Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu ‘sắp chết’ vì bất cập chính sách

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, nếu chính sách quản lý không được thay đổi, điều chỉnh kịp thời thì chỉ một vài tháng nữa họ sẽ... "chết".

Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, từ đầu năm đến nay họ đã kinh doanh khó khăn do thị trường xăng dầu biến động. Song hai tháng vừa qua tình hình càng trở nên trầm trọng hơn. Nếu kéo dài tình trạng này thì chỉ khoảng một, hai tháng nữa các doanh nghiệp sẽ "chết".

Việc kêu khó như trên được các doanh nghiệp nêu ra tại hội nghị "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu" do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 21-9.

Ảnh minh họa: Lê Vũ

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty dầu khí Sơn Hải, cho biết, từ tháng 7 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp. Có những thời điểm chiết khấu bằng 0 hoặc 50-100 đồng/lít. Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ. Trong khi cơ quan quản lý yêu cầu các cây xăng phải bán hàng, không được phép đóng cửa.

Theo đại diện Công ty Mỹ Bảo, cả nước hiện có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó số cửa hàng do các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 75%. Tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, nơi các doanh nghiệp lớn chưa vươn tới là nơi các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhỏ và vừa đầu tư cửa hàng.

“Điều hành thị trường xăng dầu như hiện nay có thể bóp chết các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa và nhỏ do tư nhân sở hữu. Điều này sẽ làm khó cho mục tiêu của Chính phủ là phấn đấu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp”, đại diện Công ty Mỹ Bảo nhận định.

Kiến nghị chính sách quản lý lĩnh vực xăng dầu, bà Lê Thị Nhã, đại diện Công ty tư nhân bán lẻ xăng dầu Văn Phúc, cho rằng cần bỏ quy định mỗi đại lý xăng xầu chỉ được mua từ một nhà phân phối. Bà Nhã cho rằng quy định này triệt tiêu cạnh tranh và gây khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Bà Nhã cho rằng Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định mỗi cây xăng chỉ được phép mua hàng của một nguồn để dễ dàng quy trách nhiệm cho từng công đoạn trong khâu phân phối là chưa có sức thuyết phục. Bởi bà cho rằng không cần quy định này vẫn có thể quản lý chất lượng xăng dầu.

Cùng với việc kiến nghị trên, bà Nhã đề xuất giải pháp thay thế: bên B mua hàng của bên A, khi bên B đưa phương tiện đến kho của bên A lấy hàng thì hai bên sẽ bàn giao chai mẫu xăng dầu được bơm rót vào phương tiện vận tải của bên B (có ký niêm phong của hai bên). Trong quá trình bán hàng của bên B, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đối chiếu chất lượng hàng tồn trong kho bên B với mẫu xăng dầu đựng trong chai để quy trách nhiệm cho bên B hay bên A.

Trường hợp thứ hai nếu phương tiện chở xăng dầu là của bên A thì chai mẫu xăng dầu được lấy tại phương tiện vận tải của bên A trước khi đổ xuống bể chứa của bên B. Trong quá trình bán hàng của bên B, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đối chiếu chất lượng hàng tồn trong kho bên B với mẫu xăng dầu đựng trong chai để quy trách nhiệm cho bên B hay bên A.

“Nếu giải pháp này được thực hiện thì mỗi đơn vị kinh doanh xăng dầu mua hàng từ một nguồn hay nhiều nguồn vẫn có thể kiểm soát được chất lượng và quy được trách nhiệm cho từng bên”, bà Nhã nói.

Cũng theo bà Nhã, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định mỗi đại lý bán lẻ xăng dầu tại một thời điểm chỉ được mua hàng của một đơn vị cung cấp. Nếu muốn thay đổi nhà cung cấp thì phải đến Sở Công Thương để đổi giấy phép. Mỗi lần thay đổi giấy phép phải làm rất nhiều thủ tục, rất mất thời gian, công sức và tiền bạc của doanh nghiệp. Đồng thời cây xăng sẽ phải ngừng bán hàng một thời gian kể từ khi ký thanh lý với bên bán cũ để chuyển sang bên bán mới.

Việc độc quyền đầu vào cũng làm cho đầu mối luôn chèn ép đại lý về giá, điều kiện giao hàng..., theo bà Nhã, quy định này cần được thay đổi.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng năm 2022 là năm dị biệt nhất trong lịch sử kinh doanh xăng dầu của Việt Nam. Đây cũng là năm đầu tiên mức chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bằng 0.

Chính thời điểm dị biệt này, theo ông Bảo, chính sách quản lý điều hành trong lĩnh vực xăng dầu bộc lộ những bất cập. Ông cho rằng đã đến lúc chính sách cần mở hơn cho doanh nghiệp, cần nới rộng biên độ giá trong quản lý điều hành xăng dầu để đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt.

Kiến nghị về giá bán lẻ xăng dầu, ông Ngô Trung Sơn, Công ty xăng dầu Trung Sơn, cho rằng từ giá cơ sở Nhà nước quy định một mức giá trần trong đó tính đủ các chi phí lưu thông, doanh nghiệp được định giá bán xoay quanh mức giá trần. Như vậy Nhà nước vẫn quản lý tốt và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các đầu mối, người tiêu dùng được hưởng lợi.

Thêm nữa, ông Sơn kiến nghị Chính phủ cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh giá, tối thiểu 3 ngày, kể cả ngày nghỉ (hiện quy định là 10 ngày mới điều chỉnh giá một lần), vì ông cho rằng xăng dầu là nhu cầu thường xuyên, không phân biệt ngày nghỉ.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, ghi nhận những phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến quản lý trong lĩnh vực xăng dầu. Ông cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để hướng đến việc điều chỉnh hài hòa, cân bằng lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới