Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giáo dục để tăng trưởng

Hiệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa ra mắt “Báo cáo Điểm lại”, ban hành sáu tháng một lần, đưa ra những phân tích về xu hướng kinh tế vĩ mô gần đây ở Việt Nam và dự báo về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn và trung hạn. Ở phần quan trọng của báo cáo, WB đưa ra góc nhìn về cách thức tạo ra tăng trưởng bền vững thông qua giáo dục, với tiêu đề “Giáo dục để tăng trưởng”.

Việt Nam hiện có thứ hạng thứ ba từ dưới lên trong số 140 quốc gia có tên trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh năm 2018 liên quan đến mức độ phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học. Ảnh: THÀNH HOA

Đầu tư cho giáo dục sau phổ thông

Báo cáo ra mắt vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang trải qua hàng loạt những cú sốc rất lớn và rất tiêu cực. Báo cáo phân tích những diễn biến kinh tế lớn trong nửa đầu năm 2022 và đưa ra dự báo trung hạn của WB cho nền kinh tế, cùng với những rủi ro lớn trong nước và trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến triển vọng dự báo. WB cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách để có thể giúp giảm nhẹ tác động của những rủi ro đó và để giúp nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn trong thời gian tới.

Cũng giống như trong các ấn bản trước của Báo cáo Điểm lại, WB cũng đưa vào chương hai là chuyên đề về một vấn đề cơ cấu quan trọng muốn chỉ ra để suy nghĩ và để các cấp có thẩm quyền hành động. Lần này, WB tập trung vào giáo dục sau phổ thông như tiêu đề báo cáo truyền tải.

Đây là chuyên đề hết sức quan trọng. Theo WB, Việt Nam cần có lực lượng lao động có kỹ năng để chuyển mình trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Nếu Việt Nam muốn chuyển đổi mô hình kinh tế để trở thành nền kinh tế số, phát triển năng động, có khả năng chống chịu, lấy trí thức và năng suất làm động lực, chúng ta cần có lực lượng lao động với những kỹ năng của thế kỷ 21 để tiếp tục tăng trưởng.

Dĩ nhiên, WB nhận thức được rằng các cấp có thẩm quyền đã đạt được những thành tựu về cung cấp giáo dục phổ thông có chất lượng. Điều này có thể chứng minh bằng số liệu. Sau khi điều chỉnh về thời lượng học tập, số năm học bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, chỉ đứng thứ hai sau Singapore trong số các nước ASEAN, cao nhất trong số các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.

Tuy nhiên, về giáo dục sau phổ thông, bao gồm giáo dục đại học và dạy nghề, số liệu chưa được như quốc gia này đáng có. Hầu hết việc làm ở Việt Nam vẫn là những công việc thủ công, kể cả có kỹ năng hoặc không có kỹ năng. Các doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có các kỹ năng lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên môn kỹ thuật. Theo khảo sát về doanh nghiệp và kỹ năng của WB (2019), 73% doanh nghiệp Việt Nam trong khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có các kỹ năng lãnh đạo và quản lý, 54% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng cảm xúc - xã hội, và 68% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật theo vị trí việc làm cụ thể.

Vấn đề trên vừa là vấn đề về chất lượng - sự phù hợp về kỹ năng và khả năng sử dụng sinh viên tốt nghiệp hiện nay - vừa là vấn đề về số lượng - số lượng sinh viên tốt nghiệp. Về chất lượng, Việt Nam hiện có thứ hạng thứ ba từ dưới lên trong số 140 quốc gia có tên trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh năm 2018 liên quan đến mức độ phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học.

Còn về số lượng, chỉ có 10,2% dân số ở độ tuổi từ 25 trở lên có bằng cử nhân hoặc tương đương vào năm 2019. Tỷ lệ nhập học gộp ở cấp học sau phổ thông của Việt Nam là 28,6%, thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực, và thấp hơn mức bình quân 55,1% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao. Ngay lúc này, vào mùa hè 2022, Việt Nam có khoảng 2 triệu sinh viên được tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục sau phổ thông. Để đạt tỷ lệ tuyển sinh của các quốc gia thu nhập trung bình cao trong dài hạn, chỉ tiêu tuyển sinh phải được nâng lên đến khoảng 3,8 triệu sinh viên, gần gấp đôi so với con số năm 2019.

Để có được lực lượng lao động như vậy, các cấp có thẩm quyền cần tiến hành cải cách cơ cấu và chính sách trong lĩnh vực giáo dục sau phổ thông.

Vài ý kiến cá nhân

Nói chuyện với các nhà tuyển dụng nước ngoài, họ thường than trời khi tìm các ứng viên thích hợp cho một công việc cụ thể. Nếu xem hồ sơ có thể thấy bằng cấp đầy mình, các chứng chỉ tin học, tiếng Anh, kinh nghiệm thật đáng nể, nhưng vào vòng phỏng vấn thì khó tìm được ứng viên với những kỹ năng cần thiết.

Anh Ed từng làm quản lý khách sạn 5 sao tại Việt Nam, thường xuyên phỏng vấn và tuyển dụng, chia sẻ rằng có bạn bằng đại học hẳn hoi, nhưng gửi hồ sơ vào ba vị trí tại cùng một khách sạn: general manager - quản lý chung, phụ trách nhà hàng và chạy bàn. Câu trả lời là “thì cứ xin, may ra được một công việc nào đó, miễn là không thất nghiệp”.

Khi hỏi tiếng Anh, các bạn trả lời ngọng Lờ, Nờ lung tung. Khi được hỏi làm ở đâu, bạn nói: “Dạ làm ở inter-la-tio-lan (international), muốn xin vào chức danh ma-la-ger (manager)”. Nhà tuyển dụng thấy hài hước liền kêu, chức danh malager có người rồi, định xin vào chỗ nào nữa? “Dạ, muốn running table - chạy bàn”. Tại sao, vì nhiều tiền típ. Ứng viên này không có một kinh nghiệm nào ra hồn, kỹ năng giao tiếp kém, và không có mục đích rõ ràng, liệu nhà tuyển dụng có chọn không?

Nếu tìm nhà để mua, có ba từ cửa miệng cần nhớ “Locations, locations and locations - Vị trí, vị trí và vị trí (của bất động sản)”.

Nếu tuyển người cho các chức chủ chốt như lãnh đạo nhóm, người quản lý, cao hơn là giám đốc, tổng giám đốc, có ba từ quen thuộc trong mọi hồ sơ hay nhắc “Communications, communications and communications - Giao tiếp, giao tiếp và giao tiếp”.

Nếu tuyển người cho công việc cụ thể, có ba từ “Skills, skills and skills - Kỹ năng, kỹ năng và kỹ năng”.

Nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, ngoài chuyện tìm hiểu thể chế hiện hành, họ nhắm location trước, rồi xem communication của lớp cổ cồn (văn phòng) và skill của lớp áo xanh (lao động).

Để hội nhập, chìa khóa thành công là xây dựng lực lượng lao động có khả năng đáp ứng những đòi hỏi của thời cuộc. Các nhà tuyển dụng cần ba kỹ năng cơ bản sau:

Nhận thức: Tư duy sáng tạo và phê phán, khả năng trình bày, tính toán, giải quyết vấn đề và tình huống cụ thể, khả năng ghi nhớ và tốc độ tư duy.

Hành vi và xã hội: Kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng sống, đặc điểm tính cách và đạo đức nghề nghiệp.

Kỹ thuật: Các kỹ năng và kinh nghiệm cho một nghề cụ thể.

Đối với công nhân lao động (blue collar), kỹ thuật và kinh nghiệm liên quan đến công việc là quan trọng nhất, sau đó là kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, và làm việc độc lập. Khi tuyển dụng, nhà tuyển dụng thường đề nghị ứng viên kể về những công việc đã trải qua, nhất là công việc có liên quan đến vị trí đang cần.

Nhân viên văn phòng (white collar) cũng thế, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến công việc đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, cần khả năng lãnh đạo, biết giải quyết vấn đề, có tư duy sáng tạo, phê phán, và kỹ năng giao tiếp.

Để đạt những kỹ năng quan trọng trên, trong giáo dục cần ba bước để phát triển nguồn nhân lực:

Giáo dục và phát triển ở lứa tuổi mầm non: Khả năng sẵn sàng đi học. Nói một cách khác, trẻ em phải yêu trường lớp, phải thấy đó là nơi mà các em muốn tới hàng ngày.

Giáo dục tiểu học và trung học cần tạo ra nền tảng về nhận thức và hành vi.

Giáo dục đại học và dạy nghề cần định hướng theo thị trường đang cần gì để giúp bạn trẻ ra trường có khả năng tìm việc làm.

Để làm được ba bước trên cần có một hệ thống kết nối để phát triển kỹ năng, ba thành phần không thể thiếu lẫn nhau, đó là: học sinh và cha mẹ, các cơ sở giáo dục và đào tạo và nơi tuyển dụng lao động.

Cơ hội và thách thức của người Việt là có lao động trẻ nhiều, học vấn khá, nhưng ngoại ngữ yếu, giao tiếp kém và kỹ năng phản biện bị thui chột.

V.I. Lenin có một câu rất đáng nhớ “Học, học nữa, học mãi”. Người Việt thấm nhuần tư tưởng ham học này nhưng không biết cách học cái gì để hiệu quả cho công việc.

Báo cáo Điểm lại của WB đã chỉ ra rất rõ chuyện bằng cấp, số lượng và chất lượng phải đồng hành. Có locations, nhưng không có communications và skills, thì người Việt đi xin việc với đích là vị trí giám đốc và dễ kết thúc là chạy bàn hay canh cổng chưa chắc đã được nhận.

Những tin tốt lành cho Việt Nam
Cũng trong báo cáo này, WB phân tích những diễn biến kinh tế lớn của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 và những dự báo. Theo WB, nửa đầu năm 2022, tăng trưởng đồng đều và vững chắc, GPD đạt 6,4%, khu vực công nghiệp chế tạo và chế biến đạt 9,7%, khu vực dịch vụ đạt 6,6%, nông nghiệp đạt 2,8%. Lạm phát trong khả năng kiểm soát dù giá nhiên liệu tăng cao với CPI ở mức 3,4%.
WB dự báo GDP của Việt Nam tăng mạnh lên 7,5% trong năm 2022 và 6,7% vào năm 2023; lạm phát tăng trung bình 3,8% trong năm 2022 và lên 4% vào năm 2023. Tuy nhiên, triển vọng tích cực trên vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng.
Môi trường kinh tế toàn cầu đang trở nên thách thức hơn. Sau hai năm khủng hoảng bởi dịch Covid-19, các cú sốc kinh tế mới đang làm gia tăng bất định và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Cú sốc cung liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine dự báo sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia và dấy lên nỗi ám ảnh về lạm phát đình đốn (stagflation) tại các nước phát triển, dẫn đến điều kiện huy động vốn thắt chặt trên các thị trường tài chính toàn cầu. Các biện pháp kiểm soát sự lây lan biến thể Omicron của Covid-19 tại Trung Quốc khiến cho triển vọng tăng trưởng yếu đi và làm gián đoạn các chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 hiện được dự báo chỉ đạt 2,9%.
Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị tác động bởi những cú sốc nêu trên, trong đó tăng trưởng kinh tế của Mỹ và khu vực đồng euro được dự báo đạt 2,5% còn Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 4,3% trong năm 2022.
Bên cạnh đó, lạm phát đã tăng mạnh ở cả nền kinh tế phát triển, cũng như các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE), với trên 75% các quốc gia ở cả hai nhóm đều đã vượt chỉ tiêu lạm phát của họ.
Bất chấp những cú sốc và tình trạng bất định gia tăng gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang trên đường phục hồi sau hai năm bị tổn thương. Sau đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt và GDP sụt giảm mạnh vào quí 3-2021, nền kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại từ mùa thu năm 2021 nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao tạo điều kiện cho quốc gia mở cửa lại. Đến cuối tháng 12-2021, khoảng 80% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ, các biện pháp hạn chế đi lại dần được gỡ bỏ. Nhờ vậy, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng với tốc độ 5,2% trong quí 4-2021; 5,1% trong quí 1-2022 và 7,7% trong quí 2-2022.
Mặc dù quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng, nhưng chưa đầy đủ và đồng đều, tổng sản lượng vẫn thấp hơn xu hướng trước Covid-19 đến 3,8% và đặc biệt là các ngành dịch vụ mới chỉ đang phục hồi (thấp hơn 5,7% so với xu hướng trước Covid-19).
Ngoài ra, báo cáo còn cung cấp thông tin các doanh nghiệp đang phục hồi nhưng còn yếu ớt. Thị trường lao động cũng đang phục hồi và thu nhập đang tăng lên, nhưng tác động của cú sốc Covid-19 vẫn còn kéo dài trong khi khu vực kinh tế đối ngoại tiếp tục thể hiện khả năng chống chịu.
Báo cáo đưa ra một số khuyến cáo như rủi ro lạm phát gia tăng đòi hỏi phải có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục chính sách hỗ trợ để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang phát sinh.
Trong điều kiện quá trình phục hồi trong nước chưa hoàn tất và nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi, chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng kinh tế. Rủi ro tài chính phát sinh cũng cần được chủ động quản lý để nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, điều quan trọng là cần tăng cường chiều sâu những cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, giúp cho nền kinh tế phát triển bao trùm hơn với khả năng chống chịu cao hơn, báo cáo nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới