Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tập đoàn kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới Glencore lãi kỷ lục nhờ than

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với quan điểm cho rằng, than vẫn là nhiên liệu cần thiết trong tiến trình chuyển đổi năng lượng, Tập đoàn Glencore (Thụy Sĩ) vẫn kiên trì đeo bám mảng khai thác than dù các đối thủ lần lượt thoái vốn khỏi mảng này. Trong 6 tháng đầu năm nay, mảng kinh doanh than mang lại cho Glencore khoản lợi nhuận khổng lồ 8,9 tỉ đô la Mỹ, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ vậy, Glencore, tập đoàn kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới đã trở thành một trong những công ty được hưởng lợi lớn nhất trong cơn biến động của thị trường năng lượng do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine.

Tập đoàn Glencore lãi kỷ lục trong 6 tháng đầu năm nay nhờ giá than nhiệt lượng cao, loại than được sử dụng để sản xuất điện, tăng lên các mức cao nhất trong lịch sử. Ảnh: amsj.com.au

Kết quả kinh doanh của Glencore, công bố hôm 4-8, cho thấy lợi nhuận cốt lõi trong nửa đầu năm của tập đoàn tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 18,9 tỉ đô la. Hoạt động kinh doanh vượt trội ở mảng than đã giúp Glencore thu về khoản lợi nhuận 8,9 tỉ đôla, chiếm một nửa tổng lợi nhuận của tập đoàn.

Không giống như các đối thủ khác trong ngành khai khoáng vốn đang rút dần khỏi mảng than, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất hành tinh, do sức ép của các nhà đầu tư, Glencore vẫn tiếp tục khai thác than nhiệt lượng cao. Trước lúc nghỉ hưu hồi tháng 6-2021, Giám đốc điều hành Glencore, Ivan Glasenberg đã thực hiện thương vụ mua cổ phần của đối thủ BHP và Anglo American tại mỏ than nhiệt lượng cao Cerrejon (Colombia) với giá 588 triệu đô la.

Glencore lập luận, than đá vẫn là nhiên liệu cần thiết trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, tập đoàn này chỉ lên phương án cắt giảm sản lượng khai thác than trong 30 năm tới, thay vì thoái vốn hết khỏi mảng này. Glencore cũng cho rằng than là nguồn năng lượng giá rẻ và đáng tin cậy đối với các nước đang phát triển.

Trong cuộc họp báo hôm 4-8, Giám đốc điều hành hiện nay của Glencore, Gary Nagle nói: “Chúng tôi không phải là một công ty than mà là một công ty hỗ trợ tiến trình phi carbon hóa”. Ông chỉ rằng Glencore đang tập trung khai thác “các kim loại của tương lai”, bao gồm các là đồng, cobalt, nickel và kẽm, rất cần thiết với mạng lưới truyền tải điện và các cơ sở hạ tầng khác giúp hỗ trợ xây dựng hệ thống năng lượng carbon thấp hơn.

Ông cho rằng, trong quá trình chuyển đổi năng lượng, thế giới cần bảo đảm sản lượng điện đáng tin cậy và Glencore cung cấp điều đó thông qua mảng kinh doanh than.

Glencore là công ty kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới, sở hữu nhiều cơ sở sản xuất trên khắp toàn cầu và đang cung cấp các mặt hàng kim loại, khoáng sản, dầu thô, than, khí đốt và các sản phẩm nông nghiệp cho khách hàng quốc tế trong ngành công nghiệp ô tô, sản xuất, sản xuất thép và chế biến thực phẩm.

Lợi nhuận của mảng giao dịch hàng hóa của Glencore đạt 3,7 tỉ đô la trong nửa đầu năm, vượt mức dự báo của cả năm nay. Glencore đã tận dụng cơn biến động giá mạnh mẽ ở các thị trường hàng hóa từ kim loại cho đến dầu thô để kiếm lợi nhuận, đặc biệt là kể từ sau khi Nga phát động chiến tranh ở Ukraine vào cuối tháng 2.

Gary Nagle cho biết, lãi suất và lạm phát tăng, kinh tế tăng toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ làm giảm thu nhập của tập đoàn trong nửa cuối năm nay. Dù vậy, ông tin tưởng triển vọng dài hạn của thị trường hàng hóa vẫn tích cực.

“Chúng tôi tin rằng sự phục hồi của Trung Quốc sẽ đến và rất mạnh mẽ. Một lĩnh vực khác mà chúng ta không thể bỏ qua là phi carbon hóa. Đây là điều đang diễn ra và điều đó sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa tăng lên, đặc biệt là những mặt hàng mà chúng tôi đang có”, ông nói.

Glencore thường kinh doanh kém hơn các đối thủ trong những năm gần đây sau khi rời bỏ mảng khai thác quặng sắt, vốn là động lực tăng trưởng lợi nhuận quan trọng của hai tập đoàn khai khoáng BHP Group va Rio Tinto.

Tuy nhiên, giờ đây, tập đoàn này thắng lớn nhờ đặt cược vào mảng than. Giá than nhiệt lượng cao đã tăng lên các mức cao kỷ lục trong năm nay do các công ty sản xuất điện ở châu Âu hạn chế nhập khẩu than từ Nga khiến nguồn cung còn lại trên thế giới bị thắt chặt. Giá khí đốt tăng vọt cũng thúc đẩy nhu cầu đối với các nguồn năng lượng khác bao gồm than. Hiện tại, giá than nhiệt lượng cao đang giao dịch ở mức xung quanh 400 đô la/tấn so với mức chỉ 50 đô la/tấn cách đây 2 năm.

Theo Joshua Warner, nhà phân tích thị trường tại Công ty City Index, không có giải pháp khắc phục nhanh chóng nào với các vấn đề trên thị trường năng lượng. Điều này sẽ khiến giá than và giá khí đốt tự nhiện hóa lỏng (LNG) duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, triển vọng đối với thị trường kim loại có vẻ phức tạp hơn do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất gia tăng và nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc.

Theo Reuters, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới