(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa quyết định tăng biên độ tỷ giá giao ngay từ mức 3% lên 5%. Quyết định này có hiệu lực từ hôm nay (17-10).
NHNN vừa ban hành Quyết định 1747 quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép. Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa tiền đồng và đô la Mỹ được điều chỉnh từ mức 3% lên 5%, đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại có không gian rộng hơn để điều chỉnh giá bán đô la.
Song song với việc điều chỉnh biên độ, trong sáng nay, NHNN cũng tăng giá bán đô la tại Sở giao dịch lên mức 24.380 đồng/đô la, từ mức 23.935 (tăng lên hồi ngày 30-9).
Sáng nay (17-10), tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.586 đồng/đô la còn tỷ giá niêm yết tại Vietcombank là 24.290 đồng/đô la, tăng khoảng 60 đồng so với cuối tuần trước.
Theo NHNN, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều Ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột giữa Nga-Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Động thái tăng biên độ này được NHNN cho là để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới.
“NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường”, trích văn bản của NHNN.
Tăng biên độ cũng có nghĩa là tăng áp lực phá giá lên đồng VN. Trước mắt đây là giải pháp bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa sử dụng và dự trữ ngoại tệ mạnh cũng là một giải pháp quan trọng cần tính đến trong hoạt động điều hành. Về mặt lý thuyết, ta đang đi theo hướng “phi USD” trong nền kinh tế. Nhưng thực tế tâm lý phụ thuộc vào USD lại không giảm bớt bao nhiêu, kể cả trong rổ dự trữ, trong cách thức điều hành, trong cả cách tiêu xài… Nếu cứ như vậy thì thay vì hướng tới “đa cực” ta lại bảo vệ sự “đơn cực”, có tính độc tôn. Đây chính là nguy cơ về lâu về dài cho sự tự chủ của chính sách tiền tệ và tỷ giá.
Trả lời tới Giang Sơn: văn chương bác hay quá!
Văn bác ấy hay quá, đọc hiểu nôm na là tiền đồng lại mất giá