Tin vắn quốc tế ngày 29-5
Phúc Minh
![]() |
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị tàn phá trong động đất và sóng thần. Ảnh: Reuters |
Bão Songda đổ bộ vào Nhật Bản
Bão Songda ngày 29-5 đổ bộ xuống Kyushu, Nhật Bản, và tiếp tục di chuyển theo hướng bắc. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự kiến phía tây và đông Nhật Bản sẽ xuất hiện mưa lớn vào ngày 30-5 và kêu gọi người dân cảnh giác.
Dự kiến, khu vực Fukushima sẽ có gió mạnh và mưa bão. Công ty điện lực Tokyo (Tepco) thừa nhận nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 vẫn chưa sẵn sàng để đón mưa, bão.
Người dân lo lắng mưa lớn có thể khiến chất phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khuếch tán. Kênh truyền hình NHK, Nhật Bản, ngày 29-5 cho biết các công nhân đang xây bao cát xung quanh các tòa nhà có lò phản ứng hạt nhân.
Có phương tiện truyền thông cho biết trước khi đổ bộ vào đất liền, bão Songda đã khiến hàng chục người bị thương tại tỉnh Okinawa, Nhật Bản.
***
Số người chết do lốc xoáy tại Mỹ tăng lên 142 người
Lốc xoáy quét qua thành phố Joplin, bang Missouri, miền trung Mỹ, khiến con số tử vong lên đến 142 người tính đến ngày 29-5.
Ít nhất 100 người tại thành phố 50.000 dân trên vẫn còn mất tích. Nhân viên cứu hộ tiếp tục lục soát đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân.
Trận lốc xoáy quét qua thành phố Joplin có sức gió mạnh hơn 300 km/giờ, làm sập nhà cửa, các tòa nhà cao tầng, phá nát xe và làm gãy cây. Cơ quan khí tượng quốc gia nói trận lốc xoáy trên gây chết người nhiều nhất kể từ năm 1947 tại Mỹ.
***
Hàng không quốc doanh Ấn Độ giảm chuyến do khó khăn nhiên liệu
Ít nhất bốn chuyến bay nội địa và quốc tế của hãng hàng không quốc doanh Air India tại bang Kerala, miền nam Ấn Độ, bị hủy vì các công ty xăng dầu không chịu cung cấp xăng đến khi Air India trả hết nợ.
Trước đó trong tháng, cuộc đình công của các phi công đã buộc Air India hủy hàng ngàn chuyến bay, khiến tình trạng bị mất khách trước các hãng hàng không tư nhân ngày càng nghiêm trọng.
Tháng 3-2011, thị phần của Air India tại Ấn Độ chỉ còn 15%. Năm 2010, Air India bị lỗ 1,5 tỉ đô la Mỹ.
***
Ông Gaddafi từ chối từ chức theo yêu cầu của G8
Chính phủ Libya từ chối lời kêu gọi nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi từ chức của nhóm G8 và nhắc lại chỉ chấp nhận hòa giải của Liên minh châu Phi. Cùng lúc, Libya cũng bác bỏ hòa giải của Nga.
Trước đó, Nga hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đôn đốc ông Gaddafi từ chức.
Các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga và Mỹ kết thúc hai ngày hội nghị thượng đỉnh G8 tại Pháp đã thống nhất ông Gaddafi cần phải từ chức.