(KTSG Online) – Để hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), doanh nghiệp dự án được phép đầu tư hai trạm thu phí, gồm trạm trên quốc lộ 1 và trạm nằm trên tuyến tránh, trong đó, trạm nào hoàn vốn xong sẽ được dỡ bỏ. Doanh nghiệp dự án đã thông tin thêm về cách ghi nhận mức phí cho mỗi trạm để hoàn vốn.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn từ km 1987+560 đến km 2014+000 (BOT Cai Lậy) được chia làm hai hợp phần, gồm hợp phần đầu tư tuyến tránh và hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1.
Theo đó, chi phí đầu tư dự án (có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán) là trên 1.380 tỉ đồng, trong đó, tuyến tránh là 680,77 tỉ đồng, phần tăng cường mặt đường là hơn 379 tỉ đồng, xây trạm thu phí là trên 100 tỉ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 219 tỉ đồng.
Phương án thu phí hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy sẽ được thực hiện thu liên trạm và hợp phần nào hoàn vốn xong sẽ dỡ bỏ trạm đó.
Song song với cách thức hoàn vốn như nêu trên, dự án được Tổng cục đường bộ thực hiện phân luồng xe di chuyển qua khu vực này, trong đó, xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 ghế ngồi trở lên bắt buộc phải đi vào tuyến tránh thay vì đi thẳng trên quốc lộ 1 (trừ những xe trong khu vực nội đô thị xã Cai Lậy được sự cho phép-PV).
Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Trung Duy, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang- doanh nghiệp dự án- cho biết, trường hợp xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 ghế ngồi trở lên di chuyển từ hướng Mỹ Thuận về Mỹ Tho khi đến trạm thu phí trên quốc lộ 1, hệ thống sẽ ghi nhận (tự động qua làn ETC hoặc mua vé thủ công qua làn thu phí hỗn hợp) tại trạm trên quốc lộ 1. Sau đó, nhóm xe loại này sẽ được phân luồng đi vào tuyến tránh và không cần phải chịu phí thêm trên tuyến tránh, nhưng doanh thu sẽ được ghi nhận cho trạm trên tuyến tránh, chứ không phải cho trạm trên quốc lộ 1.
Đối với nhóm xe không bắt buộc phân luồng vào tuyến tránh (xe ô tô con, xe khách dưới 29 ghế ngồi, xe tải dưới 3 trục) di chuyển hướng từ Mỹ Thuận đi Mỹ Tho, khi đến trạm thu phí trên quốc lộ 1, hệ thống cũng ghi nhận tại trạm này. Tuy nhiên, trường hợp xe tiếp tục đi thẳng trên quốc lộ 1, doanh thu sẽ ghi nhận cho trạm trên quốc lộ 1, còn trường hợp nếu xe đi vào tuyến tránh thì không phải trả phí thêm cho trạm trên tuyến tránh, nhưng doanh thu sẽ ghi nhận cho trạm trên tuyến tránh.
Với trường hợp nhóm xe từ 3 trục và 29 ghế ngồi trở lên di chuyển hướng từ Mỹ Tho về Mỹ Thuận, bắt buộc phải vào tuyến tránh. Khi đó, hệ thống sẽ ghi nhận (tự động hoặc thủ công) mức phí và doanh thu sẽ tính cho trạm trên tuyến tránh (sẽ không bị thu phí thêm khi nhóm xe này đi đến trạm trên quốc lộ 1-PV).
Đối với nhóm xe không bắt buộc vào tuyến tránh (xe ô tô con, xe tải dưới 3 trục và xe khách dưới 29 ghế ngồi) di chuyển từ Mỹ Tho về Mỹ Thuận, nếu đi thẳng đến trạm thu phí trên quốc lộ 1, hệ thống sẽ ghi nhận và tính doanh thu cho trạm quốc lộ 1. Tuy nhiên, nếu xe đi vào tuyến tránh, hệ thống sẽ ghi nhận và tính doanh thu cho trạm trên tuyến tránh (xe không phải trả phí thêm cho trạm trên quốc lộ 1).
Theo ông Duy, đối với nhóm xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 ghế ngồi trở lên ở nội đô thị xã Cai Lậy cũng được tính phí như những trường hợp nêu trên. Nhưng nếu xe đi thẳng quốc lộ 1, doanh thu sẽ tính cho trạm thu phí trên quốc lộ 1 (đây là những trường hợp ngoại lệ không bắt buộc phải đi vào tuyến tránh-PV).
Hiện mức phí áp dụng cho trạm trên quốc lộ thấp nhất là 14.000 đồng/xe và cao nhất là 118.000 đồng/xe. Trong khi đó, mức phí trên tuyến tránh thấp nhất là 24.000 đồng/xe và cao nhất là 137.000 đồng/xe.
Đúng 13 giờ ngày 25-9, trạm thu phí trên quốc lộ 1 đã được đưa vào thu phí thử nghiệm. Trong khi đó, trạm trên tuyến tránh vẫn chưa thực hiện thu phí thử nghiệm.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết dự kiến dự án được đưa vào thu phí chính thức từ ngày 7-10 tới.
Liên quan đến những hư hỏng, gây mất an toàn giao thông tại dự án như KTSG Online đã phản ánh, ông Duy cho biết đơn vị này đang thi công sửa chữa để dự án đảm bảo an toàn khi đưa vào thu phí chính thức.
Dưới đây là một số hình ảnh được phóng viên KTSG Online ghi nhận vào chiều 25-9.
Cơ quan quản lý đường bộ đã chọn một phương án không phải là tối ưu, gây xung đột quyền lợi của phương tiện giao thông khi qua tuyến Cai Lậy này với doanh nghiệp đầu tư.
Giải pháp rắc rối.
“Tăng cường” một chút trên quốc lộ 1 đã có sẵn của dân để biện minh cho việc đặt trạm thu phí sai trên đường này.
Tiền “tăng cường”/cải tạo quốc lộ 1 nói trên đáng ra phải lấy từ tiền phí bảo trì đường bộ hàng năm do dân đóng góp.
Cái sai đầu tiên không được sửa cho đúng nên đã, đang và sẽ đẻ ra những cái sai mới.
Đó là hình thức lấy sai này để sửa sai kia. Và dân vẫn là đích đến cho những sai trái mà Bộ GTVT tạo thành.