Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội để lao động Việt sang làm việc ở Đức và châu Phi

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lao động có thể tìm kiếm việc làm tại Đức dựa trên hệ thống điểm tập hợp các tiêu chí thông qua “thẻ cơ hội”. Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng chấp thuận cho 8 doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc ở 4 quốc gia châu Phi. Đây là cơ hội cho lao động Việt Nam mong muốn làm việc ngoài nước.

Lao động làm việc tại một nhà máy ở Herten, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo thông tin từ TTXVN, Chính phủ Đức đang xem xét những điều chỉnh trong hệ thống nhập cư. Trong đó, các chính sách cải cách được cân nhắc bao gồm “thẻ cơ hội”. Điều này cho phép lao động tìm kiếm việc làm tại Đức dựa trên hệ thống điểm tập hợp các tiêu chí như kỹ năng ngôn ngữ, kinh nghiệm chuyên môn... Dự kiến sẽ đưa ra đề xuất cải cách vào giữa tháng 11 tới.

Những chính sách cải cách dự kiến một phần tạo thuận lợi cho quá trình công nhận người nước ngoài có trình độ chuyên môn, giúp họ có được thời gian cư trú dài hạn hơn khi có việc làm. Đồng thời, loại bỏ các rào cản trong việc tuyển dụng dài hạn đối với những người trí thức.

Một nghiên cứu của Bộ Lao động Đức ước tính vào năm 2026, nước này sẽ cần 240.000 lao động lành nghề để có thể đáp ứng nhu cầu về vị trí việc làm. Ngoài ra, để nhanh chóng thực hiện được mục tiêu, Đức dự kiến sẽ mở rộng việc tổ chức các khóa học ngôn ngữ, đồng thời xem xét mức phí phải chăng.

Thị trường xuất khẩu lao động sang châu Phi cũng dần ổn định. Trong đó, theo Báo Chính phủ thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận cho 8 doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc ở 4 quốc gia châu Phi. Các ngành, nghề tuyển dụng bao gồm xây dựng, thợ hàn, thợ điện, đốc công, thuyền viên.

Cụ thể, lao động Việt có cơ hội làm việc tại Algeria, Cộng hòa Djibouti, Cameroon và Cộng hòa Seychelles. Theo đó, người lao động cần trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hợp đồng được Cục thẩm định cho phép tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp có đăng ký hợp đồng cung ứng lao động được chấp thuận gồm: Công ty Cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex-VINACONEXMEC; Công ty cổ phần phát triển nhân lực và Thương mại Việt Nam-VINAMEX; Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Vinacom Việt Nam-VINACOM; Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long-Thăng Long OSC; Công ty Cổ phần phát triển và xúc tiến thương mại Việt Nam-HR VINA; Công ty Cổ phần quốc tế VXT;  Công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực và dịch vụ VN Steel-VMSC; Công ty cổ phần vận tải và đầu tư thương mại An Thái-ATACOO.

Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài, người lao động cần làm thủ tục đăng ký hợp đồng tại Sở LĐTB&XH tại địa phương nơi cư trú để bảo đảm hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động.

Theo TTXVN, Báo Chính phủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới