(KTSG Online) - Trước tình trạng hàng trôi nổi hoặc hàng từ các chợ gắn mác “VietGAP” bán tại các hệ thống phân phối lớn, Cục Quản lý thị trường TPHCM vừa có chỉ đạo khẩn việc kiểm soát rau, củ, quả trên địa bàn TPHCM.
Trong khi đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cũng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan điều tra, xác minh ngay vấn đề rau VietGAP dỏm “biến hình” vào các siêu thị lớn, cửa hàng.
- Chất lượng nguồn rau tại siêu thị: cơ quan chức năng nói đang kiểm tra
- TPHCM đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM ngày 21-9 đã ký công văn khẩn gửi các Đội QLTT yêu cầu rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Cụ thể, Cục trưởng Cục QLTT TPHCM yêu cầu người đứng đầu, người được giao quản lý các Đội QLTT khẩn trương thực hiện rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Đội quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác theo đúng quy định.
Biện pháp này được triển khai ngay sau thông tin báo chí phản ánh về tình trạng nhiều người dân phải trả giá cao để mua "rau an toàn" và “đạt chuẩn VietGAP” tại các siêu thị, nhưng thực tế là số rau này lại được gom ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.
Tương tự, trước thông tin rau VietGAP dỏm “biến hình” vào các siêu thị lớn, cửa hàng, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad, Bộ NN-PTNT) ngày 21-9 cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan điều tra, xác minh ngay vấn đề này.
Cụ thể Nafiqad, có đã công văn gửi Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Sở NN-PTNT các tỉnh, thành trực thuộc trung ương yêu cầu điều tra và xác minh thông tin rau VietGAP dỏm “biến hình” vào siêu thị, cửa hàng.
Công văn đã nhắc lại thông tin báo chí phản ánh một số công ty đã thu gom rau ở chợ đầu mối đưa về đóng gói, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị và cảnh báo hiện tượng vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Để ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm nêu trên, Nafiqad đề nghị các cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng...
Cơ quan này lưu ý kết hợp việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa trong các hoạt động thẩm định, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.
“Tổ chức thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Khi phát hiện vi phạm cần tổ chức điều tra, truy xuất, thu hồi, xử lý hàng hóa vi phạm và các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành”, Nafiqad nhấn mạnh.
Đối với địa bàn TPHCM, Lâm Đồng, Nafiqad đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, Sở NN-PTNT Lâm Đồng tổ chức điều tra, xác minh nội dung thông tin nêu trên đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có trụ sở đóng trên địa bàn quản lý và truy xuất, thu hồi, xử lý vi phạm theo hướng dẫn nêu trên.
Sự việc rau từ chợ "biến hình" thành rau sạch đưa vào siêu thị hoặc sản phẩm nấm từ Trung Quốc được gắn mác VietGAP đưa vào bán ở các hệ thống bán lẻ hiện đại được truyền thông trong nước phản ánh mấy ngày qua khiến nhiều người dân bức xúc. Bởi với họ, rau củ quả bán trong siêu thị, kênh bán lẻ hiện đại là đã được chủ chuỗi hệ thống bán lẻ đó kiểm tra chất lượng về độ an toàn thực phẩm một cách nghiệm ngặt.
Người tiêu dùng chấp nhận bỏ một khoản chi phí cao hơn vì tin tưởng mua rau sạch để bảo vệ sức khỏe nhưng lại mua phải rau lấy từ chợ chưa rõ nguồn gốc và chất lượng không được đảm bảo.
Vụ việc phát hiện rau lấy từ chợ tuồn vào siêu thị trong những ngày gần đây, một số đơn vị như chuỗi siêu thị 3Sạch, chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+… thông báo đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hoá của nhà cung cấp Trình Nhi (Công ty TNHH nông sản Trình Nhi hay còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) ra khỏi quầy kệ bán hàng.
Hay gần nhất là Công ty cổ phần sản xuất thương mại Đông A “hô biến” nông sản Trung Quốc thành nông sản Việt để đưa vào bán tại các siêu thị, trong đó có Bách Hóa Xanh.
Bách Hóa Xanh cho biết họ đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Đông A và yêu cầu nhà cung cấp này phải giải trình về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và quy trình cung ứng. Bách Hóa Xanh cho biết sản phẩm nhập từ Đông A là mặt hàng nấm, không bao gồm các sản phẩm khác.
Bách Hóa Xanh cũng thông tin sẽ rà soát toàn bộ các nhà cung cấp khác để kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn hàng hóa đầu vào của siêu thị.
Đây mới chỉ là “giọt nước” trong biển cả. Mọi thứ gần như không kiểm soát được. Tất cả phải quay về gốc là người sản xuất và người phân phối. Cả hai lĩnh vực này lâu nay bị bỏ ngỏ phần lớn.