Thứ tư, 1/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi nông nghiệp có tin vui!

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được khoảng 7,2 triệu tấn gạo, tăng 1 triệu tấn so với năm trước, tổng giá trị xuất khẩu 3,49 tỉ đô la Mỹ. Một con số kỷ lục tính từ năm 2013. Tuy nhiên, niềm vui thực sự của ngành nông nghiệp không phải từ những con số kỷ lục trên, mà đến từ con số của nông dân, nhỏ bé hơn rất nhiều.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, chi phí sản xuất lúa vụ thu đông tăng 234 đồng/ki lô gam so với cùng kỳ năm trước, nhưng bù lại giá lúa tăng 600-1.000 đồng/ki lô gam, riêng lúa nếp tăng tới 2.800 đồng/ki lô gam. Nhờ vậy mà người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có được một vụ thu hoạch vừa được mùa vừa trúng giá.

Niềm vui được mùa trúng giá của người trồng lúa vụ thu đông năm nay có được phần nhiều do may mắn. Thứ nhất, do hậu quả của cuộc chiến Nga - Ukraine, cộng thêm gần đây nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ hạn chế việc xuất khẩu gạo, làm nhu cầu mua gạo Việt Nam của các nước tăng lên. Thứ hai, sau khi đạt mức giá kỷ lục trong 50 năm vào cuối quí 1-2022, giá phân bón bắt đầu giảm mạnh; tương tự là đà giảm của giá xăng dầu; trong khi đó giá gạo xuất khẩu trong giai đoạn cuối năm 2022 lại có chiều hướng tăng, cộng với nhu cầu mua gom gạo để xuất khẩu tăng đã giúp cho giá lúa trong nước trong những tháng cuối năm tăng mạnh.

Nói ra những điều trên để cho thấy thu nhập của người trồng lúa bấp bênh và phụ thuộc vào may rủi đến mức nào. Niềm vui được mùa trúng giá vụ thu đông năm 2022 tuy lớn, nhưng chắc cũng chưa đủ bù đắp cho những thất bát ở hai vụ đông xuân và hè thu ngay trước đó, khi mà giá vật tư đầu vào như phân bón, xăng dầu thì tăng vọt, còn giá lúa thương phẩm thì giảm. Ngay cả một vụ được xem là thành công lớn, với năng suất thu hoạch bình quân lên đến 7-8 tấn/héc ta, thì thu nhập của người làm lúa vụ thu đông tối đa cũng chỉ được thêm được 2-6 triệu đồng/héc ta cho hơn ba tháng lao động vất vả.

Người trồng lúa sẽ không bao giờ có được niềm vui bền vững nếu không có chính sách bảo hiểm giá từ phía Nhà nước. Cách nay tròn 13 năm, Chính phủ đã ban hành một nghị quyết trong đó có nói phải bảo đảm cho người trồng lúa có lãi ít nhất 30%. Nhưng nghị quyết lại không đi kèm với biện pháp hỗ trợ cụ thể, như nhiều quốc gia phát triển đã và đang làm với người nông dân của họ, nên mục tiêu lãi 30% của người trồng lúa Việt Nam vẫn bấp bênh và bất định.

Một điểm nữa mà Nhà nước có thể làm để giúp người nông dân chính là ở cơ cấu chi phí sản xuất lúa. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi được xem là thuận lợi nhất Việt Nam để trồng lúa, chi phí sản xuất ngay những giai đoạn giá cả thị trường thuận lợi cũng chiếm đến 70-72% so với giá lúa thương phẩm. Trong đó riêng phân bón đã chiếm 33% và nhân công khoảng 30%. Đây là chỗ mà khoa học công nghệ và cơ giới có thể giúp nông dân hạ chi phí.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào năm 2020, Việt Nam có hơn 62 triệu dân sống ở nông thôn. Chắc chắn sinh kế của đa số cư dân nông thôn là gắn với nghề trồng lúa. Trợ giúp để người trồng lúa có thu nhập khá và ổn định chính là kênh đầu tư có hiệu quả cho nền kinh tế, vì thu nhập của nông dân có khấm khá thì công nghiệp và dịch vụ mới phát triển và nông thôn mới có thể sung túc.

2 BÌNH LUẬN

  1. Luôn được mặc định là bà đỡ/ trụ đỡ… cho toàn bộ nền kinh tế – xã hội nhưng nông dân là đối tượng phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất, trước hết là về thu nhập và phúc lợi xã hội. Để người nông dân thụ hưởng một cách chính đáng những quyền lợi của mình, cần phải cải cách toàn diện quan điểm/ giải pháp ban hành chủ trương chính sách phát triển nông nghiệp/ nông thôn/ nông dân. Đối với nông nghiệp, phải đầu tư nguồn lực mạnh mẽ, nhất là cơ sở hạ tầng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đối với nông thôn, phải nâng cấp trình độ phát triển nông thôn mới tương ứng với sự phát triển mọi mặt của nền kinh tế. Đối với nông dân, phải mở rộng tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa, đa dạng hóa… nhiều hơn nữa.

  2. Không thể để nông dân sống mãi bằng nghề lúa gạo. Như vậy mới thoát nghèo và giàu lên được. Chương trình OCOP là một ví dụ về sự đa dạng hóa sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Rất tiếc là, sản phẩm thì nhiều, nhưng cách quảng bá, giới thiệu, thiết lập kênh bán hàng, nhất là kênh thương mại điện tử còn rất yếu kém. Vào trang chủ quốc gia OCOP.GOV.VN, thông tin còn rất hạn chế. Không có kết nối online đến nhà sản xuất và phân phối. Không có dịch vụ tìm kiếm sản phẩm hữu hiệu… Chừng đó thôi, cũng đủ thấy còn quá nhiều việc phải làm để hỗ trợ nông dân làm giàu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới