Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Không chỉ là chuyện thiếu xăng

Đ.Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngỡ ngàng khi nghe Bộ Công Thương cho rằng, con số trên 100 cửa hàng xăng dầu trong 17.000 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc thiếu xăng là “không phổ biến”. Có vẻ chấp nhận được nếu là người đang sống ở nơi khác. Nhưng với người dân đang sinh sống, làm việc tại TPHCM, thành phố kinh tế trọng điểm và có dân số lớn nhất cả nước, chuyện 121/550 cửa hàng hết xăng, không còn đơn giản.

Nhiều ngày qua, người viết có tham khảo người dân, từ anh bán rau, anh chạy Grab, đến doanh nhân, họ đều cho rằng chuyện giá xăng dầu giảm hay tăng không quan trọng nữa. Điều cần bay giờ là đủ xăng để họ đi lại, làm việc, buôn bán. Xăng thì Bộ Công Thương bảo không thiếu nguồn cung, nhưng tại sao gần 1/4 số cửa hàng ở TPHCM thiếu xăng? Nguyên nhân do đâu?

Ai cũng hiểu, đó không phải lỗi của các cửa hàng bán xăng dầu. Cả tháng trời, các doanh nghiệp, đại lý xăng dầu nhỏ và vừa, càng nhập xăng, càng bán xăng, càng lỗ. Tất nhiên cũng có tình trạng các doanh nghiệp phân phối không chủ động nhập hàng để kinh doanh vì sợ... lỗ, nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối.

Và ai cũng biết, do Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chưa ngồi với nhau để tính các chi phí vào giá thành, trong khi cứ liên tục hạ giá bán chỉ để ổn định bề nổi thị trường. Hiện giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu, dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế. Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh.

Từ đó, theo ý kiến người viết, khi Nhà nước vẫn kiểm soát giá, ở đây không phải kiểm soát mà định luôn giá bán và giữ thế độc quyền cho một số doanh nghiệp đầu mối thì xăng dầu lưu thông không ách tắc khi có những biến động thất thường về giá cả trên thế giới, mới là chuyện lạ.

Việc một số bộ ngành kiểm soát thị trường xăng dầu, để bảo đảm an ninh năng lượng, đúng định hướng nhưng sự chậm thích ứng, không linh hoạt đang gây những ảnh hưởng không nhỏ. Bản thân các Bộ Công thương, Bộ Tài chính cũng khá chậm chạp trước những biến động thế giới, xử lý chưa kịp thời so với nhịp chuyển động của cuộc sống.

Với việc giá xăng tăng vọt, giá các mặt hàng thiết yếu tăng không giảm, rồi nay khi các doanh nghiệp xăng dầu đã kêu cứu nhiều lần, và thực tế gần 1/4 cửa hàng ở TPHCM thiếu xăng trong ngày 10-10, thì an ninh năng lượng có được bảo đảm không?

Trước thực trạng khó khăn trên, để không gián đoạn nguồn cung xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của người dân, được biết Sở Công Thương TPHCM vừa đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu bất kể ngày nghỉ lễ Tết (1); rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu giá của mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận… Đồng thời, rà soát lại các loại thuế, phí nhập khẩu đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành (2).

Bên cạnh đó, việc giữ định mức thuế xăng dầu bất hợp lý và định giá thay cho thị trường như vừa qua, theo người viết, cần nhìn nhận lại. Thị trường nên được vận hành đúng quy luật, bởi chỉ khi lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước hài hòa, sẽ không còn chuyện cửa hàng xăng dầu hết xăng, người dân đổ xô xếp hàng mua xăng, với mỗi lần chỉ được đổ bình 20.000-30.000 đồng.

___

thesaigontimes.vn/kien-nghi-dieu-chinh-gia-xang-dau-dung-chu-ky-bat-ke-ngay-nghi/ (1)

https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-kien-nghi-bo-tai-chinh-ra-soat-tinh-toan-lai-chi-phi-gia-ca-co-so-mat-hang-xang-dau-1491899956 (2)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới