(KTSG) - Báo cáo mới nhất của hãng tư vấn Mackenzie cho thấy công suất thu giữ, sử dụng và lưu trữ khí carbon (CCUS) trên toàn cầu đã đạt 905 triệu tấn mỗi năm.
Khí thải từ các nhà máy được thu giữ và lưu trữ sâu trong lòng đất, sau đó sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như nông, lâm nghiệp hay chế tạo nguyên vật liệu.
Việc nghiên cứu và phát triển công nghệ CCUS đang tăng tốc mạnh mẽ với các thiết bị ngày càng nhỏ gọn hơn, đáp ứng nhu cầu giảm thiểu phát thải của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó là mâu thuẫn trên thị trường tín dụng carbon ở nước nghèo và hỗ trợ tín dụng ở nước giàu.
Mỹ và châu Âu dẫn dắt thị trường
Báo cáo công bố về thị trường CCUS trong quí 2-2022 của Wood Mackenzie nói Bắc Mỹ và châu Âu là điểm nóng của thị trường toàn cầu. Bắc Mỹ hiện chiếm hơn hai phần ba năng lực “bẫy” khí carbon của thế giới, với các hoạt động chủ yếu tập trung ở Alberta, khu vực ven biển vùng vịnh, và miền Trung Tây nước Mỹ.
Đã có một số bước tiến trong việc cấp phép lưu trữ carbon địa chất trong quí 2 với số giấy phép gia tăng ở Na Uy, Nga và Úc... Trong khi đó, Vương quốc Anh đã mở vòng cấp phép lưu trữ carbon đầu tiên, mời thầu cho 13 vùng ven biển các khu vực từ Bắc Scotland đến Lincolnshire. Số giấy phép này sẽ góp phần đáng kể vào mục tiêu lưu trữ 20-30 triệu tấn CO2 của nước Anh vào năm 2030.
Wood Mackenzie cho rằng thị phần của Bắc Mỹ trên bản đồ CCUS toàn cầu sẽ giảm xuống khoảng 50% vào năm 2030, trong khi các dự án ở Trung Âu lại mở rộng quy mô. Mặt khác, Trung Quốc và Đông Nam Á được dự đoán là có nhu cầu cao nhất về thu giữ khí thải trong 20 năm nữa. Nhưng các nước trong khu vực cần ban hành các chính sách và quy định bổ sung cho bước phát triển mới.
Đáng ngạc nhiên là quốc gia nhỏ và nghèo nhất Đông Nam Á là Timor Leste lại đi đầu trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Timor Leste lọt vào tốp 10 các nước đứng đầu về thu giữ khí thải và là nước châu Á thứ hai bên cạnh Trung Quốc trong danh sách này.
Sự phát triển của thu giữ khí carbon trong thời gian qua được coi là những bước tiến dài. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), số nơi lắp ráp các máy thu giữ khí thải thương mại đạt 195 trên toàn thế giới trong năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2020 và tăng bốn lần kể từ năm 2017. Chỉ trong quí 2-2022, theo dữ liệu của Wood Mackenzie, hơn 50 dự án thu giữ khí carbon mới đã được công bố.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hiệp quốc cho biết việc triển khai công nghệ thu giữ carbon nhằm giảm thiểu lượng khí thải là “không thể tránh khỏi” nếu thế giới muốn đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Cơ quan Năng lượng quốc tế nói, quá trình thu giữ, lưu trữ và sử dụng khí thải có thể giảm tới 15% lượng khí carbon từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu. Đây là phương thức hiệu quả thứ ba sau việc sử dụng hiệu quả năng lượng (40%) và phát triển năng lượng tái tạo (35%).
Đòn bẩy tài chính
Các nhà phân tích tin rằng các mục tiêu khí hậu và chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ từ các chính phủ đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho thị trường CCUS.
Đạo luật 45Q, bao gồm các khoản tín dụng thuế ưu đãi được áp dụng cho hầu hết các dự án CCUS ở Mỹ. Đạo luật này thúc đẩy quá trình thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) và quá trình thu giữ và sử dụng (CCU) bằng các hỗ trợ tín dụng đến 50 đô la/tấn CO2 lưu trữ dưới đất và được tái sử dụng và 35 đô la/tấn CO2 cho quá trình tăng cường thu hồi dầu.
Đạo luật giảm lạm phát (IRA) được Quốc hội Mỹ thông qua trong tháng 8-2022 dự kiến sẽ khuyến khích doanh nghiệp Mỹ mở rộng năng lực CCUS. Các khoản tín dụng thuế 45Q đối với lưu trữ trong lòng đất được nâng lên 85 đô la/tấn khí thải và áp dụng cho các dự án được khởi động trước năm 2033. Riêng với các dự án thu khí thải trực tiếp, khoản tín dụng này lên đến 180 đô la. Đạo luật mới khuyến khích phát triển các dự án quy mô nhỏ, thu hút nhiều hơn các ngành công nghiệp tham gia và đầu tư.
Nhưng các nước nghèo hơn không thể “chơi sang” như Mỹ. Bởi các nước chỉ có thể đưa ra mức phí 5 đô la mỗi tấn CO2 được trao đổi trên thị trường tín chỉ carbon rừng. So với các mức hỗ trợ tín dụng thuế ở Mỹ, con số này quá thấp. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhấn mạnh rằng các nước cần phải lưu ý các mức giá trên thị trường tín dụng carbon đang dần hình thành.
Tuy vậy, các hỗ trợ tài chính là khuyến khích rất quan trọng để doanh nghiệp vượt rào cản chi phí. Wood Mackenzie cho rằng hiện chi phí thu giữ carbon trong các ngành công nghiệp năng lượng, hóa dầu và xi măng đắt gấp hai lần so với ngành khác.
Nhà nghiên cứu cấp cao Lucy King của Wood Mackenzie nói rằng châu Á chậm trễ trong việc triển khai các thiết bị CCUS do “thiếu chính sách và quy định trên toàn khu vực” mặc dù đây là khu vực có nhu cầu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, châu Á đang có những bước khởi động đầu tiên. Năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một nền tảng để hợp tác khu vực và thúc đẩy công nghệ, chẳng hạn như chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong sử dụng CCUS.
Ở Đông Nam Á, theo Global CCS Institute, các dự án thu giữ carbon thương mại đầu tiên đã được công bố ở Malaysia và Indonesia vào năm ngoái. Tập đoàn dầu khí quốc doanh Pertamina của Indonesia đang liên kết với các công ty khu vực và thế giới để đẩy mạnh công cuộc phát triển thiết bị thu giữ CO2.
Nhật Bản tiên phong với thiết bị nhỏ gọn
Hãng Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản đang chuẩn bị tung ra một dòng thiết bị thu giữ khí thải carbon tinh gọn, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp vừa.
Quy mô và chi phí của các hệ thống CCUS khá lớn, chỉ các tập đoàn dầu khí lớn, các hãng thép và những ngành công nghiệp đang gặp áp lực phải giảm thiểu phát thải mới có khả năng và chịu chi trả.
Thiết bị nhỏ nhất trong dòng sản phẩm của công ty dự kiến sẽ được đưa ra thị trường trong năm tới. Thiết bị đầu tiên đã được lắp đặt trên diện tích 10 mét vuông chỉ trong hai ngày tại một nhà máy điện sinh khối ở Hiroshima và dự kiến sẽ hoạt động từ tháng 6-2023.
Thiết bị này sẽ thu giữ và xử lý khí thải từ quá trình đốt gỗ vụn của nhà máy, với khối lượng 300 ký CO2 mỗi ngày, tương đương khoảng 0,3% tổng lượng khí thải toàn nhà máy. Khí CO2 sau đó được dẫn đến hai nhà màng trong nhà máy nhằm giúp cà chua và dâu tây tăng trưởng tốt hơn.
Taihei Dengyo, công ty xây dựng và vận hành nhà máy điện, cho biết lượng carbon thu giữ nhỏ hơn sẽ dễ xử lý hơn và có thể được sử dụng hết trong các ứng dụng nông nghiệp hoặc lâm nghiệp. Nhưng khi lượng khí lớn hơn, doanh nghiệp cần phải lắp đặt các thiết bị lưu trữ tốn kém. Chủ tịch Jo Nojiri của Taihei Dengyo thừa nhận đầu tư vào dự án kiểu này sẽ không chắc tạo ra lợi nhuận ngay lập tức. Ông cũng không tiết lộ chi phí xây dựng.
Trong khi đó, Mitsubishi Heavy cho biết mối quan tâm đến việc thu giữ carbon ngày càng tăng, vượt ra ngoài tệp khách hàng thông thường của tập đoàn, nhất là trong các lĩnh vực khó giảm lượng khí thải do rào cản về công nghệ và chi phí. Khách quan tâm còn là những người lo ngại về hình ảnh của công ty khi các nhận thức về bảo vệ môi trường gia tăng.
Tập đoàn đã cung cấp hệ thống thu giữ carbon lớn hơn cho 13 dự án trên khắp thế giới, dự án lớn nhất hút khoảng 4.700 tấn khí thải mỗi ngày. Mitsubishi Heavy cho biết các thiết bị của họ hiện chiếm 70% tổng lượng khí thải được thu giữ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những hệ thống như vậy được sản xuất theo đơn đặt hàng, tốn kém và cần từ ba đến bốn năm để lắp đặt.
Ngược lại, năm loại thiết bị nhỏ gọn của Mitsubishi Heavy sẽ được chế tạo sẵn, sản xuất hàng loạt và dễ dàng vận chuyển và lắp đặt. Điều này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian giao hàng và đạt được khả năng cạnh tranh về chi phí với các đơn vị nhỏ gọn khác - Chủ tịch kiêm CEO Kenji Terasawa nói.
Những nơi có thể lắp đặt thiết bị bao gồm tàu thuyền, nhà máy đốt rác và nhà máy điện chạy bằng khí đốt.
Nguồn: Nikkei Asia và Wood MacKenzie