Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đam mê bột đường, mẹ hai con khởi nghiệp thương hiệu bánh tạo hình ‘như thật’

An Phú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sớm yêu thích nghệ thuật khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tuy vậy phải đến năm 31 tuổi, chị Nguyễn Thị Kim Ánh (sinh năm 1981) mới chạm đến đam mê của mình bằng thương hiệu riêng. Từ những ngày đầu còn lạ lẫm với lối đi mới ít người đi theo, sau gần 9 năm, chị Ánh tự hào với những bước đi của bản thân trong lĩnh vực bánh tạo hình này.

“Tay ngang” viết tiếp giấc mơ dang dở

Sau khi tốt nghiệp ngành học do cha mẹ định hướng, chị Nguyễn Thị Kim Ánh, người sáng lập Fancy Fondant, về công ty gia đình tiếp quản, hỗ trợ công việc. “Chưa bao giờ ngừng nghĩ về nó” là cách chị Ánh nói về đam mê được nên duyên với dòng bánh tạo hình nghệ thuật còn mới mẻ trên thị trường ngày ấy. Chị kể mình đã tự sắp xếp thời gian và công việc thường ngày của người mẹ hai con, người vợ, người quản lý công ty để tìm hiểu về nguyên liệu fondant (kẹo mềm), một trong nhiều thành phần chính để tạo hình bánh.

Sau đó, từ một hội chợ liên quan đến ngành bánh, chị đã tìm được nguyên liệu kẹo mềm của Malaysia chuyên cho dòng bánh này phù hợp với điều kiện thời tiết Việt Nam để bảo quản và làm mẫu, nặn tạo hình như ý muốn. Cộng với giải thưởng “chơi vui” – người được nhiều thành viên bình chọn bánh trong cuộc thi nhỏ tại group chia sẻ kinh nghiệm ở facebook, chị nhận ra mình có khả năng làm bánh dù “tay ngang”.

Chị Nguyễn Thị Kim Ánh, người sáng lập Fancy Fondant. Ảnh: NVCC

Năm 2014, chị nhớ lại kể mình phải tự học và mày mò vì mọi kiến thức về dòng bánh fondant còn khá ít ỏi ở Việt Nam. Đó là những ngày chị Ánh làm việc say sưa không biết mệt vì liên tục tìm hiểu, tìm ra công thức phù hợp, thử nguyên liệu vì bánh tạo hình khác với bánh kem truyền thống. “Gặp khó không biết hỏi ai, cứ tự làm cho đến khi bí mới tìm khóa học của thầy nước ngoài, tôi càng gỡ rối thành công, lại càng thấy thích thú. Dù vậy ít nhiều tôi phải vượt qua rào cản từ gia đình cũng như lời ra tiếng vào từ mọi người vì họ thấy mình đang tự làm khổ, thức đêm hôm chỉ để hoàn thành một chiếc bánh chưa biết bán được cho ai”, chị nói.

Chiếc bánh với tạo hình tô mì y như thật. Ảnh: NVCC

Đi ra từ những khóa học chuyên nghiệp về bánh tạo hình, chị bắt đầu làm và bán những sản phẩm đầu tiên cho bạn bè, người quen lấy kinh nghiệm. Chị kể, năm 2014 ở Việt Nam hầu như ít người biết bánh tạo hình trang trí từ kẹo mềm là gì, nhu cầu khách hàng còn ít. Hơn nữa, giá thành cho một chiếc bánh cũng cao hơn bình thường vì nguyên liệu hoàn toàn nhập từ nước ngoài. Thợ làm cần tay nghề cao, họ tốn nhiều chi phí theo học vì trong nước không ai dạy.

Bánh tạo hình kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau để cho ra thành phẩm. Ảnh: NVCC

Tại tiệm, những chiếc bánh có giá dưới 1,5 triệu đồng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, những chiếc bánh với giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng vẫn có nhóm khách hàng riêng của mình. Đây là những sản phẩm có độ khó cao về chi tiết tạo hình cũng như quy mô, kích cỡ phù hợp với các sự kiện lớn, hội nghị, tiệc cưới…

Không ngừng “ghi điểm” trong giới làm bánh tạo hình bởi những sản phẩm độc lạ, có tính thẩm mỹ, chị Kim Ánh thừa thắng xông lên mở thương hiệu có tên Fancy Fondant kết hợp vào công ty gia đình để điều hành quản lý như một ngành hàng chính, chuyên cung cấp nguyên liệu, dụng cụ làm bánh tạo hình, làm thành phẩm theo yêu cầu, đơn đặt hàng.

Chị Kim Ánh thành lập Fancy Fondant đến nay cũng hơn 8 năm. Ảnh: An Phú

“Hành trình đi qua nhiều thăng trầm, tôi hạnh phúc vì được sống đúng đam mê từ thời trẻ. Ở tuổi 31 hay tuổi nào cũng không bao giờ là muộn, tuy vậy tôi vẫn hy vọng những bạn trẻ có năng khiếu và sở thích sẽ sớm được phát hiện cũng như nhận được sự ủng hộ để phát triển tốt hơn và ghi tên mình trong mảnh đất còn mới mẻ này”, chị tâm sự.

Khát khao truyền nghề, chinh phục đỉnh cao mới

Chọn theo đuổi dòng bánh tạo hình nghệ thuật, tập trung đầu tư từ nguồn lực, tiền của từ 2014 cho đến nay, chị Kim Ánh bộc bạch tất cả đều xuất phát từ đặc trưng là sáng tạo không giới hạn (freehand). Người làm bánh tạo hình có thể “hô biến” ra bất cứ thứ gì mình muốn bằng chính đôi bàn tay và trí tưởng tượng, không đơn thuần chỉ làm bánh theo thói quen và hình mẫu phổ biến, trùng lặp.

Chị Ánh cho hay có nhiều nguyên liệu bên cạnh kẹo mềm (fondant) như dòng sô-cô-la, đường ăn kiêng tạo hình… cho ra bánh thành phẩm với mẫu mã đa dạng, độc đáo, theo mọi ý muốn của khách hàng. Bên cạnh đó, bánh tạo hình nghệ thuật đi sâu vào việc áp dụng những kỹ thuật của nhiều bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, đòi hỏi người làm hiểu về vật lý, kiến trúc, vẽ 3D… nên họ phải không ngừng học hỏi, trau dồi và tư duy đổi mới mỗi ngày.

Chị Kim Ánh trong không gian thường xuyên tổ chức workshop của mình. Ảnh: An Phú

Được biết, bánh sử dụng nguyên liệu, màu thực phẩm toàn hoàn ăn được và an toàn với sức khỏe người dùng. Ngoài trực tiếp nhận đơn đặt hàng bánh, bán dụng cụ nguyên liệu trên cả nước, chị Ánh mở ra nhiều lớp học, khóa học hướng dẫn làm bánh miễn phí trên mạng xã hội cho người mới bắt đầu, mở workshop vào mỗi cuối tuần để những người quan tâm được trực tiếp “cầm tay chỉ việc”.

Nhiều người với độ tuổi, ngành nghề, giới tính khác nhau tham gia workshop. Ảnh: NVCC

Nhìn nhận thị trường bánh fondant từ 2014 đến hiện tại, chị Kim Ánh tỏ ra phấn khởi vì loại bánh này ngày càng phổ biến đến nhiều người. Ba năm trở lại đây, doanh số công ty bán nguyên liệu, dụng cụ chuyên làm bánh tăng lên 50% mỗi năm. Các đối tượng yêu thích, muốn trải nghiệm khóa học sớm mở rộng ra từ trẻ em các trường lớn nhỏ, đến Việt kiều, người đi làm đủ loại ngành nghề.

“8 năm về trước, nhìn xung quanh rất khó để tìm ra ai đó cùng đứng chung thuyền với mình mặc dù trên thế giới các nước như Nga, Ý đã đi trước cả chục năm. Cũng nhờ thường xuyên tiếp cận hội nhóm quốc tế yêu ngành bánh, tôi mới nhận ra và chọn đi cùng đam mê, trở thành một trong ít người tiên phong trong dòng bánh này. Giờ đây tôi có nhiều học viên rất giỏi và có thể sống được với nghề, không bị “rơi rụng” vì sự đào thải khắc nghiệt”, chị tâm sự.

Mẫu túi xách "ăn được". Ảnh: NVCC

Trong tương lai, chị Kim Ánh muốn được truyền nghề cũng như thảnh thơi dành toàn bộ tâm trí hết mình trong cuộc chơi với nghệ thuật. Chị thử mình chinh phục những kiểu tạo hình khó như tả thực người, điêu khắc hình thể và mong được mọi người đón nhận nhiều hơn.

Người thợ sáng tạo cho những chiếc bánh đủ hình dáng khác nhau dựa vào sự khéo léo từ đôi tay. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Kinh Tế Sài Gòn Online, từ câu chuyện khởi nghiệp của đời mình, chị Kim Ánh hy vọng những người trẻ, đặc biệt là trẻ em sớm phát hiện được thiên hướng cuộc đời và khám phá năng lực bên trong. Các bạn nên được đầu tư đủ và đúng để không phải mất thời gian loay hoay hay bỏ qua những thời điểm “vàng” trong đời.

“Có lúc tôi cảm thấy tiếc vì mình không mạnh mẽ bước đến với nghề nghiệp này sớm hơn mà phải đợi đến 30, tuy nhiên chỉ cần đủ lửa, mọi rào cản cũng chỉ là thử thách để mình tốt hơn mỗi ngày”, chị chia sẻ.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới