Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi kỳ lân giáo dục trực tuyến phải tìm cơ hội ở trung tâm gia sư

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các công ty khởi nghiệp (startup) tiên phong trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech) ở Ấn Độ đã phát triển thần tốc trong thời kỳ đại dịch Covid-19, giúp họ bước vào hàng ngũ kỳ lân, tức startup có mức định giá từ 1 tỉ đô la trở lên.

Nhưng giờ đây, khi đại dịch đã lắng xuống cùng với tâm lý mệt mỏi do học trực tuyến quá nhiều và nguồn vốn rẻ cạn kiệt, họ buộc phải cắt giảm nhân sự, chi phí tiếp thị và chuyển sang tìm kiếm tăng trưởng ở các trung tâm gia sư và luyện thi ngoại tuyến.

Chuyển sang hướng mở trung tâm gia sư ngoại tuyến

Sau 2 năm tăng trưởng chóng mặt, được thúc đẩy bởi tình trạng đóng cửa trường học kéo dài trong thời kỳ dịch bệnh, Ấn Độ đã sản sinh ra một nhóm kỳ lân trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Có 6 startup về Edtech đạt mốc định giá từ 1 tỉ đô la trở lên kể từ đợt phong tỏa trên toàn quốc vào tháng 3-2020. Họ đã gia nhập Byju’s, startup đã đạt danh hiệu kỳ lân vào năm 2017 và hiện là startup edtech giá trị nhất thế giới, với mức định 22 tỉ đô la sau một vòng gọi vốn vào tháng 3, theo PitchBook.

Byju’s, kỳ lân edtech lớn nhất thế giới, ra mắt một trung tâm gia sư ở TP. Kolkata, Ấn Độ hồi tháng 5-2022. Ảnh: ibgnews

Nhưng sự hồi sinh của hoạt động giảng dạy trực tiếp khi các trường học và đại học mở cửa trở lại trên toàn thế giới, cùng với sự cạn kiệt của nguồn vốn rẻ khi các cơ quan quản lý tiền tệ thắt chắt tiền tệ để kiểm soát lạm phát , đã buộc các startup trong lĩnh vực Edtech phải chuyển hướng.

Byju’s, được điều hành bởi Công ty Think&Learn, có trụ sở tại thành phố Bangalore, và các kỳ lân Edtech hàng đầu ở Ấn Độ đang cắt giảm việc làm và chi phí tiếp thị, đồng thời đầu tư vào các trung tâm dạy kèm truyền thống để tìm kiếm động lực tăng trưởng.

Sreedhar Prasad, nhà tư vấn cho doanh nghiệp internet, nhận định: “Tính phù hợp của giáo dục kỹ thuật số cần được xác định lại. Rất khó để phát triển edtech ở Ấn Độ, trừ khi bạn thâm nhập được vào không gian giáo dục trực tiếp”. Byju’s đã mở khoảng 200 trung tâm gia sư trong những tháng gần đây và có kế hoạch tăng con số này lên đến 500 trung tâm. Các kỳ lân edtech khác gồm Unacademy, Vedantu Innovations, và Physics Wallah, cũng đã mạo hiểm tham gia vào lĩnh vực giảng dạy ngoại tuyến.

Điều đó khiến họ bước vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với mạng lưới các trường luyện thi và gia sư tư nhân rộng lớn và lâu đời của Ấn Độ, chuyên giúp học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi cạnh tranh gay gắt để vào các trường đại học hàng đầu hoặc giành được công việc đáng mong ước trong các cơ quan chính quyền.

Vào chiều thứ Sáu tuần qua, dòng học sinh đi qua lối vào chính của trung tâm gia sư của Byju’s tọa lạc ở khu phố thương mại Karol Bagh sầm uất của Delhi. Anshika Kumari, một học sinh 9 tuổi, có hai giờ học toán và khoa học với Byju’s sau giờ tan trường 5 ngày một tuần, bao gồm 3 buổi học tại trung tâm trên và 2 buổi học trực tuyến. “Các lớp học ngoại tuyến này hữu ích hơn nhiều”, Kumari nói.

Mẹ của cô bé nói đã chọn mô hình giáo dục lai (Hybrid) của Byju’s sau khi thấy kết quả không tốt trong 2 năm học của con ở các lớp học chủ yếu dạy trực tuyến do nhà trường tổ chức.

Đại dịch đã làm thay đổi toàn cảnh bức tranh giáo dục Ấn Độ

Các nhà phân tích cho biết, dân số đi học khổng lồ của Ấn Độ, với hơn 260 triệu học sinh và sinh viên, và việc các trường học của họ không đáp ứng được nguyện vọng của tầng lớp phụ huynh trung lưu là những điều khiến quốc gia này trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Edtech.

Các nhà tuyển dụng nói rằng việc chú trọng phương pháp giáo dục học thuộc lòng khiến hàng triệu học sinh sau khi rời ghế nhà trường không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế đang hiện đại hóa nhanh chóng của đất nước.

Bằng cách đưa các bài học lên không gian trực tuyến, các startup trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến của Ấn Độ đã cam kết rằng các học sinh dù ở bất cứ đâu đều có thể tiếp cận các tài năng giảng dạy hàng đầu với mức học phí phải chăng, thay vì dựa vào các gia sư tư nhân và các trường luyện thi.

Vào năm 2018, chưa đầy ba năm sau khi ra mắt, ứng dụng dạy học trực tuyến của Byju’s đã có 900.000 người đăng ký trả phí và công ty đã thu hút các nhà đầu tư lớn gồm Sequoia Capital, Tencent và Chan Zuckerberg Initiative của người sáng lập, Facebook Mark Zuckerberg và vợ, Priscilla Chan.

Quyết định đóng cửa các trường học của chính phủ Ấn Độ vào tháng 3-2020, khi đại dịch Covid-19 tấn công nước này, đã biến lĩnh vực edtech một ván cược chắc thắng. Được cung cấp nguồn vốn rẻ khi lãi suất gần bằng zero, các nhà đầu tư đã đổ 4,86 tỉ đô la vào các startup edtech của Ấn Độ trong vòng 2 năm, theo dữ liệu của PitchBook.

Con số này chiếm 15% nguồn vốn đầu tư toàn cầu cho lĩnh vực edtech trong cùng kỳ. Ứng dụng Byju’s gần đây đã có 7 triệu học viên trả phí và có khoảng 150 triệu người dùng tải xuống và đăng ký trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, dữ liệu của PitchBook cũng ghi nhận trong quí 2-2022, nguồn vốn rót vào lĩnh vực edtech trên toàn thế giới đã giảm xuống còn 2,1 tỉ đô la, từ mức 4,34 tỉ đô la vào một năm trước đó. Ấn Độ chỉ thu hút 1% trong con số đầu tư đó.

Dù làn sóng chuyển đổi sang học tập trực tuyến của Ấn Độ không kéo dài như một số chuyên gia kỳ vọng, 2 năm qua đã thay đổi toàn cảnh bức tranh giáo dục ở Ấn Độ.

Chính sách giáo dục quốc gia của Ấn Độ, được ban hành vào giữa năm 2020, kêu gọi đổi mới toàn diện hệ thống trường học, lấy công nghệ giáo dục và mô hình học hành kết hợp giữ trực tuyến và ngoại tuyến làm cốt lõi. Giáo viên, học sinh và phụ huynh ở Ấn Độ cũng đã học được các kỹ năng kỹ thuật số mới, ngay cả khi đó chỉ là những kỹ năng cơ bản.

Sa thải nhân viên khi tốc độ tăng trưởng chậm lại

Gần đây, Byju’s sa thải 500 nhân viên, một động thái mà công ty cho biết để loại bỏ tình trạng dư thừa lao động. Theo Venture Intelligence, Byju’s đang kết thúc đợt mua sắm kéo dài 2 năm, chi tổng cộng hơn 2 tỉ đô la để mua lại hàng chục chục công ty. Chẳng hạn năm ngoái, Byju’s đã đồng ý mua lại Aakash Educational Services, công ty điều hành hơn 200 trung tâm luyện thi ở Ấn Độ.

Alakh Pandey, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Physics Wallah, kỳ lân edtech mới nhất của Ấn Độ. Ảnh: startupgyani.com.

Kỳ lân Unacademy, được vận hành bởi Công ty Sorting Hat Technologies, là công ty khởi nghiệp edtech lớn thứ 3 thế giới, có mức định giá 6 tỉ đô la. Kỳ lân này cũng đã cắt giảm nhân sự và năm tới, sẽ ngừng tài trợ cho giải bóng chày nhà nghề của Ấn Độ. Unacademy đã mở trung tâm giáo dục ngoại tuyến đầu tiên vào tháng 6 và có kế hoạch mở thêm nhiều trung tâm như vậy.

Kỳ lân Vedantu cũng đã ra mắt trung tâm ngoại giáo dục ngoại tuyến đầu tiên vào tháng 6 ở thị trấn Muzaffarpur thuộc bang Bihar. Nhà cung cấp dịch vụ dạy kèm trực tuyến này đã sa thải hơn 10% lực lượng lao động trong năm nay. Tuy nhiên, Vamsi Krishna, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Vedantu, cho biết công ty đang có lãi và xem biện pháp cắt giảm nhân sự là điều cần thiết vì tăng trưởng sẽ chậm lại.

Ông dự kiến tăng trưởng lượng học viên trả phí sẽ trở lại mức trước năm 2020, tức tăng gấp đôi hoặc hơn hàng năm, từ tốc độ tăng gấp 4 lần hoặc nhanh hơn trong thời kỳ dịch bệnh.

Giới nhà đầu tư cũng trở nên kén chọn hơn nhưng vẫn tiếp tục rót vốn vào lĩnh vực edtech. Physics Wallah, chuyên luyện thi cho học sinh, đã thu hút được 100 triệu đô la vốn đầu tư trong vòng gọi vốn hồi tháng 6 dựa trên mức định giá hơn 1 tỉ đô la. Cùng tháng đó, họ tham gia vào xu hướng hybrid, mở một trung tâm luyện thi ngoại tuyến khổng lồ ở TP. Kota, bang Rajasthan, có thể chứa 10.000 học sinh cùng một lúc.

Nhu cầu cũng mạnh mẽ đối với các nền tảng edtech khác, chẳng hạn như các nền tảng tập trung vào giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo lại kỹ năng cũng như các dịch vụ hỗ trợ giáo dục, hoặc cung cấp các khóa học đang thịnh hành, chẳng hạn như khóa học lập trình cho trẻ em.

Nền tảng giáo dục đại học, upGrad Education, có trụ sở ở TP. Mumbai, đã huy động được 210 triệu đô la vào tháng trước và có kế hoạch mở rộng hơn nữa ra nước ngoài.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới