Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Một hiểm họa hiện hữu

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thành(1) năm nay ngoài 40, cao một mét tám mươi sáu, nặng hơn 80 kí. Anh đã từng là một vận động viên thể hình nghiệp dư với những bắp thịt cuồn cuộn và hiện là một vận động viên cầu lông vừa đại diện cơ quan tham dự hội thao toàn ngành. Nghĩa là sức khỏe của anh có thể xếp vào loại rất tốt.

Chiều tối hôm thứ Sáu tuần này, Thành đã có thêm một dịp để tự nhận thấy rằng mình đã không phí hoài những năm tháng bỏ công rèn luyện sức khỏe. Hôm đó, trở về nhà mình ở nội thành Đà Nẵng sau một chuyến công tác, anh chọn đi xe khách thay vì chờ xe cơ quan bởi e rằng trong mưa bão mình sẽ không kịp về nhà trước khi trời tối. Cha mẹ Thành đều đã ngoài 80, sức khỏe cả ông lẫn bà đều kém, cần anh giúp trong sinh hoạt hàng ngày.

Thời tiết rất xấu trong cơn mưa tầm tã dưới ảnh hưởng của cơn bão từ biển Đông gây ngập lụt trong nội thành Đà Nẵng là điều Thành đã biết. Nhưng khi chiếc xe khách chở anh phải dừng lại trên cầu vượt mà không thể đi xa hơn để đưa anh về con đường gần nhà mình như thường lệ, anh có phần bất ngờ. Trước mặt Thành và các hành khách khác trên xe là một vùng nước mênh mông trong đó nhà cửa, đường sá ngập sâu dưới làn nước, chẳng còn nhận ra đâu là mặt đường, đâu là lề đường.

Đám đông lố nhố trên cầu vượt, tiến thoái lưỡng nan. Thành còn cách nhà mình khoảng hai cây số. Khi trời tối dần, anh phải ra quyết định có mạo hiểm lội nước về nhà hay chờ nước rút không biết đến bao giờ. Anh nghĩ mình phải về nhà vì ông bà ở nhà cần anh.

Thật may cho Thành vì anh có trong tay một cây gậy. Trên đầu anh, trời vẫn mưa không ngớt; dưới đất, Thành cẩn thận dò đường bằng gậy, bước từng bước về nhà. Không, nói “bước” có lẽ chưa lột tả được tình cảnh của anh lúc đó vì nước ngập đến ngang thắt lưng người cao một mét tám sáu như Thành. Cuối cùng, sau hơn một tiếng đồng hồ lội nước, anh đã về tới nhà, không gặp sự số nguy hiểm gì. Anh vui đến nỗi quên cả mệt nhọc, thầm cảm ơn sức khỏe và chiều cao của mình. Thật may, vì khu vực của anh bị cúp điện. Nếu không có anh, cũng chẳng biết ông bà phải xoay xở ra sao.

Nhưng trong cơn mưa lớn hôm thứ Sáu do ảnh hưởng của hoàn lưu từ bão Sơn Ca khiến nhiều nơi ở Đà Nẵng ngập sâu dưới nước - một số địa điểm ở quận Liên Chiểu ngập gần hai mét - nhiều người không có sức khỏe, chiều cao và may mắn như Thành. Họ phải chờ lâu hơn để nước rút, có người đến sáng hôm sau mới về được nhà.

Sáng thứ Bảy, chị Ánh, người ngụ tại một quận nội đô Đà Nẵng nói qua điện thoại với người thân ở TPHCM rằng suốt cuộc đời 60 năm cho đến nay, chị chưa từng thấy trận mưa gây ngập lụt như thế này. Còn báo mạng Vnexpress đưa tin sáng thứ Bảy trong cuộc họp khắc phục hậu quả, lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng đó là trận mưa “lịch sử chưa từng xảy ra”(2).

Vâng! Đúng vậy, “chưa từng xảy ra”, nhưng nó đã xảy ra rồi, ngay trước mắt chúng ta!

Nói không ngoa, một lần nữa “nó” nhắc nhở chúng ta rằng hậu quả của biến đổi khí hậu đã đến rất gần, ngay sát phòng ngủ của mình chứ chẳng đâu xa. Cũng nên nhắc lại một lần nữa rằng Việt Nam là một trong số 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong vòng hai thập kỷ vừa qua và là một trong sáu nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu, theo các cơ quan của Liên hiệp quốc.

Không chỉ có Đà Nẵng, các thành phố khắp Việt Nam từ Bắc chí Nam - Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Cần Thơ - đều đã “nếm mùi” biến đổi khí hậu, đặc biệt là qua vấn nạn ngập lụt. Nói một cách hình tượng, chúng ta đang chìm dần xuống biển. Mà cũng chẳng phải “hình tượng” gì cả, trên thực tế chúng ta đang lún xuống so với mực nước biển. Chẳng phải ngập lụt có thể quan sát được trong thành phố ngày một tệ hơn sao?

Thậm chí, theo Climate Central, một tổ chức nghiên cứu khí hậu đặt trụ sở ở New York, Mỹ, TPHCM có nguy cơ bị biển “nuốt mất” vào năm 2050, nghĩa là sau chưa đầy 30 năm nữa(3). Theo tính toán của tổ chức này với số liệu cập nhật, không chỉ TPHCM mà cả một vùng rộng lớn phía nam cũng sẽ biến mất dưới biển vào thời điểm 2050.

Trở lại với bài báo của Vnexpress. Bài báo này cũng dẫn lời những người có trách nhiệm đưa ra ba nguyên nhân gây ra cơn mưa “lịch sử” đó, gồm (i) mưa quá lớn trong thời gian ngắn, (ii) hệ thống thoát nước quá tải, và (iii) đô thị hóa quá mức làm giảm diện tích cây xanh. Nếu những gì được đề cập bên trên là chính xác, thì chỉ trừ nguyên nhân đầu tiên, hai nguyên nhân sau do chính chúng ta gây ra và, về nguyên tắc, hoàn toàn có thể tránh được. Nó khác đi, thiên tai thì một, nhưng “nhân tai” lại gấp đôi!

Biến đổi khí hậu là một hiểm họa hiện hữu rất nguy hiểm. Nguy cơ này cần nhận được sự chú ý đích đáng thực sự và những biện pháp hữu hiệu trên bình diện quốc gia. Các số liệu tăng trưởng kinh tế sẽ không còn ý nghĩa gì một khi chúng ta bị chìm xuống biển.

Trong ngữ cảnh này, từ nay trở đi, nên chăng các báo cáo tổng kết kinh tế hàng năm phải bao gồm cả kết quả của các mục tiêu và biện pháp chống biến đổi khí hậu được thực hiện trong năm?

-------------

(1) Tên các nhân vật trong bài này đã được thay đổi

(2) https://vnexpress.net/vi-sao-da-nang-ngap-chua-tung-thay-4523918.html

(3) https://vnexpress.net/tp-hcm-co-the-bien-mat-trong-nuoc-bien-vao-2050-4005115.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Thiên tai là sự lập trình có sẵn của tự nhiên, không thể thay đổi theo ý chủ quan. Còn nhân tai thì biến chuyển khôn lường, bởi lòng dạ con người cũng rất vô cùng. Chỉ riêng câu chuyện biến đổi khí hậu không thôi đã phát sinh biết bao mâu thuẫn gay gắt vì những xung đột lợi ích quốc tế/ quốc gia/ tập đoàn… Chỉ cần một cuộc chiến giữa Nga-Ucraina thôi thì thế giới gần như thay đổi quan điểm 100% so với những gì đã cam kết trước đó. Như vậy sự khác biệt lớn nhất giữa thiên tai và nhân tai đó là tự nhiên luôn vận động theo quy luật nhân quả, còn nhân tai vận động bất chấp mọi hậu quả xảy ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới