Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Rút kinh nghiệm ứng phó, khắc phục thiệt hại sau cơn bão Noru

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơn bão số 4 (bão Noru) đã làm hàng loạt nhà cấp bốn bị tốc mái, cây xanh gãy đổ, mạng lưới điện tê liệt kể từ khi cơn bão cấp 12 này đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh miền Trung sáng sớm hôm nay, 28-9. Trong sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão.

Đường phố Đà Nẵng sau khi cơn bão Noru đi qua. Ảnh: Trung Châu

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão Noru đã đi vào đất liền khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14. Do ảnh hưởng bão, các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã có gió mạnh, nhiều nơi có mưa lớn và mưa cũng tiếp tục mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ.

Không có thiệt hại về con người

Theo các báo cáo, tính đến 10 giờ ngày 28-9, có 5 người bị thương ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, sập 3 nhà (Quảng Trị: 2, Thừa Thiên Huế: 1), hư hỏng, tốc mái 157 nhà (lớn nhất ở Quảng Trị 118 nhà). Chìm 3 ghe nhỏ (Đà Nẵng 2, Quảng Nam 1). Có 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam: 4.369, Đà Nẵng: 3.340, Quảng Ngãi: 1.718) và 15 xã bị mất điện (Kon Tum: 09 xã, Gia Lai: 06 xã). Hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp (Quảng Nam: 372, Đà Nẵng: 163). Ngoài ra, tại Trung tâm truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam) bị đổ 01 trụ antenna; 2 đồn biên phòng  ở Quảng Nam bị hư hỏng... Gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai.

Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên cơ sở cập nhật thông tin từ các đơn vị điện lực miền Trung đến thời điểm 7 giờ sáng ngày 28-9 cho thấy, mưa bão đã làm ảnh hưởng đến lưới điện ở một số nơi như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum.

Tổng công suất bị gián đoạn cung cấp điện là 673 MW, chiếm khoảng gần 23% tổng công suất tiêu thụ điện của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC).

Về lưới điện 500 kV, có 05 sự cố đường dây 500 kV trên một số đoạn trong khu vực từ Hà Tĩnh đến Pleiku, trong đó đã khôi phục và đưa vào vận hành trở lại 3 đường dây. Lưới điện 500 kV vẫn giữ được liên kết Bắc - Nam trong bão qua đường dây 500kV mạch 3. Lưới điện 220 kV, có 7 sự cố đường dây 220 kV trên một số đoạn trong khu vực từ Huế đến Quảng Nam, đã khôi phục vận hành 5 đường dây. Lưới điện 110 kV, có 16 sự cố đường dây 110 kV và 10 trạm biến áp 110 kV, đã khôi phục vận hành 2 đường dây 110 kV.

Về tình hình thủy văn các hồ thuỷ điện: hệ thống đập, hồ thủy điện vẫn đang vận hành bình thường. Tình hình mưa sau bão được dự báo còn diễn biến phức tạp và mở rộng nên lưu lượng nước về và mức nước các hồ vẫn tiếp tục được theo dõi chặt chẽ.

Hiện nay, các đơn vị điện lực tại miền Trung đang tập trung nỗ lực khắc phục các sự cố điện do ảnh hưởng bão để khôi phục cung cấp điện trở lại nhanh nhất có thể cho khách hàng. Tuy nhiên, đối với một số khu vực có thể bị ngập lụt do mưa lớn sau bão bắt buộc phải cắt điện chủ động để đảm bảo an toàn.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đã có 10 sân bay ở miền Trung và Tây Nguyên đã phải tạm dừng khai thác từ ngày 27-9. Việc 10 cảng hàng không bị tạm thời đóng cửa do bão số 4, đã dẫn đến hàng trăm chuyến bay nội địa bị hủy và trì hoãn.

Các sân bay bị tạm dừng do bão Noru
Nội dung: Cục Hàng không Việt Nam - Đồ họa: Thanh Dũ

Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Đinh Việt Thắng cho hay, từ 12 giờ trưa ngày 28-9, các sân bay Chu Lai, Buôn Ma Thuột, Liên Khương và Vinh sẽ tiếp tục mở cửa trở lại, khai thác bình thường. Trước đó, sân bay Tuy Hoà và Phù Cát đã hoạt động bình thường sau khi điều kiện thời tiết tốt lên sau bão Noru. Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn các sân bay: Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới và Pleiku vẫn tiếp tục tạm dừng do ảnh hưỡng của bão Noru.

Theo một đại diện của hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết trên báo chí ngày 27-9, đến trưa cùng ngày, tổng số chuyến bay của hãng phải hủy, bay sớm hoặc bay chậm hơn so thời gian dự kiến lên tới 150 chuyến, trong đó có 148 chuyến bay nội địa và 2 chuyến bay quốc tế với tổng số khách gần 14.000 người.

Còn hãng hàng không Vietjet cho hay, thì có 111 chuyến bay đi/đến 10 sân bay tạm đóng cửa do bão bị ảnh hưởng. Một số chuyến bay khác trong ngày từ 27 - 28/9 đến và đi các sân bay trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 4 cũng dự kiến phải điều chỉnh thời gian khai thác. Trong khi đó, Vietravel Airlines cho biết có 14 chuyến bay phải thay đổi/ hủy lịch bay bởi lý do bất khả kháng từ ngày 27 đến 28-9.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã thông báo, tạm dừng chạy tàu SE22 xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 27-9 và tàu SE21 xuất phát ga Đà Nẵng ngày 28-9. Tính đến 16 giờ 30 chiều 27-9, ngành đường sắt đã tạm thời dừng chạy đoạn Huế - Diêu Trì và hủy 2 đôi tàu khách Thống Nhất xuất phát từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn. Ngày 28/9, tạm ngừng chạy đôi tàu SE7/8 xuất phát tại Hà Nội, TPHCM.

Khắc phục thiệt hại sau bão

Sáng 28-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão Noru - một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, đêm 27 và sáng ngày 28-9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây mưa lớn từ 150-300 mm tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum.

Mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bổ vào đất liền vào ban đêm, nhưng nhờ công tác chuẩn bị, ứng phó cuộc khẩn trương, đồng bộ, nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn; trong ngày 27/9/2022 đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn. Vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, đảm bảo an toàn không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ. Tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa,…; hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.

Cho biết đến thời điểm này, chưa có người thiệt mạng do bão là điều đáng mừng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa trong phòng, chống bão. Thủ tướng Chính phủ liên tục có các cuộc họp, ban hành các công điện đề ứng phó bão khi bão còn ở rất xa.

Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa, theo Phó Thủ tướng, ý thức chấp hành của người dân cũng là yếu tố quyết định đến kết quả phòng, chống bão.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp đầy đủ thiệt hại do bão gây ra, báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm khắc phục hậu quả của bão. Đặc biệt, ngay sau cuộc họp, một số công trình như điện, trường học, nhà dân bị tốc mái cần khẩn trương được khôi phục.

Lưu ý tránh tâm lý chủ quan sau bão, ông yêu cầu rà soát các khu vực nguy hiểm như đập tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở cao để bố trí lực lượng ứng trực, không để người dân qua lại khu vực này.

Cũng trong sáng 28-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực tế đoạn kè biển tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và thăm hỏi, động viên người dân đang tránh trú bão tại phường Thuận An, thành phố Huế. Ông đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương hỗ trợ người lợp lại nhà, nhanh chóng thống kê thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Do ảnh hưởng của gió lớn, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang mất điện trên diện rộng tại huyện Nam Đông, A Lưới, một phần phía Đông thành phố Huế, huyện Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Ngành Điện lực tỉnh đang huy động nhân lực và phương tiện khẩn trương khắc phục sự cố để sớm cấp điện sinh hoạt trở lại cho người dân.

Trên nhiều tuyến đường như Quốc lộ 1A, 49B, đường tránh Huế, tỉnh lộ 18, nhiều cây xanh bị đổ, gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho người đi đường. Do đó, từ sớm lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh cùng Công an các đơn vị địa phương đã huy động phương tiện phối hợp các đơn vị chức năng cưa cây đổ và tuần tra tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đi vào những tuyến đường nguy hiểm. Đến nay, một số tuyến đường cơ bản đã được thông tuyến.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện nay lưu lượng nước về hồ Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền, Thượng Nhật đều tăng, các hồ sẽ cắt được đợt lũ này cho vùng hạ du.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, các trạm đo vẫn có gió cấp 7, cấp 8, kèm mưa to nên sáng 28-9, tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn yêu cầu người dân không được ra đường đến khi có thông báo mới để đảm bảo an toàn.

Mưa lớn, nước lũ dâng cao tại Quảng Nam. Ảnh: TTXVN

Các bài học kinh nghiệm

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kết quả ứng phó bão khả quan và tích cực. Đây là điều đáng mừng sau một cơn bão được dự báo rất mạnh, rất nhanh và phức tạp.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, khen ngợi, cảm ơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan khí tượng, thủy văn, quân đội, công an, báo chí truyền thông trong công tác phòng chống cơn bão số 4. Nhờ đó, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và Nhà nước, ông bày tỏ sự chia sẻ với những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại về tài sản.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, địa phương cần khẩn trương đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân, kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại trường ngay trong ngày mai. Tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, khôn để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ.

Các địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, gửi ngay về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, các địa phương sử dụng quỹ phòng chống thiên tai, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để chủ động xử lý, khắc phục các thiệt hại vè tài sản của nhà nước và nhân dân.

Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ về gạo và kinh phí cho các địa phương.

Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan hỗ trợ các địa phương, khẩn trương khắc phục sạt lở tại các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.

EVN và các đơn vị khẩn trương khôi phục hệ thống truyền tài điện. Các công ty cấp thoát nước, môi trường, cây xanh nhanh chóng khắc phục các hậu quả.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành theo sát tình hình, dự báo kịp thời các diễn biến thời tiết, thiên tai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần sẵn sàng hơn, chủ động hơn, phòng hơn chống, phương châm 4 tại chỗ (lấy địa phương và người dân là chính), bảo đảm an toàn khi triển khai các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ (nếu có).

Các đại biểu đã nêu nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, chứng tỏ bám sát, nắm chắc tình hình, tâm huyết và trách nhiệm trong thực hiện công việc. Ông nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão.

Thứ nhất, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm llà yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người.

Thứ hai, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Thứ ba, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm 4 tại chỗ.

Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình tình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Thứ năm, thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp.

Thứ sáu, theo quy luật tự nhiên, miền Trung là nơi thường xuyên có mưa lũ, bão gió vào tháng 9, 10, 11, vì vậy, phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh. Phải ứng phó thiên tai, bão lũ với sự bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, với nội lực, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cả nước với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới