Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lãnh đạo G20 kêu gọi đoàn kết để phục hồi kinh tế

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (gọi tắt là G20) đã khai mạc sáng nay, 15-11, tại Bali, Indonesia với sự tham gia của 17/20 nguyên thủ quốc gia trên thế giới cũng lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo chào mừng Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 vào sáng nay, 15-11. Ảnh được chụp từ Trung tâm Báo chí của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia. Ảnh: Nhân Tâm

Diễn ra chính thức trong hai ngày 15 và 16-11, hội nghị lần đầu tiên quy tụ nhiều lãnh đạp cấp cao trên thế giới sau gần 3 năm dịch Covid-19 bùng phát. Những giải pháp thiết thực được trông chờ sẽ được đưa ra nhằm khôi phục kinh tế thế giới sau hai năm dịch bệnh cũng như những thách thức về kinh tế và chính trị hiện nay trên toàn cầu.

"Chúng ta không cho phép thế giới bước vào một cuộc chiến tranh thế giới khác [Thế chiến thứ 3]", Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20.

“Chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải có trách nhiệm ngăn chặn chiến tranh. Nếu các cuộc chiến tranh chưa thể kết thúc, thế giới sẽ chưa thể tiếp tục phát triển”, Tổng thống Indonesia nói và chia sẻ thêm rằng đó là lý do tại sao Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay có chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”.

Sau phần phát biểu khai mạc, các nhà lãnh đạo của Nhóm G20 bắt đầu tham các cuộc hội đàm về nhiều chủ đề như an ninh lương thực, năng lượng và chuyển đổi số một cách hài hòa bên cạnh các cuộc hội đàm song phương. Tuy nhiên, những cuộc hội đàm này diễn ra dưới hình thức kín hoặc chỉ mời một vài tờ báo đã được chỉ định. Báo chí trên thế giới làm việc tại Trung tâm báo chí tại Cung Hội nghị quốc tế Bali sẽ được xem trực tuyến vá tham dự vài phiên họp báo.

Một dấu hiệu tích cực cho những gì Tổng thống Widodo đề cập ở trên cũng như thế giới hy vọng là cuộc gặp song phương kéo dài 3 giờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó hai nhà lãnh đạo cam kết liên lạc thường xuyên hơn bất chấp nhiều khác biệt còn tồn tại.

Trong thông cáo báo chí gửi tới báo giới sáng nay của phái đoàn Trung Quốc sau cuộc gặp hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng thế giới đã đi đến ngã ba đường. Ông cũng mong muốn được làm việc thường xuyên với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để đưa mối quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ quan hệ trở lại đà tăng trưởng lành mạnh và ổn định, vì lợi ích của hai nước và toàn thế giới.

Với thông điệp “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, Hội nghị thượng đỉnh G20 hy vọng sẽ ghi nhận những giải pháp thực tế giúp phục hồi kinh tế. Ảnh: Nhân Tâm

Tại các họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 những ngày qua, các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định rằng các quốc gia trên thế giới hiện đang phải đối mặt với lạm phát liên tục cao hơn dự kiến, tài chính bị thắt chặt hơn, xung đột giữa Nga với Ukraine và đại dịch Covid-19 kéo dài và sự mất cân bằng cung cầu tiếp tục làm chậm triển vọng kinh tế toàn cầu.

Chi phí sinh hoạt đã gây ra áp lực lớn ở nhiều quốc gia do lo ngại về giá lương thực và năng lượng gia tăng, điều này đã làm gia tăng áp lực lạm phát.

Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra cũng khiến nền kinh tế thế giới gặp rủi ro, và việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn đang bị cản trở do chi phí năng lượng ngày càng tăng.

G20 bao gồm thành viên từ hai mươi nền kinh tế trên thế giới - Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Argentina, Brasil, Canada, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Indonesia, México, Nam Phi, Nga, Nhật, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Úc, Anh, Ý và Liên minh châu Âu.G20 chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, 75% thương mại quốc tế và 60% dân số.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới