Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

IMF: Châu Á tổn thất lớn nhất nếu thương mại toàn cầu bị phân mảnh

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Châu Á-Thái Bình Dương có nhiều thứ để mất hơn bất kỳ khu vực nào khác nếu hệ thống thương mại toàn cầu bị chia cắt trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị dâng cao, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo trong một nghiên cứu công bố hôm 28-10.

Trụ sở của IMF ở Washington D.C., Mỹ. Ảnh: Central Banking

Theo IMF, các nước châu Á- Thái Bình Dương có thể mất 3% GDP nếu thương mại bị chia cắt ở những ngành mà gần đây bị ảnh hưởng bởi quyết định của Mỹ về việc hạn chế xuất khẩu công nghệ chip cao cấp sang Trung Quốc cũng như các rào cản phi thuế quan trong các lĩnh vực khác đang tăng lên mức tương đương với kỷ nguyên Chiến tranh lạnh. Con số đó cao gấp đôi so với mức tổn thất GDP toàn cầu trong một kịch bản như vậy.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Singapore hôm 28-10, Krishna Srinivasan, Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của IMF, cảnh báo sự gia tăng bất ổn thương mại và các biện pháp hạn chế thương mại rút cục sẽ làm phân mảnh hệ thống thương mại toàn cầu.

Ông nói: “Châu Á đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trong một thế giới phân mảnh, khu vực này có nguy cơ mất mát nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác”.

IMF cho biết nếu kinh tế thế giới bị phân mảnh, nhiều ngành công nghiệp ở các nước châu Á sẽ bị thu hẹp vì sự suy giảm của thương mại toàn cầu có thể gây mất mát cho việc làm trên toàn khu vực trung bình lên tới 7%.

Các dấu hiệu của sự phân mảnh thương mại toàn cầu đã xuất hiện trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2018. Nhưng những dấu hiệu đáng lo ngại hơn từ các biến cố chính trị khác, chẳng hạn như cuộc chiến Nga-Ukraine, đã xuất hiện. IMF cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga thậm chí còn gây bất ổn hơn nữa cho các mối quan hệ thương mại.

Theo IMF, ngoài các biện pháp trừng phạt, tình trạng không chắc chắn về chính sách thương mại cũng có thể cản trở hoạt động kinh tế khi các công ty tạm dừng tuyển dụng và đầu tư đồng thời các công ty mới trì hoãn gia nhập thị trường.

Ví dụ, IMF nhận thấy căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trong năm 2018 đã làm giảm các khoản đầu tư trên toàn cầu khoảng 3,5% trong hai năm sau đó.

Tác động của tình trạng chia cắt thương mại sẽ lớn hơn đối với các thị trường mới nổi ở châu Á và đối với các doanh nghiệp có mức nợ cao. Nợ doanh nghiệp đã tăng đáng kể ở châu Á kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và tăng cao hơn nữa sau đại dịch Covid-19. Do đó, tình trạng không chắc chắn trong chính sách thương mại cao hơn có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho khu vực.

IMF cảnh báo ngoài rủi ro phân mảnh thương mại, các căng thẳng địa chính trị còn có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn, chẳng hạn như nguy cơ các mối quan hệ tài chính bị tách rời.

IMF cho biết: “Sự phân mảnh tài chính có thể dẫn đến các chi phí ngắn hạn do giới đầu tư nhanh chóng thoát ra khỏi các vị thế tài chính, cũng như chi phí dài hạn do mức độ đa dạng hóa đầu tư thấp hơn và năng suất tăng chậm hơn do đầu tư trực tiếp nước ngoài suy giảm”.

IMF kêu gọi các quốc gia hủy bỏ các hạn chế thương mại gây tổn hại và giảm tình trạng không chắc chắn thông qua việc truyền đạt rõ ràng hơn về các mục tiêu chính sách. “Các nước có thể cần chú trọng hơn vào chuyển đổi số, đầu tư vào giáo dục… nhưng quan trọng nhất là hợp tác quốc tế, bởi vì chúng tôi muốn tránh nguy cơ phân mảnh. Điều quan trọng là tất cả chúng ta phải cùng hành động ngay bây giờ”, Srinivasan nói.

Đã có những lo ngại về dòng vốn tháo chạy khỏi châu Á khi lãi suất trong khu vực này tụt hậu so với lãi suất của Mỹ. Nhưng cho đến nay, vấn đề này “vẫn có thể quản lý được”, Srinivasan nhận định.

Srinivasan lưu ý tình hình luân chuyển dòng vốn ở châu Á đang diễn biến trái chiều. Ông nói: “Ví dụ, chúng tôi thấy dòng vốn tháo chạy rất mạnh khỏi Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, và tháo chạy vừa phải từ Indonesia, Malaysia. Nhưng chúng tôi chứng kiến một số dòng vốn ròng chảy vào Thái Lan. Và gần đây hơn, chúng tôi thấy các dòng vốn chảy trở lại vào Ấn Độ”.

Theo CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới