Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các nước Bắc Âu đề nghị loại bỏ sản phẩm nhập khẩu có hóa chất độc hại

Đông Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, nước này và 7 quốc gia khác là Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Luxemburg, Na Uy, Tây Ban Nha và Áo đã ký thư gửi Uỷ ban châu Âu kêu gọi ấn định thời gian các hoá chất nguy hiểm phải được loại bỏ dần khỏi các sản phẩm tiêu dùng.

Thụy Điển và các quốc gia này nhấn mạnh rằng các sản phẩm như đồ dùng trẻ em, đồ chơi, mỹ phẩm, đồ nội thất và quần áo hiện vẫn được phép chứa các hoá chất có thể gây hại cho sức khoẻ, đặc biệt với phụ nữ mang thai và trẻ em.

Do đó, đề xuất về các quy định mới liên quan đến kiểm soát hoá chất mà Ủy ban châu Âu dự định ban hành đầu năm 2023 phải có lệnh cấm rộng rãi đối với một số chất để đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ nhất cho sức khỏe con người.

Theo Thương vụ Việt Nam tại châu Âu, Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu dựa trên các tiêu chí của Chiến lược dệt may của EU đã đưa ra những quy định mới đối với hàng dệt may nhập khẩu theo hướng an toàn và bền vững hơn.

Trong đó yêu cầu khắt khe đối với sợi tự nhiên và sợi tổng hợp, sợi dệt phải là sợi hữu cơ, tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học. Bông được sử dụng trong quần áo dán nhãn sinh thái Bắc Âu không được làm từ sản phẩm biến đổi gien (GMO) và phải là 100% hữu cơ hoặc tái chế. Độ bền và chất lượng phải cao hơn, vải dệt phải được thử nghiệm để đảm bảo các tiêu chí mới về độ bền như độ mài mòn, độ phai màu, độ giãn đứt, độ bền đường may.

Trong số các hóa chất sẽ bị cấm trong phiên bản mới có chất CMR (chất gây ung thư, đột biến, hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản) và hóa chất có chứa silicon.

Mặt hàng dệt may từ Việt Nam xuất khẩu sang Bắc Âu cần lưu ý danh mục các hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất vải sợi. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công thương

Trước đó, EU đã ban hành Quy định (EU) 2022/566 sửa đổi phụ lục II của Quy định (EC) số 396/2005 về mức dư lượng tối đa đối với flutianil trong hoặc trên các sản phẩm nhất định như trái cây tươi và đông lạnh, các loại hạt; rau tươi và đông lạnh; dầu và trái cây có dầu; trà, cà phê, thảo dược và ca cao; các loại gia vị; các sản phẩm có nguồn gốc động vật.

EU cũng ban hành Quy định (EU) 2022/617 về việc sửa đổi quy định (EC) 1881/2006 về mức thuỷ ngân tối đa trong cá và muối.

Uỷ ban châu Âu trong quí 2 đã ban hành Quy định (EU) 2022/634 sửa đổi Quy định (EU) 37/2010 liên quan đến việc phân loại chất bambermycin và giới hạn dư lượng tối đa của nó trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Tiếp đó là Quy định (EU) 2022/650 về việc sửa đổi Phụ lục của Quy định (EU) 231/2012 quy định các thông số kỹ thuật cho các chất phụ gia thực phẩm được liệt kê trong Phụ lục II và III của Quy định (EC) 1333/2008 liên quan đến thông số kỹ thuật đối với natri diacetate (E262).

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia) cho biết, EU đã ban hành nhiều quy định mới nhằm đảm bảo thực phẩm nhập vào thị trường này phải tuân thủ mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Thúy lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, tìm hiểu kỹ thị trường và các yêu cầu kỹ thuật, tập trung quản lý an toàn thực phẩm để tránh xuất hàng sang Bắc Âu rồi lại bị từ chối.

Hiện các nước Bắc Âu đang đề xuất trao cho các quốc gia thành viên quyền mở rộng để thực hiện các biện pháp ở cấp độ EU nhằm chống lại các chất độc hại.

Được biết, với sự thúc đẩy của Thụy Điển và các quốc gia Bắc Âu, dự kiến thời hạn loại bỏ các chất nguy hiểm trong một số sản phẩm tiêu dùng sẽ được EU đưa vào quy định mới liên quan đến kiểm soát hóa chất dự kiến được thông qua đầu năm tới 2023.

(Theo Thông tin Thương vụ Việt Nam tại châu Âu và Cổng thông tin Bộ Công Thương)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới