Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM chuyển đổi Hiệp Phước thành khu công nghiệp sinh thái

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - TPHCM đang thí điểm phát triển khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước thành KCN sinh thái. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng có kế hoạch thí điểm xây dựng thêm một KCN sinh thái, gắn với đổi mới công nghệ.

Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức ngày 15-9 tại TPHCM.

TPHCM đang thí điểm chuyển đổi KCN Hiệp Phước thành KCN sinh thái. Ảnh minh họa: Website KCN Hiệp Phước

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho biết thành phố cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu sinh thái toàn cầu tại TPHCM, trong đó xác định KCN Hiệp Phước sẽ tham gia vào dự án này.

Theo ông Hoan, kết quả của dự án là tiền đề để thành phố nhân rộng, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái.

KCN Hiệp Phước đang được chuyển đổi theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu giai đoạn 2020 - 2023, do Chính phủ Thuỵ Sĩ hỗ trợ. Hiện có 24 doanh nghiệp tại đây đăng ký tham gia chương trình chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, bền vững với môi trường.

Với các khu công nghiệp mới, TPHCM định hướng phát triển theo quy định tại Nghị định 35 của Chính phủ và sẽ thí điểm xây dựng ngay từ đầu một khu công nghiệp sinh thái gắn với đổi mới công nghệ.

Đề cập đến hạ tầng sản xuất công nghiệp, ông Hoan cho biết, sau hơn 30 năm, TPHCM đang có 3 khu chế xuất (KCX), 14 KCN, hiệu quả về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra ban đầu.

Lũy kế đến nay, các KCX, KCN TPHCM đã thu hút được trên 12 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 276.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 8 tỉ đô la, chiếm khoảng 21% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, trừ dầu thô. Các doanh nghiệp trong các KCX, KCN đóng góp ngân sách hàng năm gần 50.000 tỉ đồng.

Cho đến nay, một số KCX, KCN đi được một nửa chặng đường trong thời hạn 50 năm thuê đất của nhà nước. Trong khi đó, thách thức phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi mô hình các KCX, KCN theo hướng hiệu quả hơn.

Trước bối cảnh đó, TPHCM đã xây dựng Đề án "Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2040". Đề án sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái tại TPHCM và cả nước.

TPHCM sẽ chuyển đổi các khu này theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.

Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là hơn 1,8 triệu đô la Mỹ, được triển khai thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng; cụ thể tại các khu công nghiệp: Hiệp Phước, Trà Nóc 1&2, Amata - Biên Hoà, Hoà Khánh và Đình Vũ (Deep C).Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.Trong giai đoạn 2020 - 2023, Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục hỗ trợ 3 khu công nghiệp tại TPHCM, Hải Phòng và Đồng Nai phát triển chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế, là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới