Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gian nan gia nhập chuỗi phân phối của nhà bán lẻ toàn cầu

Hùng Lê

-

(KTSG Online) - Tăng cường xuất khẩu thông qua các hệ thống phân phối lớn là giải pháp hữu hiệu giúp cho doanh nghiệp từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, việc đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ ở các nước trên thế giới là một hành trình gian nan và đầy khó khăn.

Bên cạnh sự quyết tâm theo đuổi mục tiêu và có chiến lược rõ ràng, các nhà cung cấp Việt Nam còn phải nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua hàng loạt rào cản kỹ thuật lẫn các hệ thống giám sát tiêu chuẩn, chất lượng nghiêm ngặt.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời (LTG), cách đây 2 năm, Lộc Trời là đơn vị xuất khẩu gạo đầu tiên vào châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhưng đây là lần đầu tiên gạo Lộc Trời lên kệ các siêu thị tại Pháp.

Để đưa được sản phẩm gạo dưới thương hiệu Việt vào hai hệ thống siêu thị ở Pháp vào tháng 9 vừa qua, ngay từ năm 2016, Tập đoàn Lộc Trời đã chuyển đổi hoạt động trồng trọt, chế biến và đóng gói, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.

Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng vốn là những thị trường khó tính với những yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Theo đó, LTG phải quy hoạch lại vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và quan trọng hơn là đã áp dụng thành công mô hình sản xuất bền vững, canh tác không phát thải carbon, ưu tiên bảo vệ con người và môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Quá trình từ xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch cho tới thương thảo hợp đồng và chính thức lên kệ tại Pháp kéo dài gần 2 năm, với sự đồng hành của Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Đại sứ Việt Nam tại Pháp và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp Việt Nam.

"Sau hai năm doanh nghiệp đã đạt được sự tin cậy tín nhiệm của các nhà phân phối và bán lẻ để có thể trực tiếp đưa sản phẩm lên kệ hàng các siêu thị tại Paris. Đây là một thành công và cũng là sự ghi nhận công sức của bà con nông dân Việt Nam, đã sản xuất và xuất khẩu được loại gạo vừa ngon, vừa đạt chất lượng của châu Âu", ông Thuận chia sẻ.

Hoạt động này cũng có tác động định hướng tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo tiền đề cho cho các doanh nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa, có giá trị gia tăng và xây dựng kế hoạch phát triển bền vững.

Lô gạo thương hiệu “Cơm Rice Viet Nam Rice” xuất vào hàng ngàn siêu thị và cửa hàng ở Pháp vào tháng 9 vừa qua là dòng gạo thơm dẻo, được sản xuất từ giống lúa Jasmine 85.

Sau thành công bước đầu này, Tổng giám đốc LTG cho biết, công ty có thêm động lực để cố gắng tạo ra nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam mang đến cho bà con kiều bào và người tiêu dùng quốc tế.

Còn theo bà Võ Thị Thu, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chuối Laba Banana Đạ K’Nàng, chuối laba được bán ở một số chuỗi siêu thị Nhật Bản, một trong những thị trường "khó tính" hàng đầu thế giới, đã giúp các nhà nhập khẩu các nước khác trên thế giới tin tưởng tìm đến Laba Banana Đạ K’Nàng.

Tuy nhiên, để đạt được chuẩn xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ của xứ sở hoa anh đào, theo bà Thu là một quá trình dài mà toàn thể ban lãnh đạo và người lao động của HTX phải chấp nhận thay đổi, cải tiến và nỗ lực không ngừng nghỉ để thực hiện theo yêu cầu của phía đối tác nhập khẩu trong hơn 2 năm.

Đó là đều đặn mỗi tháng các chuyên gia kỹ thuật của Nhật Bản đều đến tận vườn hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây. Họ có những yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cho phép sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và phải đảm bảo thời gian phun cách ly để thuốc phân giải hết trước khi thu hoạch. Về hình thức, vỏ phải trơn láng, trọng lượng quả vừa phải… do đó phải thực hiện kỹ thuật bao buồng chuối trong vườn bằng túi nylon để tránh bị côn trùng chích hoặc bị sém nắng làm nám da,…

Đáng chú ý, việc gắn con chíp điện tử vào mỗi bụi chuối để theo dõi “sức khỏe” và độ tăng trưởng của cây chuối do phía đối tác Nhật Bản hỗ trợ nhằm nắm bắt các thông số về quy trình sản xuất lẫn chất lượng sản phẩm diễn ra xuyên suốt cho đến nay.

Khó khăn và thách thức là vậy, nhưng khi đã đạt được các tiêu chuẩn thì cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu rất lớn. Bà Thu cho biết từ 50 héc ta cho lô hàng xuất khẩu ban đầu của 5 năm trước, giờ đây HTX của bà đã tăng diện tích trồng chuối lên hơn 235 héc ta và mục tiêu đặt ra là lên 1.000 héc ta.

Trong khi đó, có hàng loạt khó khăn khác mà theo các doanh nghiệp việc đưa được hàng hóa vào các siêu thị ngoại là cả một quá trình.

Chia sẻ của một doanh nghiệp chế biến thực phẩm khi tiếp cận với chuỗi bán lẻ Aeon nói riêng và các chuỗi siêu thị khác nói chung, doanh nghiệp này bắt đầu từ khi hình thành ý tưởng, làm sản phẩm gì và bán cho ai.

"Sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng đang cần mà còn đòi hỏi phải có đặc điểm nổi trội hơn các sản phẩm đang bán trong siêu thị. Đây là cơ sở để để thuyết phục các chuỗi siêu thị nhận sản phẩm doanh nghiệp này bán", ông chủ doanh nghiệp chia sẻ, và khẳng định: "Nếu không thì cánh cửa vào rất hẹp". Tiếp theo là chuẩn bị hồ sơ thật đầy đủ và chi tiết. Kế đến là bao bỉ mẫu mã đẹp và bắt mắt. Cuối cùng là kế hoạch đẩy hàng nếu được nhận.

Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ nước ngoài rồi nhưng chưa chắc việc kinh doanh thuận lợi.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó giám đốc Viet Pepper, cho biết sản phẩm gia vị dưới thương hiện của công ty là Vipep đã được xuất khẩu trực tiếp vào các chuỗi siêu thị ở Thái Lan được hơn năm qua, nhưng tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi.

"Là thương hiệu mới, sản phẩm Vipep phải cạnh tranh hàng loạt sản phẩm tương tự có mặt sớm hơn tại xứ chùa vàng vốn đã được người tiêu dùng nước này tin tưởng sử dụng trong nhiều năm qua", bà Thương nói, và cho biết: "Các đối thủ của Viet Pepper còn có sẵn đội ngũ quản lý và tiếp thị để sản phẩm vào trong tầm mắt và gần với người tiêu dùng nhất; trong khi các sản phẩm Vipep thì ngược lại".

Bà Thương cho rằng thị trường Thái Lan còn quá mới và chưa đủ lớn lớn để Viet Pepper có thể tự đầu tư một đội ngũ quản lý, tiếp thị thường xuyên tại chỗ nhằm "chăm sóc" và xúc tiến bán sản phẩm của công ty. Do đó việc kinh doanh tại các hệ thống bán hàng này cũng rất chậm.

Còn phía đại diện các cơ quan tham tán thương mại Việt Nam ở các nước, cho biết các cơ quan này đã nỗ lực để kết nối doanh nghiệp Việt với các chuỗi bán lẻ lớn ở các nước nhằm đưa sản phẩm vào kinh doanh. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt Nam tự ti không đủ sức cung ứng sản phẩm, đồng thời lo ngại khi hàng bán tiêu thụ tốt sẽ thua lỗ nên không hợp tác với nhà bán lẻ các nước.

Thực tế cũng cho thấy, dù hệ thống siêu thị quốc tế là cánh cửa cho hàng Việt thâm nhập thị trường nước sở tại, nhưng để làm được điều này không hề dễ bởi doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của đơn vị bán lẻ.

Đại diện Aeon cho biết, từ năm 2018 tập đoàn đã hướng dẫn cho hàng trăm nhà cung ứng, song ngay từ giai đoạn này nhiều doanh nghiệp không thể đi tiếp vì năng lực, khả năng sản xuất thiếu ổn định, đặc biệt có sự chênh lệch lớn trong suy nghĩ về quản lý chất lượng với doanh nghiệp bán lẻ.

Ông Kazaoka Takao, Phó tổng giám đốc, phụ trách khối thu mua của Aeon Việt Nam, cho rằng điểm yếu của doanh nghiệp Việt là mức độ tuân thủ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhà máy.

Làm việc với các nhà cung cấp Việt Nam thời gian qua, ông Kazaoka Takao cho biết nhiều mặt hàng cùng chủng loại khi nhìn thành phẩm thì chất lượng có vẻ như nhau, nhưng khâu vệ sinh hay mức độ tuân thủ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhà máy thì không hẳn vậy. Đây là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt.

“Chúng tôi có bộ phận thu mua và kiểm định chất lượng kiểm tra thực tế với các nhà cung cấp. Nếu các nhà cung cấp chưa đạt chất lượng, bộ phận thu mua tiếp tục làm việc để cùng nhau cải thiện và có thể đạt các tiêu chuẩn mà hệ thống đưa ra, không lặp lại các hạn chế cũ", ông Kazaoka Takao nói, tuy nhiên ông cho rằng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Còn theo đại diện các chuỗi bán lẻ nước ngoài khác, quá trình kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt cho thấy, một số doanh nghiệp chưa thẳng thắn nhìn nhận sản phẩm mình chưa tốt, nên cương quyết không thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá bán.

Đơn cử như với mặt hàng dệt may, các nhà bán lẻ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu đã hướng dẫn kỹ thuật cho các nhà máy dệt may Việt Nam về chất lượng, giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, sản xuất an toàn không tác động đến môi trường... Nhưng một số công ty không chấp nhận việc phải đáp ứng yêu cầu của thị trường nước ngoài hoặc không cải tiến được nên họ không hợp tác thực hiện.

Một số doanh nghiệp sản xuất nội thất mong muốn trở thành nhà cung ứng hàng hóa, nhưng sản lượng không nhiều, tính chuyên nghiệp hóa không cao nên đơn vị này không thể là nhà cung ứng hàng hóa cho siêu thị.

Để đưa hàng Việt Nam tới các siêu thị quốc tế, doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ theo hướng đáp ứng các quy định về chất lượng, quy trình sản xuất…

Ảnh: MH

Mặt khác, để trở thành nhà cung ứng trong các kênh phân phối đa quốc gia, doanh nghiệp phải đáp ứng, duy trì các tiêu chuẩn đã cam kết từ đầu trong suốt quá trình cung ứng. Đồng thời phải xác định chính xác phân khúc thị trường, thị hiếu khách hàng để có sản phẩm phù hợp... Tuy nhiên, khâu sản xuất ổn định chất lượng và nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng vốn được cho là còn yếu đói với phần lớn doanh nghiệp trong nước.

Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt khó vào được các siêu thị của nước sở tại còn do các quy định khắt khe về chất lượng, yêu cầu nguồn cung ổn định bên cạnh các điều khoản thanh toán trả chậm làm khó các nhà xuất khẩu.

Ngoài những doanh nghiệp lớn đảm bảo tiêu chí, phần lớn những doanh nghiệp nhỏ và vừa còn lại vẫn thiếu tính chuyên nghiệp nên khó vào hệ thống bán lẻ nước ngoài. Do vậy, để có thể đưa hàng vào hệ thống siêu thị hiện đại nói chung, các doanh nghiệp sản xuất hàng hàng hóa cần nâng cao tính chuyên nghiệp, có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu khắt khe từ phía nhà nước nhằm tránh mất thời gian, công sức trong quá trình triển khai.

Nội dung: Lê Hoàng - Hình ảnh: MH - Trình bày: Thu Trang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây