(KTSG) - Với những áp lực lên tiền đồng vẫn còn ở phía trước, trong khi các công cụ, nguồn lực để can thiệp, ổn định tỷ giá đã hao tổn đáng kể, liệu nhà điều hành có còn dư địa chính sách để kiềm chế tỷ giá trong thời gian tới?
- Chính sách tiền tệ trong ‘vòng xoáy’ kiềm chế lạm phát và phục hồi kinh tế
- Thực thi chính sách tài khóa và tín dụng một cách thận trọng để giảm áp lực lạm phát
Sức ép dồn nén chực chờ bung ra
Từ ngày 21-10-2022 đến nay, giá bán đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại liên tục được niêm yết sát mức trần tỷ giá tham chiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nếu so với mức chênh lệch thấp hơn từ 200-300 đồng trong những tháng trước, cũng như mức 700-800 đồng vào thời điểm đầu năm nay, có thể thấy xu hướng gần đây đang phản ánh thị trường ngoại hối nói chung và nguồn cung ngoại tệ tại các ngân hàng nói riêng đang chịu áp lực lớn như thế nào.
Đáng lưu ý là sau khi nhà điều hành nới biên độ dao động của tỷ giá trung tâm từ ±3% lên ±5% từ ngày 17-10-2022, giá đô la Mỹ đã tăng vọt và các ngân hàng sau đó chỉ bốn ngày đã niêm yết sát mức trần, cho thấy sức ép thị trường đã dồn nén trước đó là rất mạnh mẽ và chỉ chờ một động thái điều chỉnh chính sách là các ngân hàng lập tức “tháo van” và bung hết mọi áp lực đã chống chịu bấy lâu nay.
Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng đã tăng xấp xỉ 880-900 đồng, hơn gấp đôi mức tăng của tháng 9, đẩy mức tăng so với đầu năm nay lên gần 2.000 đồng, tương đương mức tăng hơn 8,6%, đánh dấu đà tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đáng lưu ý là sau khi NHNN nâng giá bán đô la Mỹ thêm 490 đồng từ ngày 24-10, giá bán ra tại Sở Giao dịch NHNN cũng đã chạm mốc 24.870 đồng/đô, xấp xỉ với mức giao dịch tại các ngân hàng thương mại.
Nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ được giảm xuống, các tổ chức tín dụng có thêm một lượng ngoại tệ để cung ra thị trường.
Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá giao dịch đô la Mỹ cũng liên tục lập kỷ lục mới và đã chính thức vượt mốc 25.000 đồng kể từ ngày 20-10 và duy trì ở mức cao kể từ đó đến nay.
Cũng cần lưu ý nếu như trong nửa đầu tháng 10, sau hàng loạt động thái của nhà điều hành đẩy giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng tăng mạnh, khiến chênh lệch giữa giá đô la Mỹ tự do và các ngân hàng thu hẹp, thì từ ngày 20-10 đến nay giá đô la Mỹ tự do đang tăng nhanh hơn khiến chênh lệch giữa thị trường tự do và thị trường chính thức mở rộng.
Cụ thể, tính riêng trong tháng 10, giá đô la Mỹ tự do đã tăng thêm 1.085 đồng ở cả chiều mua và bán, trong đó chỉ riêng nửa cuối tháng 10 đã tăng đến 950 đồng. Theo đó, giá bán đô la Mỹ tại các ngân hàng đang thấp hơn giá mua trên thị trường tự do hơn 300 đồng. Xu hướng này không loại trừ khả năng lại kích thích các hành vi tuồn ngoại tệ từ ngân hàng ra thị trường tự do, điều đã từng diễn ra trước đó.
Như vậy, tuy nhà điều hành đã có những biện pháp can thiệp, sức ép của thị trường ngoại hối vẫn chưa hết nóng.
Những công cụ mà nhà điều hành đã thực thi như tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường bằng việc bán ra xấp xỉ 21 tỉ đô la Mỹ nguồn dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay; điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm cũng như giá bán ra đô la Mỹ tại Sở Giao dịch NHNN (đã có sáu lần tăng với tổng mức tăng là 1.820 đồng, trong đó riêng tháng 9 và tháng 10 đã có đến bốn lần tăng với tổng mức tăng là 1.470 đồng).
Ngoài ra, nhà điều hành đã mở rộng biên độ dao động tỷ giá trung tâm để bám sát thực tiễn thị trường, tuy nhiên chính động thái này cũng tạo thêm dư địa cho tỷ giá có đà đi lên mạnh hơn trong nửa cuối tháng 10.
Song song đó, nhà điều hành đã hai lần tăng lãi suất điều hành chỉ trong vòng một tháng, mỗi lần tăng 1 điểm phần trăm, đánh dấu đà tăng lãi suất mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Còn dư địa nào để kiềm chế tỷ giá?
Với tiền đồng đã mất giá đến 4% chỉ tính riêng trong tháng 10, gần như xấp xỉ với tốc độ mất giá của tiền đồng trong suốt chín tháng đầu năm, có thể thấy biến động tỷ giá mạnh mẽ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn có thể khiến các nhà đầu tư càng nảy sinh tâm lý găm giữ đô la Mỹ.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây, với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tay cộng thêm áp lực bên ngoài vẫn chưa hề chấm dứt, VDSC không loại trừ khả năng tiền đồng trong năm nay có thể mất giá từ 10-15%.
Sức ép tỷ giá trong hơn một tháng qua chủ yếu xuất phát từ áp lực nội tại. Giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế không có sự biến động quá mạnh, với chỉ số USD Index gần như đi ngang.
Những sự kiện liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản hệ thống ngân hàng, có thể đã gây ra những lo ngại nhất thời và thúc đẩy tâm lý tích trữ ngoại tệ.
Với những áp lực lên tiền đồng vẫn còn ở phía trước, trong khi các công cụ, nguồn lực để can thiệp, ổn định tỷ giá đã hao tổn đáng kể, liệu nhà điều hành có còn dư địa chính sách để kiềm chế tỷ giá trong thời gian tới? Đơn cử như chính sách bán ngoại tệ, ước tính cho thấy từ đầu tháng 10 cho đến nay, NHNN chỉ bán ra chưa đến 1 tỉ đô la Mỹ. Điều này cho thấy bộ đệm dự trữ ngoại hối đã yếu đi đáng kể.
Dù vậy, nếu tỷ giá biến động quá mạnh ngoài mục tiêu và tầm kiểm soát trong thời gian tới, vẫn có một số công cụ mà nhà điều hành có thể cân nhắc, xem xét sử dụng để kiềm chế nếu cần thiết.
Thứ nhất là chính sách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) đối với ngoại tệ, hiện đang áp dụng ở mức 7% đối với tiền gửi dưới 12 tháng và 5% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) khác, tỷ lệ này tương ứng ở 8% và 6%.
Cần biết rằng tỷ lệ DTBB tiền gửi ngoại tệ theo quy định này đã áp dụng từ tháng 8-2011 cho đến nay, tức đã hơn 11 năm chưa điều chỉnh. Nếu tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi ngoại tệ được giảm xuống, các TCTD có thêm một lượng ngoại tệ để cung ra thị trường.
Một công cụ khác là xem xét điều chỉnh tỷ lệ trạng thái ngoại hối của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, vốn đang được quy định ở mức giới hạn 20% theo Thông tư 07/2012/TT-NHNN, tức đã cách đây hơn 10 năm.
Trước đây vốn tự có của các ngân hàng còn thấp, nhưng giờ đây sau nhiều năm tăng trưởng mạnh vốn điều lệ, nguồn lợi nhuận giữ lại tích lũy lớn, liên tục phát hành trái phiếu tăng vốn tự có cấp 2, vốn tự có tại nhiều ngân hàng hiện đã ở mức “khủng”, nên số dư trạng thái ngoại hối các TCTD được nắm giữ là rất lớn.
Ngoài ra, có thể tăng đối tượng doanh nghiệp phải kết hối tại một số thời điểm nguồn cung ngoại tệ căng thẳng, kiểm soát chặt chẽ hơn các đại lý thu đổi ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng tuồn ngoại tệ từ ngân hàng ra thị trường tự do để ăn chênh lệch,... cũng là những biện pháp cần thiết. Việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vay ngoại tệ, chính sách, cơ chế và lãi suất huy động ngoại tệ trong giai đoạn hiện nay của các ngân hàng cũng cần được tăng cường.
NHNN cũng có thể tiếp tục tăng lãi suất tiền đồng như là giải pháp để hạn chế sự mất giá của tiền đồng. Trong đánh giá mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong chín tháng đầu năm 2022, lãi suất cho vay dù không giảm được, nhưng chỉ tăng từ 0,3-0,4% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, cũng theo người đứng đầu NHNN, lúc này, ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá. Bởi nếu như ổn định lãi suất thì không thể góp phần kiểm soát thị trường ngoại hối. Và thị trường ngoại hối ổn định là vô cùng quan trọng đối với niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Vì vậy, có khả năng công cụ lãi suất có thể tiếp tục được sử dụng.
Cuối cùng, với lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tiến gần đến giai đoạn cuối, một số dự báo cho rằng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đang lập đỉnh và có thể giảm trở lại từ năm 2023. Xu hướng này nếu thật sự diễn ra cũng sẽ góp phần hỗ trợ giúp tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng hạ nhiệt trong thời gian tới.