(KTSG Online) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch báo cáo thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao, khi dư luận gần đây phản ảnh gay gắt về các điểm thi đấu xuống cấp, hư hỏng nặng ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam.
Theo Cổng thông tin Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ có văn bản 74/VPCP-KGVX ngày 5/1/2023 đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao, nhất là các cơ sở thuộc quyền quản lý của bộ; khuôn khổ pháp lý và tình hình thực hiện đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng chất lượng công trình hằng năm, làm rõ những khó khăn, vướng mắc.
Trong số các cơ sở thi đấu thể thao thuộc quản lý của Bộ VH-TT-DL, tình trạng sân vận động quốc gia Mỹ Đình nằm trong Khu liên hợp thể thao quốc gia khiến dư luận bức xúc trong thời gian gần đây. Từ năm 2021, sân Mỹ Đình nhiều lần bị chê vì cơ sở vật chất xuống cấp, rất nhiều phòng chức năng, mặt sàn, sảnh bong tróc, hư hỏng, mặt cỏ kém chất lượng khi tổ chức các trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam.
Tại TPHCM, sân Thống nhất cũng được nâng cấp từ SEA Games 2003, đến nay đã xuống cấp. Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ được cho là nơi luyện tập, thi đấu thể thao hiện đại nhất của thành phố cũng xuống cấp; các khu vực tập bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, các môn võ thuật giờ tạm bợ, thiếu thiết bị chiếu sáng do vướng cơ chế. Rất nhiều năm, các đơn vị tư nhân muốn đấu thầu để nâng cấp một số cơ sở thi đấu, đều không tham gia được.
Hiện nhà thi đấu Lãnh Bình Thăng để không cho thuê, nhà thi đấu quận 7 xuống cấp, nhà thi đấu quận 1 xây dựng 5 năm qua chưa xong, đang ngừng thi công… Theo đại diện Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM, các trung tâm thể thao ở TPHCM mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ phong trào, chưa có công trình đạt chuẩn quốc tế, chưa có khu liên hợp thể thao quy mô như Hà Nội, trong khi Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc thì vẫn là bãi đầm lầy…
Theo TTXVN, một đô thị đầy đủ cơ sở thể dục thể thao và đảm bảo nhu cầu rèn luyện của người dân thì đô thị này trở nên hấp dẫn hơn. Từ đó, nhu cầu phát triển nhà ở, khu dân cư hay các công trình khác sẽ thu hút người dân, tạo điều kiện cho giá bất động sản tăng lên. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở thể thao chất lượng cao, quy mô quốc tế sẽ tạo điều kiện cho việc rèn luyện, thi đấu thành tích cao của vận động viên, từ đó nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên Luật Đầu tư hiện nay, lĩnh vực thể thao không nằm trong diện được áp dụng phương thức đối tác công tư. Vì điều này, nguồn kinh phí tư nhân không có cơ hội đầu tư vào các công trình trên quỹ đất công, trong khi đó nhà nước luôn ưu tiên các công trình giáo dục, y tế, sản xuất…
Từ những bất cập trên, sau khi Bộ VH-TT-DL đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao, khuôn khổ pháp lý và tình hình thực hiện đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng chất lượng công trình hằng năm; Thủ tướng Chính phủ giao bộ chủ động đề xuất giải pháp phù hợp bảo đảm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, yêu cầu thực tế cho các hoạt động thi đấu thể thao và các hoạt động văn hóa, thể thao khác; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1-2023.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng chiều 6-1 đã họp khẩn yêu cầu Ban quản lý Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình rà soát lại tất cả những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, mặt sân để có báo cáo sớm nhất lên lãnh đạo Bộ. Cố gắng bằng mọi biện pháp khắc phục trước trận đấu bán kết lượt về AFF Cup giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam gặp Indonesia ngày 9-1.
Cơ sở vật chất không có lý do gì để có thể xuống cấp trầm trọng. Nguyên nhân chính là sự xuống cấp của cơ chế điều hành lạc hậu, thái độ vô trách nhiệm của nhà quản lý, cũng như sự lũng đoạn tiêu cực.