Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

ILO: Thị trường việc làm ở châu Á vẫn chưa phục hồi hoàn toàn

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường lao động châu Á-Thái Bình Dương (APAC) ghi nhận sự phục hồi một phần sau tác động của đại dịch Covid-19 nhưng sự phục hồi hoàn toàn trong khu vực vẫn khó đạt được với các điều kiện ​​dự kiến còn khó khăn cho đến năm 2023.

Theo ILO, những ngành tập trung nhiều lao động ở châu Á-Thái Bình Dương thường có đặc điểm là năng suất lao động hạn chế, tiền lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ. Ảnh: ilo.org

Báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội APAC 2022” của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hôm 28-11 cho biết số lượng việc làm ở khu vực APAC trong năm nay cao hơn 2% so với mức của năm 2019, phục hồi đáng kể sau khi khu vực này mất hơn 57 triệu việc làm vào năm 2020.

Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn chưa hoàn tất vì APAC vẫn thiếu 22 triệu việc làm trong năm 2022 so với tiềm năng trong kịch bản không có đại dịch Covid-19. Con số thiếu hụt dự kiến​​ tăng lên 26 triệu vào năm 2023 do những khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu và khu vực hiện nay.

Đồng thời, tổng số giờ làm việc trong khu vực vẫn thấp hơn so với năm 2019 và tỷ lệ thất nghiệp của khu vực năm 2022 là 5,2%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2019.

Đến năm 2022, tất cả các tiểu vùng ở APAC đã lấy lại được số việc làm bị mất trong năm 2020, nhưng mức tăng trưởng việc làm nhìn chung không theo kịp tốc độ tăng dân số.

“Dù xu hướng việc làm ở APAC có vẻ tích cực nhưng thị trường lao động của khu vực vẫn chưa trở lại con đường trước khủng hoảng với nhiều thách thức khác đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng trong tương lai”, Chihoko Asada Miyakawa, Trợ lý Tổng giám đốc ILO kiêm Giám đốc phụ trách khu vực APAC của ILO, nói.

Miyakawa nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tạo tăng trưởng bao trùm và lấy con người làm trung tâm cho khu vực, chứ không nên bằng lòng với sự phục hồi hầu như dựa trên các công việc phi chính thức và kém chất lượng.

Báo cáo của ILO cũng lần đầu tiên đưa ra các ước tính việc làm phân loại theo ngành ở khu vực trong 3 thập niên qua (1991-2021) để thấy rõ ngành nào đang phát triển với vai trò là nguồn tạo việc làm, ngành nào đang bị thu hẹp và ngành nào tạo cơ hội cho “việc làm tốt” (được định nghĩa là công việc hiệu quả cho phụ nữ và nam giới trong điều kiện tự do, bình đẳng, an ninh và phẩm giá con người).

Theo báo cáo, dù công nghệ thông tin và dịch vụ thông tin là các lĩnh vực chứng kiến tăng trưởng việc làm nhanh nhất trong khu vực nhưng chỉ có 9,4 triệu người làm việc trong ngành này vào năm 2021, tương ứng 0,5% tổng số việc làm.

Ngược lại, ba ngành tạo việc làm lớn nhất ở khu vực APAC, gồm nông lâm nghiệp, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, đã chiếm tổng cộng 1,1 tỉ lao động trong năm 2021, tương đương 60% trong tổng số 1,9 tỉ lao động của khu vực.

Những ngành tập trung nhiều lao động thường có đặc điểm là năng suất lao động hạn chế, tiền lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ. Hầu hết người lao động trong các ngành này thiếu bảo trợ xã hội, với tỷ lệ lao động phi chính thức cao. Bất kỳ cải thiện nào đạt được trong những thập niên gần đây ở những ngành này phần lớn đều bị xóa sổ bởi đại dịch Covid-19.

Bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến với hầu như tất cả các ngành. 9 trong 10 ngành có mức tăng trưởng việc làm cao nhất có tỷ lệ lao động nam cao hơn nữ. Chỉ có lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đi ngược lại xu hướng, với 55% việc làm được tạo thêm từ năm 1991 đến năm 2021 là dành cho phụ nữ.

ILO cho biết bất chấp nửa thế kỷ tăng trưởng kinh tế, thực tế vẫn là hầu hết người lao động ở APAC đều làm việc trong các lĩnh vực truyền thống. Dù công nghệ thông tin và các lĩnh vực hiện đại có thể nhận được nhiều sự chú ý nhất, nhưng tiềm năng lớn nhất để thúc đẩy tăng trưởng số việc làm cũng như việc làm tốt trong khu vực lại nằm ở những lĩnh vực kém hấp dẫn hơn nhiều.

Sara Elder, chuyên gia kinh tế cấp cao của ILO và là tác giả chính của báo cáo, cho biết thách thức trong tương lai là tăng cường và duy trì sự quan tâm của chính sách cũng như đầu tư công để tạo ra những việc làm tốt và tạo cơ hội rộng mở cho mọi người ở tất cả các lĩnh vực.

Theo ilo.org

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới