Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

EVN đề nghị cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng, Bộ Công Thương nói cần tính toán

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Liên quan đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị cơ chế điều chỉnh giá điện như điều chỉnh giá xăng, Bộ Công Thương nói rằng cần có sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ sự tác động và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

Quy định hiện hành đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát giá đầu vào, đảm bảo phản ánh biến động giá trên thị trường với giá bán lẻ điện bình quân. Ảnh minh họa: VCCI

TTXVN thông tin, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo ý kiến của người tiêu dùng, doanh nghiệp, chuyên gia và các cấp lãnh đạo, cơ quan này đang đề nghị sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP (hiện cơ chế điều chỉnh giá xăng theo 2 Nghị định là 10 ngày điều chỉnh một lần), thậm chí có phương án điều chỉnh giá xăng ngắn hơn, dưới 10 ngày.

Về điều chính giá điện, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, trước đó Quyết định 24/2017/QĐ-TTg đã có cơ chế điều chỉnh giá điện trong năm; hàng quí EVN phải cập nhật chi phí phát điện của quí trước liền kề, dự kiến thông số đầu vào của khâu phát điện các quí còn lại trong năm để tính lại giá bán lẻ điện bình quân. Nếu thông số đầu vào trong khâu phát điện thay đổi, giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng 3% trở lên, giá điện được phép điều chỉnh tăng. Nếu giảm, giá điện sẽ được điều chỉnh giảm.

Như vậy, quy định hiện hành đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát giá đầu vào, đảm bảo phản ánh biến động giá trên thị trường với giá bán lẻ điện bình quân. Tuy nhiên, giá điện có đặc trưng khác với giá xăng dầu, chi phí sản xuất kinh doanh điện có sự phụ thuộc cao vào các mùa trong năm: mùa mưa và mùa khô, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải thích.

Cụ thể, vào giai đoạn mùa mưa, lượng nước về các hồ thủy điện nhiều, các nhà máy thủy điện có chi phí phát điện thấp được huy động điều độ phát nhiều, dẫn đến tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện thấp hơn so với mùa khô - khi phải huy động các nguồn nhiệt điện có giá đắt hơn do các nhà máy thủy điện không có đủ lượng nước để phát điện và đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và người tiêu dùng.

Vì vậy, Quyết định 24 đã quy định rõ thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất để phản ánh sự biến động khách quan của chi phí trên.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất là ngày 20-3-2019. Ngoài ra, giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, người dân. Việc điều hành giá điện cần được tính toán, đánh giá, cân nhắc rất kỹ lưỡng, đầy đủ sự tác động và phải báo cáo Thủ tướng xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

Tin từ Baochinhphu.vn, Bộ Công Thương đã nhận được đề nghị tăng giá điện của EVN, ghi nhận biến động khó lường của giá nhiên liệu, giá điện tăng cao ở nhiều nước, áp lực lạm pháp gia tăng, chi phí chung của sản xuất, kinh doanh đã tác động mạnh làm giá điện tăng cao...

Trong khi đó, công nghiệp sản xuất sử dụng điện đến 53%, xây dựng sử dụng từ 35-40%, tổng cộng 2 ngành này chiếm khoảng 90% mức điện tiêu thụ.

Theo VCCI, bất cập ở đây là 2 ngành công nghiệp nói trên có lượng tiêu thụ điện lớn nhưng được mua với giá thấp, do đó việc thua lỗ của EVN là điều nhìn thấy trước. Ngoài ra, than là một nguồn nguyên liệu đầu vào lớn nhất cho điện nhưng Tập đoàn Than – Khoáng sản lại bán than liên tục để hoàn thành kế hoạch hàng chục triệu tấn/năm, trong đó có than dùng phát điện và giờ phải đi mua than đắt gấp 3,48 lần.

Một vấn đề khác là năng lượng tái tạo. Trong khi nhiều doanh nghiệp đầu tư rất lớn cho điện gió, điện mặt trời, đầu tư đường dây để cho các đơn vị phát điện khác nhờ truyền tải đến sinh hoạt và sản xuất, song vẫn đang phải “chờ” giá...

Để đảm bảo minh bạch chi phí và cơ cấu giá điện, VCCI kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra chi tiết các khoản thu-chi của EVN, từ đó mới có thể đưa ra kiến nghị Bộ Công thương tăng giá ở thời điểm nào là thích hợp. Bởi một số nhóm ngành chủ lực như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày đang gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu tiêu thụ chậm.

Bộ Công Thương cần tính toán thấu đáo, chi tiết trước khi trình Thủ tướng, để làm sao khi tăng giá điện, dư luận cảm nhận được đó là hợp lý, hợp tình và thuận với sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. Từ đó sẽ không còn những phân vân, thắc mắc hay ý kiến về  đề xuất tăng giá điện, theo VCCI.

1 BÌNH LUẬN

  1. Điện và xăng dầu, tuy hai mà một. Nhưng giá điện không giống giá xăng dầu. Xăng dầu đến lúc nào đó sẽ bị cạn kiệt, hoặc bị tẩy chay. Còn điện năng thì cơ hội tiêu dùng và tái tạo vẫn còn rất lớn. Trách nhiệm quan trọng nhất của nhà quản lý lúc này, không chỉ là tính toán giá điện hợp lý, hài hòa lợi ích, mà cần làm sao để có chiến lược dài hơi nhằm bảo vệ và khai thác tốt nguồn lực năng lượng quốc gia theo định hướng bền vững nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới