Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tạo sự đột phá cho vùng Đồng bằng sông Hồng

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tiểu vùng Bắc Đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, được Bộ Chính trị xác định là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, phải có sự đột phá trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng sáng 29-11. Ảnh: TTXVN

Ngày 29-11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tổng bí thư cho rằng, kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng. Quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Một số loại thị trường hình thành chậm và chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Công nghiệp, đô thị phát triển khá nhưng còn mang tính tự phát; ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng nặng hơn.

Các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung cho xuất khẩu chưa hình thành được. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích chưa cao; tỷ lệ lao động nông nghiệp thiếu việc làm còn lớn. Đời sống nhân dân ở nhiều vùng nông thôn còn khó khăn. Trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các tiểu vùng còn có sự chênh lệch đáng kể.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn. Khu vực này cũng được xác định trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh, kết nối...

Đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm hàng đầu của cả nước về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, thông minh và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng.

Tổng hợp từ Chinhphu.vn và TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới