Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thích ứng biến đổi khí hậu: Nghĩ khác đi!

Hoàng Việt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngày xưa ông bà ta hầu như chỉ nhớ tới “năm Thìn bão lụt” và thêm một vài thảm họa tương tự. Nhưng nay, các cơn bão đã xảy ra hàng năm, ảnh hưởng nặng nề tới những vùng rộng lớn, từ miền Bắc, miền Trung đến Tây Nguyên. Trong khi ở miền Nam, các đô thị nhanh chóng lún chìm, cùng với đó là nạn sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển ngày càng trầm trọng. Những quy trình, giải pháp ứng phó trước đây, nay gần như mất tác dụng. Vì thế, đã đến lúc phải “nghĩ khác đi” để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghĩ khác đi (Think Other) là một cụm từ rất mới nhưng nó đã được áp dụng từ lâu đế đối phó với những thách thức mà biện pháp truyền thống không giải quyết được. Có thể nhận thấy hiệu quả của việc nới lỏng thay vì áp dụng zero Covid đã làm cho nước ta thoát qua nạn dịch và phục hồi kinh tế một cách kỳ diệu, điều mà một năm sau Trung Quốc vẫn còn lúng túng. Nhưng chúng ta đang thất bại với những quy trình bảo đảm an sinh cư dân vùng núi bằng ngăn lũ thượng nguồn chạy lũ hạ nguồn, thất bại với việc làm đê kè chống xói lở bờ sông bờ biển, thất bại khi cứ mỗi vài năm lại phải nâng đường nơi các thành phố, và thất bại với việc cứ phải đào cho được cát sông để xây dựng công trình. Chắc chắn sẽ có những tranh cãi về chữ “thất bại” được nêu ở đây, nhưng rõ ràng chúng ta ngày càng không thể đuổi kịp để chặn đứng thảm họa khí hậu.

Nay thì biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi nơi, mọi người, không chừa một ai. Vài năm nay, Tây Nam bộ và TPHCM hàng tháng phải thấp thỏm lo âu mỗi đợt triều cường. Mới đây nhất, hàng chục hec ta đất trồng cây ăn trái, ao cá cùng nhiều nhà dân ở cù lao An Bình (thuộc tỉnh Vĩnh Long) bất ngờ bị cuốn sụp hoàn toàn xuống sông Cổ Chiên). Đoạn sạt lở dài khoảng 500 mét, sâu khoảng 250-300 mét cuốn trôi con đê quốc phòng, 13 căn nhà và hơn 15 héc ta đất vườn. Trước đó, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới suy yếu sau bão Sơn Ca, từ ngày 13 đến 16-10, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam mưa to, các thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng và Quảng Nam, Quảng Ngãi đều chìm trong nước, hàng trăm ki lô mét bờ biển bị xói lở, đường sá, hạ tầng bị phá hủy, quốc lộ 15D có đoạn dịch chuyển ngang đến gần 6 mét.

Chi phí ứng phó với thảm họa mỗi năm một lớn. Chúng ta đã dồn tất cả sức lực và tiền của để ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan cùng các hệ lụy của nó trong các ngành kinh tế cốt lõi cũng như trong đời sống xã hội. Nhưng chúng ta vẫn bất lực trước tác dụng toàn diện của hiện tượng này. Bờ sông vẫn sạt lở, bờ biển vẫn xói mòn, những cơn lũ càn quét mỗi năm một mạnh hơn và nhiều hơn, gây bao nhiêu tang tóc và thiệt hại. Từ lâu, chúng ta đã nói đến chuyện thích ứng biến đổi khí hậu, nhưng nay, chúng ta biết rằng tốc độ biến đổi là quá nhanh, và rất nhiều các quy tắc, quy trình ứng phó đã tỏ ra vô hiệu.

Xem ra, vấn đề thích ứng (adaptaion) vốn là một trọng tâm của Thỏa thuận Paris 2015 khó có thể thực hiện nếu không có những cách nghĩ, cách làm khác. Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, nhưng nó được cảm nhận ở quy mô địa phương, nơi đang là tuyến đầu của cuộc chiến. Ở nước ta, khách quan mà nói, vấn đề thích ứng quá lệ thuộc vào quy trình, biện pháp truyền thống, và vì thế chi phí lớn, hiệu quả thấp và thậm chí về lâu dài cũng không giải quyết được vấn đề.

Dân cư trong các vùng lũ quét hoàn toàn bất an và cả bất định với những công trình ngăn lũ lớn để kết hợp thủy điện. Nhưng biện pháp làm chậm lũ bằng một hệ thống những con đập nhỏ trên các dòng suối - không phải bằng đất cồng kềnh mà bằng lắp ráp cấu kiện bê tông đúc sẵn - mới có thể bảo vệ sinh mạng, nhà cửa, mở rộng diện tích ruộng nương và hạn chế sạt lở vách núi.

Người dân sống giữa vùng đồng bằng cũng bất an vì những gì họ dành cả nhiều đời xây dựng trên bờ sông, bờ rạch có thể đổ xuống dòng nước bất cứ lúc nào. Người ta nói đến nguyên nhân chính là khai thác cát giữa lòng sông nhưng người ta lại không tính đến việc hạn chế hay thay thế sử dụng cát sông. Các nguồn cát cồn, cát biển vẫn đầy ra đó, nhưng người ta ngần ngại trong việc xử lý.

Các đô thị mỗi năm một nặng thêm, lún chìm nhanh hơn, nhưng người ta vẫn đắp lên đó những khối đất đá khổng lồ thay vì sử dụng bê tông nhẹ để nâng cấp. Các loại bê tông nhẹ đã được dùng phổ biến ở nước ngoài trước cả những năm 1990, như ở bến cảng sông Thames nơi thường xuyên chịu tác động của sóng nước và phương tiện tải trọng lớn. Nằm kẹp giữa các lớp vật liệu chịu lực lớn, lớp dày bê tông tỷ trọng thấp cân bằng với tỷ trọng nước làm cho con đường nhẹ hơn mà chắc chắn hơn. Các nhà kỹ thuật nhận ra sức nặng của các đê, kè bảo vệ bờ biển, bờ sông là nguyên nhân chính làm cho nó sụp đổ. Nhưng các cấu kiện bê tông nhẹ, thậm chí rẻ tiền sẽ tạo thành lớp màng ngăn xói và bảo vệ đô thị cùng các công trình trên nền đất yếu tốt hơn rất nhiều.

Một khi biến đổi khí hậu càng nhanh và nỗ lực thích ứng bị trì hoãn càng lâu thì sẽ càng khó khăn và tốn kém. Thích ứng đề cập đến những điều chỉnh trong các hệ thống sinh thái, xã hội hoặc kinh tế để đáp ứng với các tác nhân kích thích khí hậu. Nó đề cập đến những thay đổi trong các quy trình, thực hành và cấu trúc để giảm thiểu thiệt hại tiềm ẩn hoặc để hưởng lợi từ các cơ hội liên quan đến biến đổi khí hậu.

Ở nước ta, trong khi các thành phố rà soát và tái thiết kế hệ thống thoát nước thì nông dân có thể nghĩ đến những mùa vụ dài hơn, đa dạng cây trồng được giá hơn nhờ lượng mưa phân bổ khá đều trong năm. Báo cáo Adapt Now: A Global Call for Leadership on Climate Resilience (Thích ứng ngay: Lời kêu gọi lãnh đạo toàn cầu về khả năng phục hồi khí hậu) nói rõ trở ngại lớn nhất đối với vấn đề này không phải là không có sẵn tiền mà là thiếu “lãnh đạo chính trị giúp mọi người thoát khỏi giấc ngủ tập thể”.

THAM KHẢO:
- https://yaleclimateconnections.org/2019/12/what-is-climate-change-adaptation-and-why-does-it-matter/
- https://climate.nasa.gov/solutions/adaptation-mitigation/
- https://gca.org/12-great-examples-of-how-countries-are-adapting-to-climate-change/

2 BÌNH LUẬN

  1. Đã nhiều năm rồi, năm nào tôi cũng thấy có ý kiến đề cập tới biến đổi khí hậu , nhưng tất cả đều trôi qua, vì đa số ý đều không đầy đủ, khuyết thiếu nhiều yếu tố đảm bảo thành công. Nên thành lập một uỷ ban gọi là uỷ ban nghiên cứu thích ứng với biến đổi khí hậu và đặt trực tiếp dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng. Uỷ ban này gồm các nhà khoa học sẽ tập hợp nghiên cứu, bổ sung và phản biện các đề xuất thích ứng và chống lại biến đổi khí hậu. Nếu được tập hợp lại và nghiên cứu, tôi nghĩ các nhà khoa học sẽ có giải pháp giải quyết được chuyện này dễ dàng hơn.

  2. Biến đổi khí hậu. Chỉ là cách nói văn vẻ. Thực ra, theo ngôn từ dân gian, chính là “Do ăn ở”. Trong đó, con người mới là nhân vật trung tâm của bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề như ngày hôm nay. Tàn phá tự nhiên, sinh sống nghịch thiên, tiêu dùng vô độ, xâm hại môi trường… đều do ý thức và hành vi mà ra. Mọi thứ, suy cho cùng, phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy và hành động của mỗi con người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới