn.
Còn về huy động vốn nội bộ, ông Đời đề xuất cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn mới, bởi thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước về quy định hoạt động tín dụng nôi bộ đã hết hạn. “Tín dụng nội bộ là người sản xuất rất cần”, ông Đời nhấn mạnh và dẫn chứng trước đây mỗi năm hợp tác xã Bình Thành đưa ra ít nhất 4 tỉ đồng để giải quyết cho trên dưới 1.000 hộ nông dân vay.
Theo ông Đời, có tín dụng nội bộ sẽ giúp giải quyết vấn nạn tín dụng đen đang phát triển mạnh ở khu vực nông thôn thời gian gần đây.