(KTSG Online) - Lượng hàng hóa tồn kho cao, nhà mua hàng thanh toán chậm trễ, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong tình trạng 'nhỏ giọt' và thậm chí bị 'đóng băng'. Những vấn đề này dồn dập ập đến khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh 'khát vốn', nhất là vào thời điểm cuối năm nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh tăng cao.
- NHNN đã điều chỉnh 'room' tín dụng với một số ngân hàng
- Doanh nghiệp giữa cơn bão cắt giảm lao động hàng loạt
Thiếu vốn đưa vào sản xuất, kinh doanh
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Hàng Việt (Viet Products), chủ chuỗi siêu thị nội ngoại thất Furnist, cho biết lượng đơn hàng của công ty từ Mỹ và châu Âu trong những tháng qua bị sụt giảm 40-50% do lạm phát ở các thị trường mua hàng này tăng cao. Một số khách hàng gặp tình trạng hàng hóa tồn kho nhiều, kinh doanh ế ẩm nên chậm trễ trong việc thanh toán cho công ty. Tất cả những yếu tố này gộp lại khiến Viet Products khó khăn về dòng vốn trong việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Một khó khăn khác, ông Sang chia sẻ, đó là ngân hàng hiện tại không giải ngân vốn vay và việc này sẽ diễn tiến đến hết năm 2022, nên doanh nghiệp lại khó chồng khó. Dù hạn mức tín dụng của công ty hiện vẫn còn đến 40% nhưng việc vay được tiền về để giải quyết công việc là không thể thực hiện.
Dù tình hình kinh doanh sụt giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động, trả lương cho người lao động, phí thuê mặt bằng kinh doanh và vốn cho sản xuất. "Công ty vẫn cố gắng giữ chân người lao động, hạn chế thấp nhất việc ra quyết định cho nhân viên nghỉ việc…", vị giám đốc này bộc bạch.
Tương tự, Công ty Đức Minh - Sài Gòn cũng đang bị ảnh hưởng lớn khi thị trường châu Âu và Mỹ gặp khó khăn, dù công ty không trực tiếp xuất khẩu hàng sang những thị trường này. Đức Minh - Sài Gòn đang cung cấp nhựa và cao su kỹ thuật cho các khách hàng Hàn Quốc và Nhật Bản. Những linh kiện này được các doanh nghiệp ở hai nước nêu trên sử dụng cho việc sản xuất máy lạnh, máy giặt và đồ điện gia dụng xuất sang thị trường châu Âu và Mỹ.
Từ cuối tháng 9 đến nay do các đối tác gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ nên họ đã giảm lượng đặt hàng đối với Đức Minh - Sài Gòn xuống gần một nửa so với trước. Bên cạnh đó, việc bán hàng tại thị trường trong nước cũng bị sụt giảm nhẹ.
Giám đốc Nguyễn Quốc Anh cũng than thở rằng khoản dư của hạn mức tín dụng đối với công ty vẫn còn, thế nhưng việc giải ngân khoản vay cũng là một nhiệm vụ bất khả thi.
Mòn mỏi chờ vốn, mất cơ hội kinh doanh
Câu chuyện của Viet Products và Đức Minh - Sài Gòn không phải là các trường hợp cá biệt trong cộng đồng các nhà sản xuất trong nước hiện nay. Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau đang mòn mỏi chờ đợi được tiếp sức, bởi ngân hàng không giải ngân hoặc giải ngân nhỏ giọt các khoản vay khiến họ khó khăn trong xoay xở dòng vốn. Chưa kể, thời điểm cuối năm hầu hết các doanh nghiệp đều cần số tiền lớn để trang trải công việc, chuẩn bị cho mùa sản xuất phục vụ năm mới và Tết Nguyên đán.
Giám đốc một công ty may mặc trên địa bàn TPHCM, vốn có mối liên kết làm ăn lâu năm với một ngân hàng thương mại ở trên địa bàn, cho biết những năm trước đây, họ luôn được ngân hàng hỗ trợ tối đa, luôn được giải ngân nguồn vốn kịp thời để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, mọi chuyện đã khác. Mặc dù hạn mức tín dụng đối với công ty vẫn còn và tài sản đã được thế chấp, thế nhưng con đường đến với khoản vay dường như đã khép lại.
Thiếu hụt tài chính, không tiếp cận được các gói vay khiến không ít doanh nghiệp đánh mất cơ hội kinh doanh.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Bình - chuyên kinh doanh nông sản, sản phẩm về chuối, cho biết đã nghe nhiều về các gói hỗ trợ tài chính của nhà nước cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thế nhưng khi tiếp cận thì không nhận được sự phản hồi. "Chúng tôi gặp gỡ và đề xuất được nhận các khoản hỗ trợ này nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu", ông Hùng chia sẻ, và cho biết do tài chính của đơn vị hạn chế nên phải xoay xở trong định hướng sản xuất để có thể duy trì được hoạt động.
Thay vì chế biến sâu để mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm, HTX Thanh Bình tập trung xuất khẩu sản phẩm thô, ví dụ như xuất quả chuối tươi, để nhanh chóng xoay vòng đồng vốn kinh doanh. "Điều chúng tôi tiếc nuối hơn là những tháng gần đây có thêm đối tác với đơn hàng rất lớn từ Malaysia, Trung Đông,… nhưng vì không đủ vốn cho sản xuất nên chúng tôi đành phải từ chối thực hiện". Sản phẩm của HTX Thanh Bình hiện xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc qua con đường chính ngạch.
Thời gian càng về cuối năm càng nhiều doanh nghiệp cần vay vốn để rót vào sản xuất, nên hầu hết các đơn vị đều đứng ngồi không yên, ngóng chờ ngân hàng giải ngân các khoản vay.
Không để thị trường bị "đóng băng"
Theo giới phân tích, không chỉ khó tiếp cận vốn tín dụng vì "room" hạn chế mà các kênh khác như huy động vốn từ cổ phiếu cũng không dễ khi thị trường chứng khoán suy giảm. Huy động vốn qua kênh trái phiếu cũng giảm mạnh do các ngân hàng thương mại không tham gia...
Theo các chuyên gia kinh tế, từ quí 4 năm nay đến năm 2023 kinh tế sẽ rất khó khăn. Suy thoái kinh tế thế giới đã thấy rất rõ, lạm phát gia tăng đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào nguy cơ trì trệ. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ trong nước đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lãi suất ngân hàng rất cao.
Tại cuộc họp gần đây về tình hình kinh tế TPHCM, TS Trần Du Lịch (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia), nhận định doanh nghiệp hiện phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn trong bối cảnh khó khăn. Vị chuyên gia này cho rằng TPHCM nên vận dụng, thực thi hiệu quả nhất chính tài chính, tiền tệ của Chính phủ vào thực tiễn của thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để doanh nghiệp hấp thụ được các nguồn vốn đầu tư thông qua việc nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy nhà nước.
Ông phân tích đối với việc hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp thông qua cơ chế, cần rà soát lại tất cả các quy định miễn giảm thuế, lệ phí, hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi, an sinh xã hội… Hiện nay, gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai rất chậm và kéo dài.
Do đó, các cơ quan chức năng cần có những quyết sách nhanh, mạnh để giúp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bằng mọi cách không để thị trường “đóng băng”.