Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lưu ý về tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Lê Trình Anh Thư (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 15-11-2022 và thay thế Thông tư 03/2016/TT-NHNN (Thông tư 03). Các nội dung sửa đổi, bổ sung ở Thông tư 12 phần nhiều tập trung vào các nhóm vấn đề, như chế độ báo cáo, bổ sung hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc bảo đảm tài sản cho các khoản vay nợ nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính, mở rộng trường hợp không cần đăng ký, đăng ký khoản vay… Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo Thông tư mới thay thế cho Thông tư 03/2016/TT-NHNN.

Công ty X là một doanh nghiệp công nghệ, thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2019. Giống đa số các doanh nghiệp khác trong giai đoạn dịch Covid-19, hoạt động của công ty X chịu ảnh hưởng nặng nề và phải vay vốn từ đối tác tại nước ngoài để duy trì hoạt động. Tình huống “oái ăm” bắt đầu từ đây khi khoản vay từ đối tác được chuyển thẳng vào tài khoản thanh toán của công ty và đã được công ty rút để sử dụng. Tuy nhiên, khi đến hạn hoàn trả khoản vay theo hợp đồng, phía ngân hàng lại từ chối giao dịch trả nợ vay với lý do thực hiện sai tài khoản.

Nguyên tắc minh bạch dòng tiền

Khoản vay nước ngoài là cụm từ dùng chung để chỉ khoản vay nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh (hay còn gọi là khoản tự vay, tự trả) và khoản vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh dưới mọi hình thức vay nước ngoài thông qua hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của bên đi vay(1).

Để đảm bảo nguyên tắc minh bạch dòng tiền, mọi giao dịch chuyển tiền (rút vốn, trả nợ) liên quan đến khoản vay nước ngoài của bên đi vay không phải ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều phải thực hiện thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của bên đi vay, trừ các trường hợp sau(2).

Đối với trường hợp rút vốn. (a) Rút vốn từ bên cho vay thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng là người không cư trú cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ với người cư trú là bên đi vay. (b) Rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thức thuê tài chính. (c) Rút vốn thông qua tài khoản của bên đi vay mở tại nước ngoài trong trường hợp bên đi vay được phép mở tài khoản ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài. (d) Rút vốn các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn thông qua việc thanh toán bù trừ với các nghĩa vụ phải trả trực tiếp cho bên cho vay bao gồm: nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài, nghĩa vụ hoàn trả khoản nhận nợ trực tiếp với bên cho vay. (e) Rút vốn trong trường hợp số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư được chuyển thành vốn vay nước ngoài theo thỏa thuận giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Đối với trường hợp trả nợ. (a) Trả nợ dưới hình thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho bên cho vay. (b) Trả nợ thông qua việc bên cho vay và bên đi vay thỏa thuận chuyển đổi dư nợ thành cổ phần hoặc phần vốn góp trong bên đi vay. (c) Trả nợ thông qua việc bên cho vay và bên đi vay thỏa thuận hoán đổi dư nợ vay thành cổ phần hoặc phần vốn góp thuộc sở hữu của bên đi vay. (d) Trả nợ các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn thông qua thanh toán bù trừ các khoản phải thu trực tiếp với bên cho vay. (e) Trả nợ thông qua tài khoản của bên đi vay mở tại nước ngoài (trong trường hợp bên đi vay được phép mở tài khoản ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài).

Trong trường hợp rút vốn hoặc trả nợ không thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài cần thực hiện thông báo và gửi các chứng từ chứng minh liên quan đến giao dịch đến ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản trong vòng năm ngày kể từ ngày thực hiện giao dịch(3).

Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài

Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài là tài khoản thanh toán của bên đi vay mở tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài; thực hiện giao dịch phái sinh để phòng ngừa rủi ro đối với các khoản vay nước ngoài và các giao dịch chuyển tiền khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài, đảm bảo cho khoản vay nước ngoài(4).

Với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tài khoản vay trả nợ nước ngoài cho khoản vay trung, dài hạn sẽ là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) và tài khoản này có thể được dùng để nhận khoản vay nước ngoài. Nếu đồng tiền vay và đồng tiền của DICA khác nhau, bên đi vay được quyền mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác để thực hiện khoản vay nước ngoài tại ngân hàng mở DICA(5).

Tài khoản dùng cho việc vay, trả nợ của khoản vay ngắn hạn có thể là DICA hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác. Trong trường hợp này, mỗi khoản vay chỉ được thực hiện thông qua một ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản và một tài khoản có thể được dùng cho một hoặc nhiều khoản vay ngắn hạn khác nhau(6).

Nếu khoản vay ngắn hạn còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn một năm kể từ ngày rút vốn và doanh nghiệp sẽ thực hiện trả nợ trong thời gian 30 ngày làm việc tính từ ngày tròn một năm kể từ ngày rút vốn thì việc trả nợ sẽ được thực hiện thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài đang sử dụng cho khoản vay này(7). Trong trường hợp này, doanh nghiệp không phải thực hiện đăng ký khoản vay với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và phải đảm bảo hoàn thành thanh toán dư nợ gốc trong vòng 30 ngày tính từ ngày tròn một năm kể từ thời điểm rút vốn. Nếu quá thời hạn này mà doanh nghiệp không hoàn thành việc thanh toán dư nợ gốc thì phải thực hiện đăng ký khoản vay với NHNN(8). Trong trường hợp không thực hiện đăng ký thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 40-60 triệu đồng(9).

Trong trường hợp nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài là trách nhiệm liên đới phát sinh sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, doanh nghiệp không bắt buộc phải sử dụng DICA để hoàn trả khoản nợ này(10). Khi này, các doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài cùng mở một tài khoản thanh toán chung làm tài khoản vay, trả nợ nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp không cùng mở tài khoản thanh toán chung như trên, các doanh nghiệp này phải đảm bảo việc mở các tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại cùng một ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để tiếp tục trả nợ khoản vay nước ngoài(11).

Với doanh nghiệp không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc vay, trả nợ nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài mở tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Mỗi khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện qua một ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản và một tài khoản có thể được dùng cho một hoặc nhiều khoản vay nước ngoài.

Làm gì khi chuyển nhầm tài khoản?

Nhiều trường hợp do bất cẩn hoặc thiếu kiến thức liên quan đến vay, trả nợ nước ngoài, một số doanh nghiệp đã gặp tình huống tương tự công ty X. Đối với những trường hợp này, có hai tình huống với hệ quả khác nhau có thể xảy ra như sau:

Tình huống 1: Nếu doanh nghiệp chưa rút khoản vay, doanh nghiệp hoặc bên cho vay có thể gửi yêu cầu truy xuất đến ngân hàng nhận khoản vay với nội dung thông báo rõ khoản vay chuyển nhầm tài khoản và yêu cầu hủy lệnh chuyển tiền. Sau khi lệnh được hủy, bên cho vay sẽ chuyển lại khoản vay vào đúng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Tình huống 2: Nếu doanh nghiệp đã rút khoản vay, ngân hàng nhận khoản vay không thể hoàn trả khoản vay cho bên cho vay và doanh nghiệp cần báo cáo vi phạm này với NHNN để được hướng dẫn cách xử lý. Đối với trường hợp này, do doanh nghiệp đã vi phạm quy định về rút vốn, sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài nên khả năng cao NHNN bên cạnh việc hướng dẫn phương án xử lý cũng sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp(12).

Có thể thấy trường hợp của công ty X đã rơi vào tình huống 2, cần phải sớm thực hiện báo cáo vi phạm với NHNN để được hướng dẫn cách xử lý và chịu phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 60-100 triệu đồng(13).

Như vậy, doanh nghiệp cần lưu ý các quy định về việc sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài để tránh trường hợp xảy ra sai phạm như vụ việc của công ty X.

(*) Apolat Legal Vietnam

(1) Khoản 1 điều 3 Thông tư 12

(2) Khoản 1 và 2 điều 34 Thông tư 12

(3) Khoản 3 điều 34 Thông tư 12

(4) Khoản 1 điều 26 Thông tư 12

(5) Điểm a khoản 2 điều 26 Thông tư 12

(6) Điềm b khoản 2 điều 26 Thông tư 12

(7) Điểm c khoản 2 điều 26 Thông tư 12

(8) Khoản 3 điều 11 Thông tư 12

(9) Điểm g khoản 3 điều 23 và điểm b khoản 3 điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP

(10) Điểm c khoản 3 điều 26 Thông tư 12

(11) Điểm b và c khoản 3 điều 6 Thông tư 12

(12) Điểm d khoản 4 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, Điểm a khoản 13 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP và điểm g khoản 4 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

(13) Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, Điểm a khoản 13 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP và điểm g khoản 4 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới