(KTSG Online) - Không thể chậm trễ hơn, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng hành động để phát triển bền vững và hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ môi trường.
Đây cũng là mục tiêu phù hợp với xu hướng quốc tế và là động lực để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng cao.
- Doanh nghiệp nước ngoài muốn TPHCM thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững
- Phát triển và tự chủ nguồn nguyên liệu trong sản xuất bao bì xanh
Thông tin trên được ghi nhận tại Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN ++ với chủ đề: "Kết nối để phát triển bền vững" do Sở Công Thương TPHCM và Hội nữ Doanh nhân TPHCM (HAWEE) phối hợp tổ chức ngày 9-9. Sự kiện nhằm kết nối các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, với ASEAN và thế giới.
Tại diễn đàn, các đại biểu chia sẻ về tư duy, tầm nhìn về phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững. Những khuyến nghị cho các doanh nghiệp cần thực hiện sớm vì bây giờ chính là thời điểm tốt nhất để nắm bắt các cơ hội trước khi tình hình trở nên phức tạp hơn; đồng thời chuẩn bị cho một lộ trình dài hạn bởi bền vững không phải là một vấn đề xa vời, đó là hiện tại và tương lai.
Hợp tác để mở rộng thị trường và tăng trưởng
Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM, sau đại dịch Covid-19, sự đứt gãy của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và các kết nối giao thương là những điểm cốt lõi cần được hàn gắn.
"Đây là thách thức và cũng là thời cơ mà các doanh nghiệp tận dụng để tái cấu trúc, kết nối nội tại, tự nối liền các đứt gãy trong chính chuỗi giá trị của doanh nghiệp nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và đáp ứng phần nào nguồn cung trong và ngoài nước", bà Dung nói
Việc đẩy mạnh kết nối, hợp tác thời điểm này sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng được các ưu thế của nhau như: kinh nghiệm, thương hiệu, sản phẩm, thậm chí nguồn khách hàng. Điều này mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường khu vực và quốc tế.
Còn theo bà Ng Jiak See, Phó tổng giám đốc Phụ trách Dịch vụ tư vấn tài chính, Deloitte châu Á-Thái Bình Dương, nhận định: ASEAN là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư và thương mại. Hiện nay, khu vực ASEAN đang hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, trong đó Việt Nam là một trong những nước có tốc độ hồi phục và phát triển nhanh nhất. Chính vì vậy việc tận dụng lợi thế thương mại và liên kết giữa các nước trong khu vực này có ý nghĩa quan trọng, tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Muốn tiến xa phải phát triển bền vững!
“Kết nối để cùng nhau phát triển là mục tiêu trước mắt nhưng kết nối để phát triển bền vững” là đích đến tất yếu của xu thế, giúp doanh nghiệp hướng tới việc tạo ra lợi nhuận cùng lúc với việc tạo ra tác động tích cực đến xã hội, cộng đồng và môi trường sống", bà Dung
Cũng theo Chủ tịch HAWEE, người tiêu dùng hiện đại, nhất là thế hệ trẻ tại các thị trường phát triển có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp được đánh giá là bền vững. Những nguồn vốn đầu tư cũng được ưu tiên cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh tạo ra tác động tích cực.
Do vậy, phát triển bền vững trở thành là yếu tố tối quan trọng trong việc thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp”, bà Dung lưu ý và cho rằng phát triển bền vững, một hướng đi chắc chắn và lâu dài, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Để đạt được các chỉ tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần có sự xuyên suốt về phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng nên việc kết nối cộng đồng doanh nhân, nâng cao nhận thức, kiến thức để cùng nhau phát triển bền vững là điều cần thiết.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện các tổ chức tài chính, công ty tư vấn và tập đoàn lớn cũng cho rằng, hiện nay người tiêu dùng đã thay đổi hành vi, trong đó ưu tiên lựa chọn những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường nên doanh nghiệp cần phải chuyển hướng "sản xuất xanh".
Bà Claire Chiang, Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Banyan Tree, cũng cho rằng để doanh nghiệp phát triển bền vững thì phải có niềm tin, niềm tin từ lãnh đạo xuống nhân viên và ngược lại, người lãnh đạo phải cho mọi người có được niềm tin và cho thấy nó có cơ sở. Tuy nhiên, việc chỉ có niềm tin thôi là chưa đủ mà cần phải huấn luyện, hành động đúng, kết hợp với việc tuyên dương, bà Claire Chiang lưu ý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải học hỏi và liên kết với nhau, có hành động trong phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết trong nhiều năm qua công ty cũng đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến phát triển bền vững. Theo ông Binu Jacob, để phát triển bền vững trước hết phải có niềm tin, phải cam kết hành động; doanh nghiệp phải tạo nên giá trị, đem lại sự tốt đẹp cho xã hội.
Có một thuận lợi là người tiêu dùng Việt Nam đã hiểu được về phát triển bền vững. Tuy nhiên, vấn đề là người tiêu dùng lại đang nghĩ đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp, của ai đó chứ không phải của bản thân. Do vậy, theo ông Binu Jacob, các doanh nghiệp phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để cộng đồng, người tiêu dùng cùng chung tay vào.
"Một doanh nghiệp có ý thức phát triển bền vững thì sẽ mang lại lợi ích thật sự, chúng tôi đã chứng minh được điều này. Nhiều doanh nghiệp rất nhỏ thì đã trở thành doanh nghiệp trung, có thể trở thành doanh nghiệp lớn và hành trình đó có một sự cam kết", Chủ tịch HAWEE đúc kết.
"Ngay bây giờ, các doanh nghiệp trong khu vực cần tăng tốc đầu tư vào những hành động có tính thay đổi cục diện để tạo ra những xã hội tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu – những xã hội này sẽ có khả năng phục hồi, sẵn sàng để phát triển vượt trội và phát triển hưng thịnh", bà Ng Jiak See nói.
Tại sự kiện, Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhận định việc phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và trái đất.
Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Theo bà Ng Jiak See, nếu hành động ngay bây giờ, ASEAN có thể tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực. Nguồn tài chính bền vững hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có. Điều này theo đó sẽ giúp khai phá những tài sản bền vững, từ đó, thúc đẩy quá trình chuyển hóa thành một nền kinh tế phát thải thấp; đồng thời, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào các khoản đầu tư bền vững, tăng cường sức hấp dẫn của các khoản đầu tư trong mắt các nhà đầu tư; giúp các dự án cơ sở hạ tầng bền vững tiếp cận được nhiều nguồn vốn hơn. Đây sẽ là một vòng tuần hoàn liên tục.